Trong tuyên bố chung, Anh và Pháp khẳng định, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước nhằm bảo vệ lợi ích sống còn, nhấn mạnh rằng “lực lượng hạt nhân của chúng tôi độc lập nhưng có thể được phối hợp và đóng góp đáng kể cho an ninh chung của liên minh”.
Phát biểu bên cạnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer hoan nghênh “Tuyên bố hướng Bắc”, cảnh báo các đối thủ rằng “mọi mối đe dọa cực đoan nhằm vào lục địa này sẽ buộc hai nước chúng tôi phải có phản ứng”.
Về phần mình, ông Macron khẳng định đây là “một thông điệp mà các đối tác và đối thủ phải lắng nghe”, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng hiệp ước này liên quan tới việc thành lập liên minh hỗ trợ Ukraine nếu đạt được lệnh ngừng bắn với Nga.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay nhau trong buổi họp báo ngày 10/7 tại London, Anh. (Ảnh: Getty)
Bên cạnh việc phối hợp hạt nhân, London và Paris cũng cam kết mở rộng các đơn vị triển khai chung, đưa chúng vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu để ngăn chặn hoặc đối phó với các đối thủ tiềm tàng.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Anh hiện sở hữu khoảng 225 đầu đạn hạt nhân, trong khi Pháp có khoảng 290. Trong khi đó, Mỹ và Nga đều nắm giữ hơn 5.000 đầu đạn.
Phản ứng về tuyên bố này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo Moskva không thể bỏ qua tiềm năng kết hợp của Anh và Pháp, những đồng minh NATO thân cận nhất của Washington.
Ông khẳng định: “Khi sự phối hợp này được chính thức hóa và đặt trên nền tảng ổn định, chúng tôi sẽ tính đến điều đó không chỉ trong các phản ứng chính trị mà còn trong kế hoạch quân sự”.
Trước đó, vào tháng 3, ông Macron từng đề xuất mở rộng “ô hạt nhân” của Pháp cho các đồng minh châu Âu, song Thủ tướng Starmer phản đối việc chia sẻ vũ khí hạt nhân sang các quốc gia mới.
Bộ Ngoại giao Nga khi đó chỉ trích đề xuất này và cảnh báo động thái đó sẽ không làm tăng mức độ an ninh cho Pháp hay các đồng minh.
Đọc bài gốc tại đây.