Nội dung chính
Đống “giấy vụn” giá trị của Mao Trạch Đông
Vào tháng 10/1990, khu Trung Nam Hải ngói xanh tường đỏ nhộn nhịp với nhiều hoạt động. Công tác dọn dẹp và trao trả di vật của lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đang được tiến hành giữa Cục Bảo vệ Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông ở Thiều Sơn (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc).
Ngay khi hàng ngàn di vật đã được dọn dẹp sạch sẽ và đội ngũ nhân viên của Nhà tưởng niệm Thiều Sơn đang chuẩn bị rời đi, thì một cận vệ từ Cục An ninh Trung ương chỉ vào một đống “giấy vụn” chất đống ở góc tầng hầm, phủ đầy bụi và nói: “Mọi người có muốn xem những thứ này không?”.
Đội nhân viên liếc nhanh, bước tới, phủi bụi và lật giở các tờ giấy. Tuy nhiên, do không có thời gian để phân loại ngay tại chỗ nên họ đã vận chuyển đống “giấy vụn” về Thiều Sơn.
Sau khi trở về Thiều Sơn, các nhân viên tập trung xem xét tập “giấy vụn” thì không thể tin vào mắt mình: Họ đã khám phá ra “bí mật” về cách Mao Trạch Đông chi tiêu khi còn sống.
Đây hóa ra là sổ kế toán ghi chép chi tiết về phí sinh hoạt của gia đình ông Mao Trạch Đông. Khoảng thời gian cũng rất dài, bắt đầu từ đầu những năm 1950, ngay sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa, cho đến tháng 1/1977.
Nói cách khác, đống sổ kế toán này đủ sức phản ánh gần như toàn bộ điều kiện tài chính và cuộc sống của gia đình lãnh đạo tối cao của Trung Quốc thời bấy giờ.

Mao Trạch Đông phải tự chi trả mọi chi phí khi sống ở Trung Nam Hải. Ảnh: tepapa.govt.nz
Sổ kế toán của Mao Trạch Đông gồm những gì?
Tiền thuê nhà bao gồm tiền thuê đồ đạc, đồ gia dụng, v.v. trong nhà
Mao Trạch Đông sống ở Trung Nam Hải nhưng Trung Nam Hải là trụ sở của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện. Mọi tài sản đều thuộc về nhà nước và là tài sản công.
Do đó, Mao Trạch Đông chỉ có quyền sử dụng nó và vì nó phục vụ mục đích cá nhân nên ông phải trả tiền thuê.
Không chỉ phải trả tiền thuê nhà mà cả đồ đạc trong nhà, bao gồm cả chiếc giường ngủ, giá treo quần áo, bàn, ghế, băng ghế, thảm, tủ lạnh trong bếp, tất cả đều là tài sản công và đều phải trả tiền.
Mao Trạch Đông phải trả bao nhiêu tiền thuê nhà mỗi tháng? Theo hồi ức của người quản lý Ngô Liên Đằng, tiền thuê nhà hàng tháng khoảng 80 NDT, cộng thêm các chi phí cố định như nước, điện, gas, sưởi ấm, chi phí trung bình hàng tháng khoảng 124 NDT.
Chi phí thực phẩm, y tế
Chi phí thực phẩm chiếm phần lớn trong chi tiêu cá nhân của Mao Trạch Đông. Ngoài chi phí ăn uống của bản thân và gia đình, Mao Trạch Đông còn thường chiêu đãi mọi người.
Theo Ngô Liên Đằng, tiền ăn của Mao Trạch Đông thường rơi vào khoảng 100 NDT. Bao gồm tiền ăn mời bạn bè.
“Chỉ cần Mao Trạch Đông nói nói: ‘Hôm nay tôi sẽ đãi anh’. Chi phí này sẽ được trả từ tiền lương của ông”, Ngô Liên Đằng cho biết.
Mao Trạch Đông họp mỗi đêm. Nếu cuộc họp kéo dài đến 12 giờ đêm, ông sẽ mời bữa tối những người tham dự cuộc họp và chi phí cho bữa tối cũng sẽ được tính vào lương Mao Trạch Đông.

