Nội dung chính
Ngày 27/3/2025, Hội nghị thượng đỉnh của “Liên minh tự nguyện” đã được tổ chức tại Paris với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ từ 31 quốc gia NATO, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và Na Uy, cũng như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Tổng thư ký NATO Mark Rutte.
Trong khi đó, Áo, Úc và Canada có đại diện ở cấp đại sứ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được mời đến tham dự sự kiện này.
Hội nghị không có sự tham gia chính thức của Mỹ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh của “Liên minh tự nguyện” chụp ảnh tập thể. Ảnh: AFP
Các chủ đề thảo luận chính
Hội nghị thượng đỉnh của “Liên minh tự nguyện” được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Mục tiêu chính của hội nghị là thảo luận việc đảm bảo an ninh cho Ukraine, khả năng triển khai “lực lượng giữ gìn hòa bình” ở Ukraine, một trong những vấn đề nhạy cảm nhất theo đề nghị của Pháp và Anh nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Tổng thống Pháp Macron đã yêu cầu hội nghị thông qua kế hoạch điều động lực lượng này của châu Âu tới “các địa điểm chiến lược” ở Ukraine. Ông đề nghị không gọi đây là lực lượng gìn giữ hòa bình mà là “lực lượng bình định” hoặc “lực lượng răn đe” vì không muốn bị coi là một bên tham gia vào cuộc xung đột.
Hội nghị cũng thảo luận việc tăng viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Mỗi quốc gia tham gia được yêu cầu phải nêu rõ cách thức cụ thể mà họ có thể giúp đỡ Kyiv.
Việc củng cố sức mạnh quốc phòng, tái vũ trang cho châu Âu cũng đã được đề cập tới. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Von der Leyen đưa ra kế hoạch có chi phí lên tới tới 800 tỷ euro được phân bổ cho các quốc gia thành viên để đầu tư vào quốc phòng.
“Chúng ta cũng cần một vị thế răn đe và phòng thủ đáng tin cậy trong EU. Đó là lý do tại sao chúng ta cũng phải phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng của riêng mình”, bà nói.
Hội nghị cũng dành phần lớn thời gian để thảo luận các biện pháp tăng cường trừng phạt đối với Nga để buộc Moscow chấp nhận ngừng bắn.

Hiện tại, Anh và Pháp đang có kế hoạch cử một nhóm công tác tới Ukraine để xác định số lượng và các địa điểm đóng quân của lực lượng châu Âu.
Tổng thống Ukraine Zelensky có mặt tại hội nghị, đã hứa sẽ cung cấp “kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình” trong vòng 10 ngày.
Tuy nhiên, mối quan ngại chính của các nhà lãnh đạo châu Âu là Mỹ không sẵn lòng hỗ trợ lực lượng này do Nga phản đối. Washington không những không đưa ra bất kỳ cam kết nào mà còn bác bỏ hoàn toàn kế hoạch của châu Âu.
Kết quả hội nghị
Xét về kết quả của hội nghị, Tổng thống Pháp Macron đã tập hợp được một liên minh ủng hộ Ukraine không mấy vững chắc. Tờ The Wall Street Journal viết, Anh và Pháp đã không thuyết phục được các đồng minh châu Âu gửi quân trên bộ, trên không và trên biển tới Ukraine. Kết quả thu được khá khiêm tốn. Kết quả quan trọng nhất của hội nghị là thể hiện sự đoàn kết và cam kết của châu Âu trong việc ủng hộ Ukraine.
Không có bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine được đưa ra. Các nước châu Âu ghi tên vào danh sách tham gia “Liên minh tự nguyện”, nhưng từ chối việc triển khai quân đội các nước EU dọc theo tuyến đầu. Ba Lan hoàn toàn từ chối gửi quân đến Ukraine.
Tổng thống Pháp Macron từ chối hoàn toàn việc tịch thu tài sản của Nga bị đóng băng tại EU trị giá 230 tỷ euro để giúp Ukraine.
Một số quốc gia cam kết giúp đỡ Ukraine, trong đó có Pháp với số tiền 2 tỷ euro. Con số này rất nhỏ so với mức 40 tỷ euro mà Cao ủy phụ trách ngoại giao của EU Kaja Kallas đề nghị trước đó.
Tổng thống Macron cho biết việc thành lập lực lượng để triển khai tại Ukraine đang trong giai đoạn lập kế hoạch và đã giao cho các bộ trưởng ngoại giao của EU thời hạn ba tuần để xây dựng các phương án triển khai và cách giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Ông Macron cũng cho biết Anh và Pháp sẽ cử một phái đoàn tới Ukraine để giúp lực lượng vũ trang của nước này lập kế hoạch cho tương lai.
Nhìn chung, Tổng thống Pháp đã tập hợp được một “liên minh tự nguyện” để thảo luận về việc đưa quân tới Ukraine, nhưng rồi mỗi người đi một hướng. Chưa có quốc gia nào, ngay cả Pháp là quốc gia hô hào mạnh mẽ nhất về “lực lượng răn đe” cũng chưa đưa ra cam kết cụ thể công khai.
