Nội dung chính
Cuộc xung đột quân sự giữa Iran và Israel vừa kết thúc theo một kịch bản được xem là “bất ngờ”, khi ba bên đều tuyên bố giành thắng lợi. Đáng chú ý, diễn biến leo thang giữa các bên không bùng phát thành một cuộc chiến toàn diện, mà khép lại bằng một lệnh ngừng bắn sau các đòn tấn công từ xa.
“Chiến thắng” kỳ lạ của Tehran sau lệnh ngừng bắn
Mọi chuyện bắt đầu khi Mỹ tiến hành các cuộc không kích và tấn công tên lửa nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran. Ngay sau đó, giới lãnh đạo Iran tuyên bố: “Israel đã đầu hàng”.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là rạng sáng 24/6, trước khi Washington công bố lệnh ngừng bắn, Iran lại phóng tên lửa tấn công căn cứ quân sự Al Udeid của Mỹ tại Qatar. Một số căn cứ của Mỹ ở Iraq cũng bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Khi cả thế giới lo ngại xung đột Israel – Iran sẽ leo thang thành chiến tranh Mỹ – Iran, thì kết quả lại bất ngờ theo hướng ngược lại.
Sáng cùng ngày, Mỹ và Israel đồng loạt tuyên bố đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Phía Iran cũng xác nhận sẽ tuân thủ thỏa thuận do Washington đề xuất.

Tổng thống Mỹ Donal Trump bất ngờ thông báo lệnh ngừng bắn giữa Iran và Israel. Ảnh Al Jazeera
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi thông tin về lệnh ngừng bắn được phát đi, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) – đơn vị nắm quyền kiểm soát tên lửa của Tehran – lại bất ngờ phóng 12 tên lửa đạn đạo nhằm vào Israel như một “phát súng cuối cùng” để “chia tay”.
Truyền thông Israel cho biết, số tên lửa này được phóng thành 5 đợt riêng biệt, trong đó một quả đã rơi trúng tòa nhà tại thành phố Beersheba, khu vực Negev, biến phần lớn công trình thành đống đổ nát. Thống kê sơ bộ cho thấy, ít nhất 4 người thiệt mạng và 16 người khác bị thương.
Điều gây tranh cãi là một số nguồn tin cho biết, Iran thực hiện vụ tấn công này trước thời điểm lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực, vào khoảng 7h sáng (giờ địa phương). Tuy vậy, cuộc tập kích vẫn tiếp diễn sau thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngừng bắn.
Dù hứng chịu đòn đánh, Israel vẫn kiềm chế, không tổ chức phản công và chính thức tuyên bố ngừng bắn. Giới phân tích cho rằng, hành động của Tehran nhằm tạo thế ngừng bắn “không trong thế yếu”, và dù thiệt hại lớn sau 12 ngày giao tranh, Iran coi đây là một “chiến thắng khó khăn” nhưng mang ý nghĩa lớn về mặt hình ảnh.
Ngày 26/6, lần đầu tiên, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei chính thức lên tiếng, ca ngợi kết quả đạt được là “thắng lợi lịch sử” trước cả Israel và Mỹ. Theo ông Khamenei, Washington đã buộc phải can dự vì lo ngại đồng minh Israel có thể bị “xóa sổ”, nhưng cuối cùng không thể xoay chuyển cục diện.
“Mỹ đã không cứu nổi đồng minh, và cuối cùng, Cộng hòa Hồi giáo đã giáng cho họ một cái tát tàn khốc”, ông Khamenei tuyên bố trong bài phát biểu qua video.

Tên lửa Iran tấn công vào thành phố Tel Aviv Israel vào đêm 23/6.Ảnh The Time of Israel
Mỹ, Israel cũng tuyên bố chiến thắng
Trái ngược với tuyên bố từ Tehran, phía Israel lại khẳng định việc ngừng bắn là chiến thắng của họ, sau 12 ngày không kích và các chiến dịch tình báo nhằm vào chương trình hạt nhân Iran. Theo truyền thông Israel, “mối đe dọa hạt nhân từ Iran đã bị vô hiệu hóa”, đồng thời chiến dịch này cũng gửi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới các quốc gia Ả Rập trong khu vực.
Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tự nhận chiến thắng. Ông cho rằng chính các cuộc ném bom của Không quân Mỹ và các đòn tấn công tên lửa từ tàu ngầm đã buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán.
Theo Washington, hành động tấn công các cơ sở hạt nhân Iran không chỉ giáng đòn vào đối thủ chiến lược lâu dài, mà còn là cách thể hiện cam kết bảo vệ các đồng minh trong khu vực. Mỹ cho rằng, họ mới là bên giành được “thắng lợi lớn nhất” trong vòng đối đầu này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các cuộc tấn công của Mỹ không hoàn toàn phá hủy năng lực hạt nhân của Iran. Ngay sau khi bị tập kích, IRGC vẫn đủ khả năng phóng tên lửa không chỉ vào Israel mà còn nhằm vào một số căn cứ Mỹ tại Trung Đông. Dù phần lớn các cơ sở này đã được sơ tán, báo chí khu vực cho biết, Tehran đã cảnh báo Washington trước các cuộc tấn công, thể hiện việc họ vẫn “có tiếng nói sau cùng”.
Đáng chú ý, truyền thông Mỹ tiếp tục “đổ dầu vào lửa” khi tiết lộ thông tin tình báo từ Lầu Năm Góc cho thấy, các cuộc không kích của Mỹ không gây thiệt hại nghiêm trọng cho chương trình hạt nhân Iran, khiến chính quyền Trump và giới chức quân sự Mỹ nổi giận.

Căn cứ quân sự Al Udeid của Mỹ tại Qatar đã được sơ tán hết máybay. Ảnh Al Jazeera
Kết thúc tạm thời: Ba bên đều cần “nghỉ giữa hiệp”
Thực chất, việc ba bên tuyên bố thắng lợi chỉ là một phần của chiến lược tuyên truyền. Theo các chuyên gia, việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn một cách chóng vánh cho thấy mỗi bên đều có lý do để tạm dừng.
Với Mỹ, Washington không muốn bị cuốn sâu vào một cuộc chiến tốn kém ngay trước thềm bầu cử. Israel nhận ra kế hoạch ban đầu quá lạc quan và cần thời gian củng cố lực lượng. Về phía Iran, Tehran hiểu rõ cái giá phải trả nếu xung đột lan rộng, nhất là khi phần lớn cơ sở hạt nhân vẫn còn nguyên vẹn và có thể khôi phục nhanh chóng.
Nói cách khác, cuộc đối đầu quân sự vừa qua chỉ là một “hiệp đấu”, và lệnh ngừng bắn hiện tại giống như khoảng thời gian để các bên “lau máu” trước khi tiếp tục ván cờ chiến lược phức tạp ở Trung Đông.
(Theo Topwar, NTY)
Đọc bài gốc tại đây.