Nội dung chính
Trang Think China (Singapore) trích dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Sokvy Rim tại Trung tâm Nghiên cứu Khu vực Campuchia (CCRS) cho biết Campuchia cần phải “đi trên dây” giữa hai cường quốc, vì cả hai đều rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của vương quốc này.

Người dân Campuchia cầm ảnh chân dung của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni trong buổi lễ chào đón ông Tập trước Cung điện Hoàng gia Campuchia ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 17/4/2025. Ảnh: AFP
Tập trung vào tăng trưởng kinh tế
Theo nhà nghiên cứu Sokvy Rim, quan hệ Campuchia – Mỹ đã có sự cải thiện đáng kể từ khi ông Hun Manet nhậm chức Thủ tướng Campuchia. Một tháng sau đó, Mỹ đã gỡ bỏ lệnh đóng băng khoản viện trợ trị giá 18 triệu USD cho Campuchia.
Sau đó, hoạt động trao đổi giữa Campuchia và Mỹ tăng lên. Vào tháng 6/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Lloyd Austin đã gặp Thủ tướng Hun Manet tại Campuchia. Họ thảo luận về việc khôi phục quan hệ giữa hai nước, bao gồm việc nối lại các cuộc tập trận quân sự chung và cho phép sinh viên Campuchia tiếp cận các chương trình quân sự của Mỹ.
Vài tháng sau, vào tháng 12/2024, một tàu quân sự Mỹ đã được phép cập cảng biển sâu Sihanoukville Autonomous Port của Campuchia lần đầu tiên sau 8 năm. Sự hiện diện của tàu quân sự Mỹ cho thấy sự cải thiện đáng kể trong quan hệ Campuchia – Mỹ. Bộ Quốc phòng Campuchia khi đó tuyên bố rằng chuyến thăm nhằm mục đích “thúc đẩy hợp tác song phương”.
Đến tháng 2/2025, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia Vong Pisen đã gặp Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương Ronald P. Clark. Tại cuộc gặp, phía Campuchia đề nghị Mỹ nối lại cuộc tập trận quân sự chung Angkor Sentinel, mà chính phủ Campuchia đã hủy bỏ vào năm 2017. Đây được coi là nỗ lực của chính quyền của Thủ tướng Hun Manet nhằm tăng cường lòng tin với Mỹ, đặc biệt là sau khi Washington cáo buộc Campuchia ký một thỏa thuận quân sự bí mật với Trung Quốc về Căn cứ Hải quân Ream.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Sokvy Rim nhận định, Campuchia không có ý định chuyển hướng quan hệ từ Trung Quốc sang Mỹ, mà thay vào đó là “đi trên dây” giữa hai cường quốc vì cả Washington và Bắc Kinh đều là đối tác thương mại quan trọng với Campuchia.
Năm 2024, Campuchia đã xuất khẩu khoảng 9,92 tỷ USD sang Mỹ – thị trường lớn nhất của Campuchia. Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia. Theo Hội đồng Phát triển Campuchia, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Campuchia lên tới 34,25 tỷ USD, chiếm 49,82% tổng vốn đầu tư của vương quốc này trong năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền của Thủ tướng Hun Manet. Ông từng nhấn mạnh vào mục tiêu đưa Campuchia thoát khỏi nhóm các quốc gia kém phát triển vào năm 2029 và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định áp thuế 49% đối với hàng hóa Campuchia nhập khẩu vào Mỹ. Ảnh: AFP
Campuchia là “ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”
Nhà nghiên cứu Sokvy Rim nhận định, mối quan hệ chặt chẽ của Campuchia với Mỹ có lợi cho Trung Quốc vì nó cho phép các công ty Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ với mức thuế thấp hơn thông qua Campuchia. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia có thể giảm đi nếu Mỹ và Campuchia trở nên quá gần gũi.
Khi mối quan hệ Campuchia – Mỹ đã phần nào phục hồi, mối quan hệ Campuchia – Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức. Trung Quốc được cho là đã không thông qua bất kỳ khoản vay mới nào cho Campuchia vào năm 2024, mặc dù là nhà tài trợ lớn nhất và là chủ nợ hàng đầu của Campuchia.
Hơn nữa, quá trình thi công kênh đào Funan Techo vẫn bị đình trệ kể từ lễ khởi công vào tháng 8/2024 vì nguồn tài trợ của Trung Quốc cho dự án vẫn chưa chắc chắn. Trung Quốc chỉ công khai ủng hộ dự án trong chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 4 năm nay.
Theo ông Sokvy Rim, trong khi Campuchia cố gắng duy trì mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, sự thay đổi động lực của chính trị toàn cầu dường như không có lợi cho Campuchia.
Một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua là cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Gần đây, Mỹ đã áp thuế 145% đối với các sản phẩm của Trung Quốc, mức cao nhất từ trước đến nay và có khả năng lên tới 245%.
Trong khi Trung Quốc đáp trả bằng cách áp dụng mức thuế 125% đối với Mỹ, Trung Quốc cũng đang tập hợp sự ủng hộ trong khu vực và trên toàn thế giới để chống lại thuế quan của Mỹ.
Vào ngày 8/4, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã có cuộc họp trực tuyến với các quan chức thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), nêu lên mối quan ngại về mức thuế quan cao của Mỹ cũng như kêu gọi tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây.
Cùng tháng đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Campuchia và một số nước châu Á.
Theo nhà nghiên cứu Sokvy Rim, mặc dù nền kinh tế Campuchia nhỏ, chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc đến nước này trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã làm nổi bật tầm quan trọng của Campuchia đối với Trung Quốc.
Ông Tập gọi Campuchia là “ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”.
Chuyến thăm Campuchia của ông cũng dẫn đến việc ký kết nhiều thỏa thuận khác nhau, bao gồm thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD để tài trợ cho dự án kênh đào Funan Techo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào tạm biệt mọi người khi đi cùng Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen tại Sân bay quốc tế Phnom Penh vào ngày 18/4/2025. Ảnh: AFP
“Đi trên dây” giữa hai cường quốc
Nhà nghiên cứu Sokvy Rim nhận định, mặc dù “chiến dịch quyến rũ” của Trung Quốc có thể khó cưỡng lại, nhưng nếu Campuchia có xu hướng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Trung Quốc chống lại Mỹ, Campuchia có thể bị kẹt giữa cuộc chiến thương mại.
Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm của Campuchia phụ thuộc rất nhiều vào cả Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất của Campuchia đối với các sản phẩm may mặc và dệt may, Trung Quốc là nguồn đầu tư chính của Campuchia vào các lĩnh vực đó. Theo trang Globe Newswire (Mỹ), ngành may mặc sử dụng hơn 750.000 lao động và đóng góp hơn 9 tỷ USD vào GDP của Campuchia trong năm 2022.
Theo ông Sokvy Rim, thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra thách thức cho Campuchia. Mặc dù Mỹ đã áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu của Campuchia, nhưng sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi Mỹ áp dụng mức thuế khác là 49% đối với hàng nhập khẩu đó.
Vì hầu hết các nhà máy dệt may tại Campuchia đều do người nước ngoài làm chủ, đặc biệt là người Trung Quốc, nên họ có thể chuyển đến các quốc gia khác để tránh thuế quan của Mỹ. Nếu không có thị trường Mỹ, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể không có nhiều động lực để đầu tư vào Campuchia.
Chuyên gia Sokvy Rim nhận định, trong bối cảnh này và giữa cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang leo thang, Campuchia cần phải “đi trên dây” giữa hai cường quốc, vì cả hai đều rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của vương quốc này.
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho thấy tầm quan trọng của Campuchia đối với Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc sẽ không thể thay thế Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của Campuchia, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Duy trì vị thế trung lập có thể giúp Campuchia có thêm đòn bẩy để đàm phán thuế quan với Mỹ.
(Theo Think China)
Đọc bài gốc tại đây.