Trang chủ Quốc tế “Mặt trận mới không nằm trên bản đồ”: Trung Quốc đáp trả Mỹ theo cách không ai ngờ

“Mặt trận mới không nằm trên bản đồ”: Trung Quốc đáp trả Mỹ theo cách không ai ngờ

bởi Admin
0 Lượt xem

“Mặt trận mới không có trên bản đồ”

Cao Mingjie, một nhà thiết kế nội thất đến từ tỉnh Quảng Đông, chưa từng giao dịch cổ phiếu cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mức thuế đối ứng vào ngày 2/4, làm leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. 

Nhằm thể hiện tinh thần yêu nước, Cao quyết định đầu tư 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 274 USD) mỗi tháng vào thị trường chứng khoán trong nước.

“Tôi không đầu tư để kiếm lời, mà để thể hiện tinh thần ủng hộ đất nước”, Cao nói. Anh mở tài khoản giao dịch ngay sau khi thị trường cổ phiếu Trung Quốc chịu tác động tiêu cực từ thuế quan. Với Cao, trong cuộc chiến thương mại này, “mỗi người dân cần sát cánh cùng đất nước cho đến cùng”.

Cao không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đang tham gia bảo vệ thị trường chứng khoán – một mặt trận mới trong căng thẳng Trung-Mỹ. Họ chủ yếu đổ tiền vào các lĩnh vực then chốt được chính phủ hậu thuẫn như quốc phòng, tiêu dùng trong nước và chất bán dẫn.

Kể từ đợt bán tháo ngày 4/4, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã thu hút dòng tiền ròng lên tới 45 tỷ NDT từ các nhà đầu tư cá nhân, theo dữ liệu từ Datayes. Trong khi đó, sáu phiên giao dịch trước “Ngày giải phóng” của Tổng thống Trump chứng kiến dòng tiền rút ra tổng cộng 91,8 tỷ NDT.

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng kêu gọi các quan chức nỗ lực hơn nữa để ổn định thị trường tài chính.

Chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc (.SSEC) đã tăng 8% kể từ đáy hồi đầu tháng 4, và tính đến thời điểm hiện tại trong tháng, chỉ giảm 1,3%, so với mức giảm hơn 8% của chỉ số chứng khoán Mỹ (.SPX).

Theo ông Meng Lei – chiến lược gia tại UBS Securities – thị trường cổ phiếu A ở Trung Quốc đang mang tầm quan trọng chiến lược cao hơn. Ông cho biết làn sóng đầu tư mang màu sắc yêu nước đã góp phần cải thiện rõ rệt tâm lý nhà đầu tư.

Khu tài chính Lujiazui ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

“Yêu nước là nắm giữ cổ phiếu”

Zhou Lifeng, một vận động viên leo núi đến từ khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc, khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư dù có thể lỗ. “Yêu nước là nắm chặt cổ phiếu của mình”, Zhou nói. Hiện anh đang nắm giữ khoảng 3 triệu NDT tập trung vào cổ phiếu tiêu dùng và quốc phòng.

Tương tự, ông chủ nhà hàng Shu Hao cũng đầu tư hàng trăm triệu NDT vào cổ phiếu trong nước, lấy cảm hứng từ những nỗ lực của doanh nghiệp trong nước trong việc hỗ trợ các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. 

Các tập đoàn như JD.com, CR Vanguard và Yonghui Superstores đã công bố kế hoạch giúp các doanh nghiệp chuyển hướng về thị trường nội địa.

“Người dân đang thể hiện lòng yêu nước bằng nhiều cách khác nhau”, Shu chia sẻ. Ông đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu công nghệ và tiêu dùng.

Xu hướng đầu tư này tập trung vào các lĩnh vực được Bắc Kinh định hướng tự chủ như chất bán dẫn và các ngành bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Dù thị trường chung vẫn còn yếu, cổ phiếu tiêu dùng và bán dẫn đã tăng đáng kể kể từ “Ngày giải phóng” của Tổng thống Trump. Các cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực du lịch và nông nghiệp cũng phục hồi mạnh.

Đặc biệt, các quỹ ETF – một hình thức đầu tư ngày càng phổ biến – đã thu hút hơn 230 tỷ NDT kể từ đợt suy thoái ngày 7/4, nâng tổng quy mô của kênh đầu tư này vượt ngưỡng 4 nghìn tỷ NDT lần đầu tiên.

“Cuộc chiến không khói súng”

Tinh thần yêu nước cũng tác động đến cách các nhà đầu tư chuyên nghiệp phân bổ danh mục đầu tư. Ông Yang Tingwu, Giám đốc quỹ tại Tongheng Investment, đã đầu tư toàn bộ danh mục đầu tư còn lại của mình vào cổ phiếu.

“Đây là chiến tranh, chỉ là không có khói súng”, Yang nói, cho biết ông đang tập trung vào các ngành như nông nghiệp, năng lượng, tài chính và quốc phòng. “Khi đầu tư, bạn không chỉ đặt cược vào lợi nhuận mà còn là vận mệnh đất nước”.

Ông Liam Zhou, nhà sáng lập công ty quản lý tài sản Minority Asset Management tại Thượng Hải, cũng cho biết ông đã đầu tư toàn bộ danh mục trị giá 1 tỷ USD vào cổ phiếu trong nước.

Đối với nhiều nhà đầu tư như Nancy Lu, một giáo viên tại tỉnh Giang Tô, cuộc chiến thương mại không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là niềm tự hào dân tộc. 

“Danh mục đầu tư của tôi đang lỗ nhưng tôi không quan tâm. Tôi sẽ đứng về phía chính phủ”, cô nói. Lu còn cam kết sẽ tẩy chay các thương hiệu Mỹ như Starbucks hay Nike và không bán bất kỳ cổ phiếu nào mình đang nắm giữ. 

Cô khẳng định: “Tôi sẽ cùng đất nước bảo vệ thị trường”.

(Theo Reuters)

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan