Tờ Khmer Times (Campuchia) đưa tin, Phan Rim – người phát ngôn của Bộ Công chính và Giao thông vận tải Campuchia – vào ngày 25/5 thông báo rằng, tính đến ngày 24/5, nhóm công tác đã hoàn tất việc khảo sát thực địa, thu thập dữ liệu, xác định và cắm mốc giới cho giai đoạn 2 của dự án kênh đào Funan Techo.
Cuộc khảo sát bắt đầu vào ngày 17/5, tiếp tục từ giai đoạn 1 của dự án – bắt đầu từ khu vực Prek Pnov (ngoại ô thủ đô Phnom Penh) dọc theo sông Bassac về phía suối Prek Ta Hing (huyện Koh Thom, tỉnh Kandal).

Nhóm công tác cắm mốc giới trong hoạt động khảo sát cho giai đoạn 2 của dự án kênh đào Funan Techo tại tỉnh Kandal, Campuchia. Ảnh: MPWT
“Tổng cộng, số mốc giới được xác định và cắm thành công trên khắp tỉnh Kandal lên tới 232 mốc”, người phát ngôn Rim cho biết. “Ngoài ra, 38 mốc giới đã được xác định và cắm tại tỉnh Takeo (ở phía bên phải của kênh đào, tương ứng với các mốc giới ở phía đối diện nằm ở tỉnh Kandal).”
Một tuyên bố từ Bộ Công chính và Giao thông vận tải Campuchia xác nhận rằng nhóm công tác sẽ sử dụng kết quả khảo sát để lập bản đồ chi tiết trước khi trình lên các lãnh đạo xem xét và đưa ra quyết định.
Hoạt động này sẽ diễn ra trước khi Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia tiến hành đo đạc thực địa và xử lý tác động của quá trình thi công dự án, như một phần của quy trình bồi thường thiệt hại cho người dân.
Theo Khmer Times, được khởi công vào ngày 5/8/2024, kênh đào Funan Techo được chính phủ và người dân Campuchia ca ngợi là cơ sở hạ tầng “thay đổi cuộc chơi”, dự kiến sẽ thúc đẩy hậu cần đường thủy cũng như tăng cường sự độc lập về kinh tế của vương quốc này.
Dự án có chi phí ước tính lên tới 1,7 tỷ USD, nhưng sau đó con số này đã được điều chỉnh thành 1,156 tỷ USD. Khoản đầu tư được cơ cấu theo hình thức quan hệ đối tác công tư với 51% cổ phần do các thực thể Campuchia nắm giữ và 49% do các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ. Thỏa thuận đã được ký kết trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4 năm nay.
Hoạt động đầu tư của Trung Quốc được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp nhà nước, đáng chú ý là Công ty Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC) và công ty con – Công ty Công trình Cầu Đường Trung Quốc (CRBC). Các công ty này chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển kênh đào Funan.
Theo Khmer Times, thông tin được công bố vào đầu năm nay cho thấy, quá trình đền bù cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng kênh đào đã được bắt đầu từ tháng 2.
Một báo cáo sơ bộ cho biết dự án sẽ tác động đến gần 10.000 ngôi nhà, 3 nhà máy, 30 cây cầu, 36 tuyến đường quốc lộ, 600 con đập và kênh đào, và hơn 7.000 ha đất nông nghiệp.
Vai trò chiến lược của Trung Quốc
Theo trang ASEAN Briefing, Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển kênh đào Funan Techo, một dự án cơ sở hạ tầng chủ chốt theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Đổi lại khoản đầu tư của mình, Trung Quốc dự kiến sẽ nhận được quyền khai thác độc quyền đối với kênh đào trong 40 đến 50 năm, bao gồm cả quyền thu phí và quản lý hậu cần. Thỏa thuận này phản ánh chiến lược rộng hơn của Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối khu vực và quan hệ kinh tế với Đông Nam Á thông qua quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng dài hạn.

Khoản đầu tư của dự án kênh đào Funan Techo được cơ cấu theo hình thức quan hệ đối tác công tư với 51% cổ phần do các thực thể Campuchia nắm giữ và 49% do các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ. Ảnh: MPWT
Campuchia đã trở thành một nước tiếp nhận BRI quan trọng, với nguồn tài trợ của Trung Quốc tập trung nhiều vào các dự án giao thông và hậu cần quy mô lớn. Bên cạnh kênh đào, Trung Quốc đã tài trợ cho Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville trị giá 2 tỷ USD, cắt giảm đáng kể thời gian di chuyển đến cảng biển chính của Campuchia. Trung Quốc cũng tài trợ cho Sân bay quốc tế Siem Reap Angkor mới (khánh thành năm 2023) và hiện đang nâng cấp Sân bay quốc tế Phnom Penh, góp phần chuyển đổi năng lực hàng không của Campuchia.
Sự tham gia của Trung Quốc mở rộng đến các khu phát triển kinh tế và công nghiệp nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy việc làm. Đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) – một liên doanh chung giữa Campuchia và Trung Quốc – hiện có gần 200 doanh nghiệp sử dụng hơn 30.000 công nhân. Trung Quốc cũng đã hỗ trợ xây dựng hơn 3.200 km đường bộ và 8 cây cầu lớn, tăng cường kết nối trong nước của Campuchia và tạo điều kiện cho các tuyến thương mại gắn liền với cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư.
Trong khuôn khổ hợp tác “Lục giác kim cương” rộng hơn giữa hai nước, sự tham gia của Trung Quốc đã đa dạng hóa ngoài lĩnh vực vận tải. Dòng đầu tư đã mở rộng sang năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nông nghiệp và sản xuất. Ví dụ, “Hành lang cá và lúa gạo” thể hiện nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế nông thôn của Campuchia bằng cách tận dụng công nghệ và nguồn tài trợ của Trung Quốc.
ASEAN Briefing nhận định, nhiều sáng kiến trong số này được cấu trúc thông qua các khoản vay, thỏa thuận Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao (BOT) và đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Trung Quốc, cho phép Campuchia theo đuổi tham vọng phát triển cơ sở hạ tầng mà vẫn hạn chế được gánh nặng tài chính ban đầu.
(Theo Khmer Times, ASEAN Briefing)
Đọc bài gốc tại đây.