Trang chủ Quốc tế Khi tiêm kích tàng hình Mỹ mất khả năng ẩn mình

Khi tiêm kích tàng hình Mỹ mất khả năng ẩn mình

bởi Admin
0 Lượt xem

Sức mạnh áp đảo trên không của Mỹ phụ thuộc vào khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào, ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào — mà không bị phát hiện. Nền tảng của chiến lược đó chính là công nghệ tàng hình, yếu tố khiến các đối thủ của Mỹ luôn dè chừng.

Từ những năm 1980, Lầu Năm Góc ngày càng phụ thuộc vào các máy bay chiến đấu tàng hình có công nghệ tiên tiến như bước ra từ phim khoa học viễn tưởng để duy trì ưu thế. Trong suốt thời gian đó, Washington khá yên tâm rằng khả năng tàng hình của mình đủ để vượt trội so với các đối thủ.

Tuy nhiên, theo bài bình luận trên tạp chí National Interest của tác giả Brandon J. Weichert, khi Mỹ “tự mãn”, các đối thủ như Trung Quốc và Nga đang không ngừng thu hẹp khoảng cách. Họ đang tập trung khắc chế công nghệ tàng hình của Mỹ. Thực tế, trong ba thập kỷ qua, có không ít thời điểm các máy bay tàng hình của Không quân Mỹ hoạt động không như kỳ vọng.

(Ảnh minh họa: National Interest)

Chiếc máy bay tàng hình đầu tiên bị bắn rơi ở Serbia

Minh chứng rõ nhất là trong cuộc chiến Kosovo năm 1999. Vào đêm 27/3, một chiếc F-117 Nighthawk – máy bay ném bom tàng hình tiên tiến nhất lúc đó – bị tên lửa phòng không Serbia bắn hạ, dù được cho là “không thể bị phát hiện” bằng radar.

Đêm hôm đó, F-117 bay mà không có máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler đi kèm – vốn có vai trò dập tắt hệ thống phòng không đối phương. Việc thiếu hỗ trợ này đã khiến xác suất bị phát hiện và bắn hạ tăng cao.

Serbia khi đó sử dụng các hệ thống radar từ thời Liên Xô, cụ thể là radar P-18 hoạt động ở băng tần VHF, có thể phát hiện máy bay ở khoảng cách khoảng 370 km. Họ đã tinh chỉnh radar để hoạt động ở tần số thấp nhất và băng thông rộng nhất, từ đó xác định được vị trí máy bay tàng hình F-117 ở khoảng cách 24km.

Khi chiếc F-117 mở cửa khoang bom – làm lộ bề mặt phản xạ radar – hệ thống radar SNR-125 đã khóa mục tiêu và phóng hai tên lửa, bắn rơi máy bay.

Mặc dù một số chuyên gia Mỹ cho rằng vụ việc do “may mắn,” nhưng thực chất đó là sự kết hợp của chuẩn bị kỹ lưỡng, phương pháp tiếp cận linh hoạt và khả năng tận dụng sơ hở của đối phương.

Máy bay tàng hình của Mỹ không còn vô hình

Một minh chứng gần đây hơn là sự kiện trong Chiến dịch Rough Rider trên bầu trời Yemen, F-35 của Mỹ suýt bị lực lượng Houthi bắn hạ. Dù chi tiết chưa được tiết lộ đầy đủ, nhưng có vẻ như các kỹ thuật phát hiện máy bay tàng hình tương tự vụ Kosovo đã được áp dụng lại – và có hiệu quả.

Nga nâng cấp phương pháp phát hiện cũ bằng việc phát triển VHF – loại radar có bước sóng từ 0,9 m đến 9 m, phù hợp để phát hiện máy bay tàng hình như F-35. Các radar như Nebo-M có khả năng theo dõi mục tiêu đồng thời ở nhiều băng tần (VHF, UHF, L), và có thể phát hiện F-35 khi đang bay thẳng về phía trước. Ngoài ra, hệ thống radar Rezonans-NE còn được cho là có thể theo dõi cả F-35 và oanh tạc cơ B-2.

Radar VHF là một phần trong hệ thống phát hiện tàng hình tích hợp của Nga. Dù không hoàn hảo, hệ thống này vẫn có thể làm giảm đáng kể ưu thế chiến thuật của máy bay tàng hình Mỹ – một bước đi mà Moskva coi là cần thiết để ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mỹ.

Trung Quốc thì đang phát triển một hệ thống tiên tiến hơn, gọi là JY-27A, cũng dựa trên radar VHF nhưng sử dụng công nghệ AESA (anten dò quét điện tử tiên tiến), giúp phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa hơn so với radar VHF của Nga. Thiết kế dạng mô-đun của JY-27A còn cho phép linh hoạt triển khai ở các khu vực địa lý hẹp như eo biển.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn triển khai radar SIAR (radar xung lực và khẩu độ tổng hợp). Hệ thống này phát xung tổng hợp ở băng tần VHF để phát hiện các máy bay tàng hình Mỹ ở độ cao trung bình – bổ sung cho mạng lưới phát hiện tích hợp, tạo nên một “con mắt tầng lớp” từ mặt đất đến không trung, thậm chí cả vệ tinh.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Từ đó đến nay, công nghệ phát hiện tiếp tục tiến bộ vượt bậc. Trung Quốc và Nga không chỉ theo kịp mà còn phát triển các chiến lược khắc chế cụ thể nhằm triệt tiêu ưu thế tàng hình – nền tảng của chiến lược không lực Mỹ.

Câu hỏi đặt ra: Mỹ sẽ làm gì trước mối đe dọa đang hiện hữu? Với ngân sách quốc phòng hơn 1.000 tỷ USD, Mỹ có nguy cơ trở nên lỗi thời trước các đối thủ như Trung Quốc và Nga – những quốc gia đang sử dụng các giải pháp sáng tạo, chi phí thấp hơn mà vẫn hiệu quả.

Sự kiện suýt bị bắn hạ ở Yemen chỉ là tín hiệu mới nhất. Trong một cuộc chiến lớn sắp tới, Mỹ có thể sẽ hứng chịu thất bại chiến lược đầu tiên — và những công nghệ và chiến thuật nêu trên sẽ là một phần trong nguyên nhân dẫn đến điều đó.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan