Nội dung chính
Tờ The New Arab ngày 25/2 có bài phân tích về cuộc khủng hoảng ở Lebannon, nhận định rằng Beirut hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong nước với Hezbollah và cuộc khủng hoảng ngoại giao với Tehran sau khi cấm các chuyến bay thương mại của Iran do áp lực từ Mỹ và Israel.
Khủng hoảng lệnh cấm bay
Mâu thuẫn nổ ra vào ngày 13/2, khi Lebanon chặn chuyến bay của hãng hàng không Mahan Air của Iran hạ cánh xuống Sân bay Rafic Hairi của Beirut, chỉ vài giờ sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cảnh báo Iran sử dụng các chuyến bay dân sự đến Lebanon để chuyển tiền cho Phong trào Hezbollah mua vũ khí. Hành động này của Lebanon được cho là xuất phát từ lời cảnh báo của Mỹ rằng Israel sẽ tấn công sân bay ở Lebanon nếu máy bay của Iran hạ cánh.
Lệnh cấm đã gây ra sự phẫn nộ giữa những người ủng hộ lực lượng Hezbollah, dẫn đến các cuộc biểu tình và chặn đường tại các sân bay, cũng như tấn công vào đoàn xe của UNIFIL khiến một số lính gìn giữ hòa bình bị thương. Quân đội Lebanon đã can thiệp, sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.
Hôm 25/2, Đại biểu quốc hội Hezbollah Mohammad Raad đã kêu gọi chính phủ hủy bỏ quyết định cấm các chuyến bay của Iran, với ly do động thái này “làm suy yếu chủ quyền quốc gia và gây tổn hại đến lợi ích của nhiều công dân Lebanon.”
Lệnh cấm bay ban đầu dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào ngày 18/2 nhưng đã được gia hạn, Beirut chưa công bố ngày dỡ bỏ lệnh cấm. Chính phủ Lebanon cho biết, các biện pháp chống lại các hãng hàng không Iran có liên quan đến lệnh trừng phạt của châu Âu. Trong khi đó, Iran đã cấm các chuyến bay của Lebanon cho đến khi các chuyến bay của nước này được phép hạ cánh xuống Beirut.
Bất chấp cuộc khủng hoảng vì các lệnh cấm bay, lễ tang của cựu lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah và người đứng đầu Hội đồng điều hành Hezbollah Hashem Safieddine đã tạo cơ hội để các quan chức Lebanon và Iran gặp nhau.
Tổng thống Lebanon Joseph Aoun đã gặp phái đoàn Iran và nhấn mạnh rằng: “Lebanon đã mệt mỏi bởi các cuộc chiến của những lực lượng khác, trên đất nước mình” và sự can thiệp của nước ngoài. Phái đoàn Iran cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và sự ổn định của Lebanon, Tổng thống Aoun cũng chia sẻ quan điểm này, đồng thời nói thêm rằng đoàn kết là phản ứng tốt nhất.
Sự hiện diện của phái đoàn tại buổi lễ có giá trị biểu tượng quan trọng, làm nổi bật sự ủng hộ liên tục của Iran đối với Hezbollah.

Ảnh: Getty
Bóp nghẹt quyền lực của Hezbollah
Thủ lĩnh Hezbollah tuyên bố nhóm này có hơn 100.000 chiến binh nhưng theo ước tính của các chuyên gia, lực lượng Hezbollah chỉ có khoảng 50.000 quân, trong đó có 30.000 quân thường trực và 20.000 quân phòng bị.
Cuộc khủng hoảng lệnh cấm bay xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với Beirut. Mặc dù lệnh ngừng bắn với Israel đã kết thúc vào ngày 18/2, lực lượng Israel vẫn chiếm giữ năm vị trí chiến lược dọc theo biên giới phía nam của Lebanon, làm gia tăng căng thẳng trong nước.
Lebanon vẫn đang phải vật lộn với cuộc xung đột kéo dài 13 tháng giữa Hezbollah và Israel liên quan đến cuộc chiến ở Gaza.
Tuy nhiên, bất chấp phản ứng tích cực sau cuộc bầu cử Tổng thống của nước này và việc thành lập chính phủ Lebanon do Thủ tướng Nawaf Salam lãnh đạo, Lebanon vẫn ở trong tình thế khó khăn khi cuộc khủng hoảng lệnh cấm bay với Iran ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ của Beirut đối với lực lượng Hezbollah và cộng đồng người Shia – vào thời điểm mà nhà nước đang tìm kiếm sự thống nhất.
Fawaz Gerges, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London, nói với tờ The New Arab rằng chiến lược của Israel và Mỹ đang làm suy yếu thêm Hezbollah – tổ chức vẫn duy trì được quyền lực trong nước mặc dù phải chịu những tổn thất về quân sự và chính trị.
“Những gì họ đang cố gắng làm là bóp nghẹt Hezbollah về mặt quân sự, tài chính và chính trị. Lệnh cấm các chuyến bay của Iran tới Beirut phản ánh áp lực của Mỹ-Israel đối với chính phủ Lebanon nhằm ngăn chặn mọi hình thức hỗ trợ tài chính của Iran”, ông nói.
Vào hồi cuối tháng 1, Washington đã gây sức ép lên các quan chức Lebanon nhằm ngăn chặn Hezbollah hoặc các đồng minh của tổ chức này đề cử bộ trưởng tài chính tiếp theo. Vào hôm 7/2, trong chuyến thăm đầu tiên tới Lebanon, phó đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Morgan Ortagus đã vạch ra “lằn ranh đỏ”, tuyên bố Hezbollah nên bị loại khỏi chính phủ tiếp theo do những thất bại quân sự trước Israel.

Chú thích ảnh
Thế khó của Lebanon
Tương lai quan hệ Iran – Lebanon như đang đứng trước ngã ba đường, chịu ảnh hưởng bởi những diễn biến trong khu vực và những thách thức trong nước. Chính phủ Lebanon được đánh giá là bị kẹt giữa thế tiến thoái lưỡng nan.
Theo Heiko Wimmen, giám đốc dự án Iraq, Syria và Lebanon tại International Crisis Group, tình hình khu vực mong manh đã đặt chính phủ Lebanon vào thế khó vì họ phải cân bằng mối quan hệ với Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh trong khi vẫn cần viện trợ tái thiết.
“Lebanon muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Iran, nhưng điều đó có thể không khả thi trong tình hình hiện tại. Quyết định dừng các chuyến bay không phải do thái độ thù địch với Iran, mà là do mối đe dọa rằng Israel có thể nhắm vào sân bay”, ông nói với tờ The New Arab . “Phản ứng của Iran, cấm các chuyến bay của Lebanon, cho thấy họ không hiểu [cho tình thế của Lebanon] và gia tăng áp lực lên chính phủ Lebanon, họ không khoan nhượng với tình thế khó khăn của Beirut”.
Đọc bài gốc tại đây.