Sổ sách chi tiêu của Mao Trạch Đông. Ảnh: Đài truyền hình Bắc Kinh
Ngoài ra, khi đi công tác địa phương, Mao Trạch Đông cũng sẽ phải trả tiền ăn của chính mình.
Một khoản chi phí khác là trà. Ngay cả khi muốn uống một tách trà trong một sự kiện chính thức, Mao Trạch Đông cũng phải tự trả tiền.
“Uống trà thì nhất định phải trả tiền nên khi ra ngoài, Mao Trạch Đông thường mang theo trà. Nhưng ở những nơi như Đại lễ đường và Điếu Ngư Đài, ông thường quên mang theo trà. Nếu Mao Trạch Đông uống trà ở nơi nào, tôi thường đến những nơi đó để thanh toán hóa đơn theo định kỳ hoặc không định kỳ trong vòng 1 tháng”, Ngô Liên Đằng kể.
Một điều nữa là hầu hết nhân viên xung quanh đều nhận được tiền hỗ trợ từ Mao Trạch Đông.
Ngô Liên Đằng đã tiết lộ gánh nặng gia đình của Mao Trạch Đông chỉ bằng một câu:
“Ngoài Chủ tịch Mao và Giang Thanh, con gái Lý Nạp còn sống ở đây một thời gian dài. Còn có chị gái Giang Thanh là Lý Vân Lộ và một người con. Trên thực tế, người cháu Mao Nguyên Tân cũng lớn lên trong nhà Mao Trạch Đông. Mỗi người cần khoảng 30 NDT/tháng chi trả cho sinh hoạt phí. Mao Trạch Đông phải nuôi nhiều người như vậy, nên chi phí gia đình quả thực khá lớn”.
Nói cách khác, Mao Trạch Đông từ lâu đã phải chịu trách nhiệm chi trả mọi chi phí cho một gia đình đông người.
Chính vì lý do này mà Ngô Liên Đằng đã nói: “Tôi phụ trách sổ sách tổng cộng 12 năm. Từ năm 1964 đến năm 1976, sổ sách của gia đình Chủ tịch Mao vừa dễ vừa khó quản lý. Khó ở đâu? Vì không có tiền”.

Một hóa đơn đi ăn ngoài do Mao Trạch Đông tự trả.
Thu nhập của Mao Trạch Đông đến từ đâu?
Đến từ lương và tiền nhuận bút.
Theo tiêu chuẩn tiền lương vào thời điểm đó, mức lương của Mao Trạch Đông là 404,8 NTD/tháng . Tiêu chuẩn tiền lương này được thiết lập khi chế độ lương cho công chức Trung Quốc lần đầu tiên được thực hiện vào tháng 7/1955 và không thay đổi cho đến khi ông qua đời; mức lương của Giang Thanh là 243 NDT/tháng , tăng lên 304,7 NDT vào cuối những năm 1960. Đây là mức lương cao vào thời điểm đó nhưng không đủ để trang trải chi phí gia đình của Mao Trạch Đông.
Khi tiền lương không đủ chi tiêu, Mao Trạch Đông sẽ dùng đến tiền nhuận bút.
Khi Mao Trạch Đông qua đời, tổng tiền nhuận bút của ông là hơn 1,24 triệu NDT và ông chỉ chi vài chục nghìn NDT cho gia đình.
Mao Tân Vũ, cháu nội Mao Trạch Đông, chia sẻ: “Sau khi ông nội tôi mất, toàn bộ di sản, bao gồm đồ đạc của ông, đều do Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản. Không chỉ cha mẹ tôi, mà cả cô Lý Mẫn và dì Lý Nạp cũng không được thừa kế bất kỳ tài sản thừa kế nào từ ông nội tôi, nhưng chúng tôi sẽ mãi kế thừa di sản tinh thần to lớn này của ông nội tôi”.
Ngô Liên Đằng cho biết, khi Mao Trạch Đông mất, gia đình chỉ còn lại vài trăm tệ. Đây là toàn bộ tài sản của ông. Cuối cùng, số tiền này cũng được giao cho chính phủ. Ngoài ra, Mao Trạch Đông không có một đồng nào trong tài khoản ngân hàng.
(Theo Nhật báo Hồ Nam)
Đọc bài gốc tại đây.