Trang chủ Quốc tếQuan điểm Nhà kinh tế học bị sốc khi nghiên cứu của ông được trích dẫn trong biểu thuế Nhà Trắng: “Họ rất sai”

Nhà kinh tế học bị sốc khi nghiên cứu của ông được trích dẫn trong biểu thuế Nhà Trắng: “Họ rất sai”

bởi Admin
0 Lượt xem

Tờ Huffpost (Mỹ) ngày 8/4 đưa tin, một nhà kinh tế học hàng đầu nước Mỹ đã lên tiếng sau khi ông cho biết bản thân bị sốc khi phát hiện ra rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã trích dẫn nghiên cứu của ông khi xây dựng biểu thuế đối ứng toàn cầu vào tuần trước, mà ông cho biết họ đã “rất sai”.

- Ảnh 1.

Giáo sư kinh tế Brent Neiman của Đại học Chicago (Mỹ) tuyên bố Nhà Trắng đã sử dụng công thức của ông “rất sai” để biện minh cho việc áp thuế đối ứng lên các quốc gia khác. Ảnh: Getty

Mức thuế quan có lẽ chỉ bằng 1/4

Giáo sư kinh tế Brent Neiman của Đại học Chicago (Mỹ) đã viết trong một bài xã luận trên tờ New York Times vào ngày 7/4 rằng mức thuế suất của Nhà Trắng đưa ra cao hơn khoảng 4 lần so với mức lẽ ra nên áp dụng nếu họ tính toán đúng theo công thức của ông.

“Làm sao mà họ tính toán được mức thuế suất lớn như vậy?”, Neiman nói và cho biết đã bị sốc và bối rối ngay khi nhìn thấy những con số được Tổng thống Trump công bố tại Nhà Trắng. Sau đó, vị giáo sư này thấy nghiên cứu từng được công bố của ông, do ông đồng tác giả vào năm 2021, được Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trích dẫn như một phần phương pháp luận của họ.

“Nhưng họ đã sai. Rất sai”, Neiman viết. “Về cơ bản, tôi không đồng ý với chính sách và cách tiếp cận thương mại của chính phủ [Mỹ]. Nhưng ngay cả khi xét theo giá trị thực, những phát hiện của chúng tôi cho thấy mức thuế quan được tính toán phải nhỏ hơn đáng kể — có lẽ chỉ bằng 1/4.”

Giáo sư Neiman – người từng là viên chức Bộ Tài chính Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden – cho rằng Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đưa sai tỷ lệ 25% vào công thức của ông để tính ra mức thuế.

“25% đến từ đâu? Có liên quan gì đến nghiên cứu của chúng tôi không? Tôi không biết”, ông viết.

“Nếu thay vào đó, Văn phòng thương mại sử dụng một giá trị gần hơn với con số 95% từ nghiên cứu của chúng tôi, như tôi tin là họ nên làm, thì mức thuế được tính toán sẽ chỉ bằng ¼ so với mức hiện tại”.

Giáo sư của Đại học Chicago cho biết “sai lầm lớn nhất” là tận dụng thuế quan đối ứng để cố gắng xóa bỏ thâm hụt thương mại với một số đối tác thương mại lớn của Mỹ.

“Văn phòng cho biết họ đã tính toán mức thuế quan đối ứng ở mức về mặt lý thuyết sẽ xóa bỏ thâm hụt thương mại với ‘mỗi đối tác thương mại của chúng ta [Mỹ]’, từng đối tác một. Đó có phải là mục tiêu hợp lý hay không?” Neiman đặt câu hỏi.

“Không phải vậy. Sự mất cân bằng thương mại giữa hai quốc gia có thể xuất hiện vì nhiều lý do không liên quan gì đến chủ nghĩa bảo hộ. Người Mỹ chi nhiều tiền hơn cho quần áo sản xuất tại Sri Lanka so với người Sri Lanka chi cho dược phẩm và tua-bin khí của Mỹ. Vậy thì sao? Mô hình đó phản ánh sự khác biệt về tài nguyên thiên nhiên, lợi thế so sánh và trình độ phát triển”, Neiman viết.

“Các con số thâm hụt không đưa ra gợi ý, chứ đừng nói đến việc chứng minh, sự cạnh tranh không lành mạnh”, ông nói thêm.

- Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế tối thiểu 10% đối với hầu hết mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tại Vườn Hồng bên trong Nhà Trắng vào ngày 2/4. Ảnh: Reuters

Theo tờ New York Post, phản ứng của giáo sư Neiman được đưa ra sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế tối thiểu 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ hồi tuần trước, cũng như mức thuế cao hơn đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của nước này – từ cà phê Ý cao cấp và rượu whisky Nhật Bản đến đồ thể thao sản xuất tại châu Á.

Tổng thống Trump đã biện minh cho mức thuế cao này bằng cách lập luận rằng mức thuế quan “có đi có lại” này là phản ứng đối với thuế quan và các rào cản phi thuế quan khác áp dụng cho hàng hóa của Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh rằng thuế quan sẽ thúc đẩy việc làm trong ngành sản xuất trong nước Mỹ.

Khi trả lời phỏng vấn của kênh ABC 7 Chicago, giáo sư Neiman cho biết ông chưa trao đổi trực tiếp với chính quyền Tổng thống Trump nhưng ông được thông báo rằng họ biết ông đã chỉ ra những sai lầm của họ.

Bất chấp sự phản đối và chỉ trích, Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ giữ nguyên mức thuế đối ứng của mình, đồng thời cho biết thêm rằng kể từ đó, hơn 50 quốc gia đã liên hệ để đàm phán một thỏa thuận.

Trong khi đó, do Bắc Kinh từ chối dỡ bỏ các biện pháp trả đũa thuế quan, Nhà Trắng vào ngày 8/4 đã thông báo sẽ chính thức áp thuế 104% đối với hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ 0h ngày 9/4 (giờ Washington).

(Theo Huffpost, New York Post)

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan