
.t1 { text-align: justify; }
Trung Quốc vừa công bố một thành tựu công nghệ lớn khi hoàn thành cuộc thử nghiệm tên lửa không đối không siêu thanh có tầm bắn từ 800 đến 1.000 km.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, vũ khí mới đã trải qua một loạt các bài kiểm tra ở nhiệt độ khắc nghiệt mô phỏng bầu khí quyển sao Hỏa để xác nhận khả năng chống lại ma sát xảy ra khi bay với tốc độ siêu thanh.
Các chuyên gia nhấn mạnh, bước đột phá này có thể thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận chiến đấu trên không, củng cố vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí tiên tiến.
Tên lửa mới này vượt trội hơn đáng kể so với các sản phẩm tương tự hiện có, bao gồm PL-17 và PL-21 cũng của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 400 km, cũng như KS-172 và R-37M của Nga với hiệu suất tương tự.
So với các tên lửa không đối không của phương Tây như AIM-120 AMRAAM của Mỹ, sản phẩm của Trung Quốc có tầm bắn xa hơn gấp 4 đến 5 lần.
Tuy nhiên tính năng chính của sản phẩm mới không chỉ là phạm vi hoạt động mà còn là tích hợp được với các hệ thống trinh sát và điều khiển tiên tiến, cho phép nó tấn công hiệu quả các mục tiêu ở khoảng cách xa như vậy.
Một trong những vấn đề chính khi sử dụng tên lửa có tầm bắn 800 – 1.000 km là hạn chế của radar hiện đại trong việc phát hiện và nhận dạng mục tiêu từ xa, khi phạm vi phát hiện thông thường chỉ đạt 150 – 400 km.
Trung Quốc đang giải quyết thách thức này bằng cách phát triển một mạng lưới tích hợp, bao gồm các máy bay không người lái chiến lược như WZ-8.
Được trang bị công nghệ tàng hình, chiếc UAV này có thể bay tới độ cao 48 km và tiến hành trinh sát theo thời gian thực, truyền dữ liệu qua kênh liên kết tốc độ cao. Điều này đảm bảo tên lửa được dẫn đường chính xác ngay cả ở tầm xa, tạo ra lợi thế chiến lược.

Tên lửa tầm xa PL-15 trong khoang vũ khí của tiêm kích J-20.
Các cuộc thử nghiệm tên lửa và công nghệ liên quan nêu bật tham vọng đạt được ưu thế trên không của Trung Quốc. Theo bài báo đăng trên tờ South China Morning Post vào tháng 3 năm 2025, Bắc Kinh đang tích cực đầu tư vào việc phát triển công nghệ siêu thanh, tìm cách vượt lên trước Hoa Kỳ và Nga.
Không giống như radar của Mỹ sử dụng công nghệ GaA cũ, hệ thống của Trung Quốc sử dụng module GaN MMIC tiên tiến cung cấp công suất và độ nhạy cao hơn.
Theo Defense News, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai công nghệ GaN từ năm 2008, trong khi Hoa Kỳ chỉ mới bắt đầu tích hợp công nghệ này vào radar máy bay chiến đấu F-35 gần đây.
Vai trò của máy bay không người lái trong hệ thống mới không chỉ giới hạn ở việc trinh sát. Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, WZ-8 và các loại UAV khác có khả năng hoạt động ở độ cao mà hầu hết máy bay chiến đấu hiện đại không thể tiếp cận, khiến chúng hầu như không thể bị tấn công bởi các hệ thống phòng không truyền thống.
Điều này được xác nhận bởi sự cố năm 2023, khi Hoa Kỳ buộc phải sử dụng tiêm kích chiến đấu F-22 để chặn một khinh khí cầu tầng bình lưu của Trung Quốc ở độ cao 18 km – bằng một nửa độ cao của máy bay không người lái mà Bắc Kinh có thể chế tạo.
Đọc bài gốc tại đây.