Hãng Reuters (Anh) ngày 26/5 đưa tin, Đại sứ Trung Quốc tại Canberra đã chỉ trích ý định đòi lại Cảng Darwin cho địa phương của Chính phủ Australia, cho rằng công ty Trung Quốc đang điều hành cảng phía bắc Australia có vị trí chiến lược này không nên bị trừng phạt.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese từng tuyên bố hồi tháng 4 trong chiến dịch tranh cử rằng chính phủ của ông đang thực hiện một kế hoạch buộc chủ sở hữu Trung Quốc phải nhượng lại Cảng Darwin vì lý do lợi ích quốc gia của Australia.
Theo Reuters, Australia đã bán quyền khai thác cảng thương mại này theo một hợp đồng có thời hạn 99 năm cho công ty Landbridge (Trung Quốc) vào năm 2015 – một động thái bị Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama chỉ trích.

Đại sứ Trung Quốc tại Australia Xiao Qian (giữa) đến thăm Cảng Darwin hồi tuần trước. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia
Trong một tuyên bố vào ngày 25/5 trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia, Đại sứ Xiao Qian cho biết Tập đoàn Landbridge đã đầu tư vào Cảng Darwin và đóng góp vào nền kinh tế địa phương.
“Một thập kỷ trước, Tập đoàn Landbridge đã đảm bảo được hợp đồng thuê Cảng Darwin thông qua một quá trình đấu thầu công khai và minh bạch, hoàn toàn tuân thủ luật pháp và nguyên tắc thị trường của Australia”, ông Xiao cho biết.
“Trong 10 năm qua, Tập đoàn Landbridge đã đầu tư đáng kể vào việc duy trì và xây dựng cơ sở hạ tầng của Cảng Darwin, tối ưu hóa hoạt động và quản lý, đồng thời mở rộng nguồn khách hàng.
“Một doanh nghiệp và dự án như vậy xứng đáng được khuyến khích, chứ không phải bị trừng phạt. Thật đáng ngờ về mặt đạo đức khi cho thuê cảng khi nó không có lãi rồi sau đó tìm cách đòi lại khi nó có lãi”, Đại sứ Xiao tuyên bố, vài ngày sau chuyến đi tới thành phố Darwin – nơi ông cho biết ông đã đến thăm Cảng Darwin và gặp gỡ nhân viên tại Landbridge.
Ông Xiao cũng kêu gọi chính quyền Lãnh thổ phía Bắc và Chính phủ Australia “tôn trọng các cam kết ràng buộc” theo hợp đồng và “tôn trọng các quyết định tự chủ của các doanh nghiệp đưa ra do nhu cầu phát triển”.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của chính phủ Australia cho biết Cảng Darwin không chỉ quan trọng đối với thành công kinh tế của khu vực mà còn “là một tài sản cơ sở hạ tầng trọng yếu có tầm quan trọng quốc gia”.
“Chính phủ Australia đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền Lãnh thổ phía Bắc trong các bước tiếp theo”, phát ngôn viên cho biết trong một tuyên bố vào ngày 26/5.
Thủ tướng Albanese từng cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh của Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Australia (ABC) hồi tháng 4 rằng chính phủ của ông muốn cảng “nằm trong tay người Australia” và sẽ trực tiếp can thiệp và mua lại cảng nếu không tìm được người mua tư nhân.
Theo Reuters, Australia đang xây dựng các căn cứ quân sự ở Lãnh thổ phía Bắc của nước này, nơi sẽ luân phiên cho máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Mỹ đồn trú, vì Australia đang tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Việc chính quyền Lãnh thổ phía Bắc trao hợp đồng khai thác Cảng Darwin cho Landbridge diễn ra chỉ vài năm sau khi Mỹ lần đầu luân phiên triển khai lính thủy đánh bộ tại thành phố Darwin. Khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ tập trận trong sáu tháng mỗi năm tại thành phố phía bắc này.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese xem xét kế hoạch xây dựng một địa điểm phóng tên lửa ở Lãnh thổ phía Bắc vào năm 2022. Ảnh: AFR
Trong khi đó, theo ABC News, Landbridge đã nhiều lần tuyên bố rằng cảng này không phải để bán. Và trong một tuyên bố vào ngày 26/5, họ cho biết “vẫn chưa nhận được bất kỳ cam kết nào từ chính phủ ở bất kỳ cấp độ nào”.
“Hoạt động kinh doanh tại Cảng Darwin vẫn diễn ra như thường lệ, vì chúng tôi tiếp tục tập trung vào việc tăng trưởng kinh doanh của mình”, Terry O’Connor – giám đốc không điều hành của Landbridge Australia – cho biết trong một tuyên bố.
Ông O’Connor cũng cho biết Landbridge hoan nghênh những bình luận của Đại sứ Trung Quốc “liên quan đến hoạt động của cảng và sự đóng góp của cảng vào nền kinh tế của Lãnh thổ phía Bắc”.
(Theo Reuters, ABC News)
Đọc bài gốc tại đây.