Việc triển khai lực lượng này không dễ dàng. Các nước tham gia phải xem xét nhiều vấn đề trong đó phải chuẩn bị ngân sách, khuôn khổ pháp lý; xây dựng cơ cấu quân sự; tiến hành nghiên cứu thực địa; triển khai các đội quân ở đâu; phương tiện kỹ thuật, vũ khí nào sẽ được sử dụng; phương pháp giám sát lệnh ngừng bắn, nhiệm vụ cụ thể là gì, ai sẽ báo cáo, báo cáo cho ai, và ai sẽ trừng phạt kẻ vi phạm…
Bình luận về kết quả của hội nghị, Thủ tướng Anh Keir Starmer nói: “Kết quả chính của hội nghị thượng đỉnh ở Paris là bày tỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine ở mức cần thiết”, đồng thời tuyên bố “bây giờ không phải là lúc dỡ bỏ lệnh trừng phạt” đối với Nga.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, kết quả hội nghị cho thấy “Liên minh tự nguyện” không đạt được sự đồng thuận về những vấn đề được nêu ra. Việc châu Âu từ chối nới lỏng lệnh trừng phạt sẽ chỉ làm tăng thêm sự không chắc chắn về triển vọng ngừng bắn, vì Nga đặt điều kiện cho lệnh ngừng bắn là dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.
Chính ông Starmer cũng thừa nhận rằng, việc gửi lực lượng châu Âu đến Ukraine sẽ không khả thi nếu không có sự đảm bảo an ninh từ Mỹ.
Đặc biệt, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã không tham gia hội nghị thượng đỉnh Paris và trong thời gian diễn ra hội nghị thì Ngoại trưởng Hungary lại thăm Moscow để bàn về hợp tác năng lượng với Nga.
Hungary không ủng hộ đề xuất của EU về việc phân bổ 20 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine. Budapest cũng từ chối ủng hộ Ukraine gia nhập EU cho đến khi Kyiv tôn trọng quyền của cộng đồng thiểu số Hungary ở vùng Transcarpathian, vốn là một phần của Hungary đã bị nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin sáp nhập vào Ukraine sau Thế chiến thứ hai.
Dư luận cho rằng, Tổng thống Ukraine Zelensky tỏ ra không hài lòng về kết quả hội nghị. Ukraine không nhận được bất kỳ đảm bảo an ninh nào, Pháp từ chối tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để ủng hộ Kyiv, Ba Lan tuyên bố không gửi quân tới Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào, một số nước khác do dự không tham gia, EU từ chối triển khai lực lượng trên tuyến đầu.

Kết quả hội nghị cho thấy “Liên minh tự nguyện” không đạt được sự đồng thuận về những vấn đề được nêu ra. Ảnh: ANSA
“Liên minh tự nguyện” là gì?
“Liên minh tự nguyện” là một tập hợp các nước đã hứa sẽ hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã công bố việc thành lập liên minh này tại hội nghị thượng đỉnh 18 nhà lãnh đạo châu Âu tại London vào ngày 2/3/2025.
Mục đích thành lập liên minh này là nhằm tăng cường sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine trong bối cảnh chính quyền Mỹ từ chối đảm bảo an ninh cho Ukraine, và châu Âu có khả năng bị gạt ra ngoài giải pháp cho cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Công bố thành lập liên minh này được đưa ra hai ngày sau cuộc tranh luận căng thẳng giữa Tổng thống Ukraine Zelensky với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống J.D. Vance tại Nhà Trắng vào ngày 28/2/2025.
Ngày 11/3/2025, các quan chức an ninh từ 30 quốc gia đã họp tại Paris để đàm phán về việc thành lập lực lượng an ninh quốc tế nhằm duy trì hòa bình tại Ukraine nếu thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.
Ngày 15/3/2025, Thủ tướng Anh Starmer đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm xem xét các phương án triển khai “lực lượng an ninh” bên trong lãnh thổ Ukraine để ngăn chặn các cuộc tấn công mới của Nga nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Trong số 31 nước tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Paris, đến nay chưa có tuyên bố rõ ràng về việc ai sẽ tham gia “Liên minh tự nguyện”, và mới chỉ có 18 nước bày tỏ quan tâm đến liên minh này, bao gồm: Pháp, Anh, Estonia, Litva, Latvia, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Rumani, Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Canada và Úc.
Đáng lưu ý, Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trước đây có vai trò quan trọng trong việc ủng hộ Ukraine đã bác bỏ khả năng gửi quân Đức tới Ukraine và phản đối lời kêu gọi cung cấp tên lửa Taurus cho Kyiv. Đến nay Berlin vẫn không công bố tham gia liên minh.
Một trong những quốc gia có thể tham gia là New Zealand, quốc gia có đại diện tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, nhưng vẫn chưa tuyên bố công khai về việc sẵn sàng cung cấp quân đội cho Ukraine.
Mặc dù Italia ủng hộ Ukraine, nhưng sẽ không tham gia liên minh vào giai đoạn này. Thủ tướng Italia Georgia Meloni tái khẳng định nước này sẽ không tham gia vào các lực lượng quân sự có thể xuất hiện trên thực địa tại Ukraine.
Ba Lan là một trong những nước ủng hộ Kyiv mạnh mẽ nhất, nhưng cũng không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố, nước này không có kế hoạch đưa quân tới lãnh thổ Ukraine, Ba Lan chỉ cung cấp hỗ trợ hậu cần và chính trị cho các nước muốn gửi lực lượng tới Ukraine.
Đặc biệt, Mỹ là quốc gia có quân đội mạnh nhất, nhưng sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump nói châu Âu nên tự lo cho an ninh của mình, và Mỹ không tham gia “Liên minh tự nguyện”.
Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai trong NATO đã ghi tên vào danh sách các nước tham gia liên minh, nhưng cũng cũng tỏ ra hết sức dè dặt, chỉ tuyên bố sẵn sàng gửi quân tới Ukraine nếu cần thiết.
Liên minh lúc đầu dự kiến sẽ có 30.000 quân, sau rút xuống còn 10.000 quân để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong trường hợp ngừng bắn ở Ukraine.
Các nhà quan sát cho rằng, mục đích của London và Paris thành lập liên minh này là để có vai trò trong đối thoại với Washington và Moscow.
Mỹ không tham gia liên minh.
Trong khi đó, Moscow cho rằng bất cứ lực lượng nước ngoài nào được đưa đến Ukraine cũng có nghĩa là một bên tham chiến, và sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga. Trong tình hình như vậy, châu Âu sẽ rất khó nếu không muốn nói là không thể đưa quân đến Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Anh và Pháp sẽ cử một phái đoàn tới Ukraine để giúp lực lượng vũ trang của nước này lập kế hoạch cho tương lai. Ảnh: X
Thể hiện sự rạn nứt trong quan hệ giữa châu Âu và Mỹ
Hội nghị thượng đỉnh ở Paris thể hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa hai bờ Đại Tây Dương về xung đột tại Ukraine. Châu Âu tìm cách hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, trong khi Mỹ muốn giảm thiểu sự can dự và tập trung vào lợi ích của mình trong quan hệ với Nga.
Mặc dù là đồng chủ tịch hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Pháp và Anh đã tổ chức họp báo riêng. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Anh Starmer lưu ý rằng đây là cuộc họp thứ tư nhằm thảo luận về việc thành lập “liên minh tự nguyện” theo cách gọi của Anh hoặc “lực lượng trấn an” theo cách gọi của Pháp và Đức. Ông chỉ ra rằng hơn 200 chuyên gia quân sự đã dành nhiều ngày để lập kế hoạch ở London.
Kế hoạch này bao gồm việc thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Nga, gia tăng áp lực buộc Moscow chấp nhận các điều khoản của lệnh ngừng bắn. Điều này trái ngược với quan điểm của Mỹ cho rằng các lệnh trừng phạt có thể được nới lỏng để đổi lấy việc Nga đồng ý ngừng bắn ở Biển Đen. Trong khi đó, hai ông Macron và Starmer khẳng định hòa bình chỉ có thể đạt được “thông qua sức mạnh”.
Các nhà phân tích chính trị nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch cử quân đội châu Âu tới Ukraine mà không có sự đảm bảo từ Mỹ. Một số nước châu Âu vẫn hy vọng Mỹ sẽ thay đổi lập trường phản đối can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine.
Rạn nứt sâu sắc giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng trở nên rõ ràng, một rạn nứt mà về lâu dài có thể sẽ khó hàn gắn được.
Nhiều thành viên trong chính quyền của Tổng thống Trump gần đây đã phê phán mạnh mẽ châu Âu. Những tuyên bố này được đưa ra sau cuộc cãi vã giữa hai ông Zelensky và Trump tại Phòng Bầu dục, lời chỉ trích gay gắt của Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance nhằm vào châu Âu tại Hội nghị An ninh Munich và tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth rằng châu Âu không còn là ưu tiên của Mỹ nữa.
Thay vì quan hệ liên minh chặt chẽ với châu Âu, Washington đang xích lại gần hơn với Nga. Hai cuộc điện đàm dài đã diễn ra giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, các cuộc đàm phán Mỹ – Nga tại Riyadh (Saudi Arabia) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đến thăm Moscow đã nói lên điều này.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, quan điểm của Mỹ là “thực tế”, vì nó dựa trên tình hình Ukraine đang có nguy cơ thua cuộc, do đó ưu tiên phải là hạn chế tổn thất và chấm dứt đổ máu.
Xung đột Nga – Ukraine đã bước sang năm thứ tư. Việc cấp bách hiện nay là tìm cách chấm dứt cuộc chiến hao người tốn của này. Các nước liên quan, trong đó có châu Âu cần tham gia và ủng hộ các cố gắng hòa bình nhằm tìm ra một giải pháp công bằng, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Đọc bài gốc tại đây.