Trang chủ Quốc tế Hành trình từ phái đoàn “Một vấn đề” đến quốc gia trúng cử Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu kỷ lục

Hành trình từ phái đoàn “Một vấn đề” đến quốc gia trúng cử Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu kỷ lục

bởi Admin
0 Lượt xem

Việt Nam từng trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối: 192/193. Con số này đã cho thấy vị thế và sự tin cậy của các nước đối với Việt Nam trong việc tham gia một cơ chế lãnh đạo đa phương. Đây là lần thứ hai, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực trong HĐBA LHQ sau nhiệm kỳ 2008 – 2009. 

Nhưng ít người biết, Việt Nam đã 2 lần bị sử dụng quyền phủ quyết để ngăn không được tham gia LHQ và từng được gắn với danh hiệu vui là Phái đoàn “một vấn đề” vì chỉ đề cập đến một vấn đề duy nhất trong các phiên họp ở LHQ.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ nhìn lại hành trình này.

- Ảnh 1.

Từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Tổng thư ký LHQ, nói rõ nguyện vọng Việt Nam muốn gia nhập LHQ. Nhưng chúng ta buộc phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp, rồi trải qua hơn 20 năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Biết bao hy sinh to lớn của quân và dân ta để có được chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, mở đường cho ký kết Hiệp định Geneva 1954 lịch sử; rồi tới Hiệp định Paris 1973 góp phần làm cho “Mỹ cút ngụy nhào”, làm nên một Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tạo điều kiện cho chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Tại Khóa họp lần thứ 30 Đại hội đồng LHQ năm 1975, đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có mặt tại Trụ sở LHQ ở New York để vận động cho hai miền cùng làm thành viên LHQ. 

Do còn thực hiện chính sách thù địch với Việt Nam, Mỹ đã lạm dụng quyền phủ quyết của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an chống lại việc gia nhập LHQ của ta. Tại Khóa 31, Mỹ tiếp tục phủ quyết chống đơn xin gia nhập LHQ của nước Việt Nam thống nhất. 

Trước sức ép của dư luận quốc tế và sự ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam gia nhập LHQ của cộng đồng các nước thành viên tại Tổ chức này, Chính quyền Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã quyết định không dùng quyền phủ quyết chống Việt Nam trở thành thành viên LHQ nữa. 

Và ngày 20/9/1977 đã đi vào lịch sử: Đại Hội đồng LHQ đã ra quyết định kết nạp Việt Nam làm thành viên thứ 149 của tổ chức LHQ. 

Thật xúc động khi lá cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên, căng gió trước Trụ sở LHQ, trước sự chứng kiến của cả cộng đồng quốc tế bên cạnh đoàn Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu.

- Ảnh 2.

Ảnh: Tuấn Mark

- Ảnh 3.

Ngay sau khi miền Nam được giải phóng và đất nước được thống nhất, chúng ta tiếp tục đối mặt với các khó khăn. Biên giới tây nam của Việt Nam bị lực lượng Khmer Đỏ tấn công phá rối liên tục. Thậm chí có những khóm, thôn bị chúng cướp phá vào ban đêm, tàn sát man rợ những người dân vô tội, giết sạch cả phụ nữ và trẻ em… 

Một số chỉ huy yêu nước của Campuchia khi đó, do ông Hun Sen dẫn đầu, bất bình với chế độ diệt chủng Pol Pot, đã tới Việt Nam để nhờ giúp đỡ, tìm kiếm con đường cứu nước.

Đáp lại lời kêu gọi đó, từ cuôi năm 1978, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia đánh đuổi bè lũ Khmer Đỏ phản động, lập lại cuộc sống bình yên và hòa bình cho người dân đất nước Chùa Tháp.

Thay vì ghi nhận sự hy sinh to lớn và góp phần quyết định của quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc trường chinh tiêu diệt bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ, một số thế lực đã xúm vào tuyên truyền vu khống xuyên tạc và tố cáo Việt Nam “xâm lược” Campuchia, bao vây chính trị, cấm vận kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian dài.

Nhân dân Việt Nam, vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, chưa kip khôi phục lại những hậu quả nặng nề khủng khiếp, lại phải đối mặt với khó khăn chồng chất khó khăn!

Tại LHQ và các diễn đàn quốc tế, các nhà ngoại giao đến từ các nước liên minh này ra rả ngày đêm xuyên tạc, vu khống Việt Nam, đến mức nội dung “vấn đề Campuchia” được họ thổi phồng làm nổi lên, trở thành như một tâm điểm của dư luận, truyền thông quốc tế tại LHQ và các Diễn đàn đa phương khác.

Với một Phái đoàn nhỏ, ít người như phái đoàn ta tại LHQ, Lãnh đạo buộc phải ưu tiên giao nhiệm vụ, phân công cho tất cả cán bộ ngoại giao chủ yếu phải tập trung theo dõi bám sát các cuộc họp, các hoạt động liên quan đến “vấn đề Campuchia”, sẵn sàng đáp trả những người xuyên tạc vu khống Việt Nam, bình tĩnh giải thích cho dư luận hiểu rõ thực chất của sự việc.

Thực tế hoạt động của Phái đoàn Việt Nam bên cạnh LHQ suốt cả thập kỷ những năm 80 thế kỷ trước là ưu tiên tập trung đấu tranh dư luận về “vấn đề Campuchia”, còn các vấn đề khác tại Diễn đàn như nhân quyền xã hội, kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật… thì chúng ta dựa vào và đi theo quan điểm chung của Liên Xô và bạn bè đồng minh. Sau này chúng tôi mới ví von Phái đoàn ta tại LHQ là “Phái đoàn một vấn đề” (one issue Mission).

- Ảnh 4.

Năm 1989, sau khi đánh tan bè lũ diệt chủng Khmer Đỏ, bộ đội tình nguyện Việt Nam bắt đầu rút quân về nước. Đầu những năm 1990, những thế lực thù địch không còn cớ để xuyên tạc, vu khống Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế nữa. Tôi sang New York nhận nhiệm sở Đại sứ khi Cơ quan đại diện ngoại giao ta đang cố gắng điều chỉnh theo hướng thoát khỏi dần tình trạng của Phái đoàn “một vấn đề”.

Lịch sử sang trang bao giờ cũng giao phó cho người tiếp quản những sứ mệnh và nhiệm vụ mới, mà nếu không nhận ra để kịp thời điều chỉnh và thay đổi sẽ là vi phạm sai lầm và có lỗi lớn!

Hoàn cảnh của Phái đoàn ta tại LHQ làm tôi trăn trở mất ăn mất ngủ, và tôi nhận ra rằng đã đến lúc chúng ta phải chủ động điều chỉnh và thay đổi cả phương thức lẫn nội dung hoạt động của ta tại LHQ. Trước mắt là những thách thức phải đối mặt, nhưng hoàn cảnh cũng tạo ra cơ hội mới cần phải kịp thời nắm bắt. 

- Ảnh 5.

Ảnh: Tuấn Mark

Đó cũng là thời điểm Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã. Tại các cuộc họp, trong tình huống phải xử lý các vấn đề, chúng ta không còn đồng minh tin cậy để tham khảo trước khi quyết định bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình. 

Chúng ta buộc phải thay đổi, cũng là cơ hội chúng ta phải chủ động hành động! Tôi đã thỏa thuận với anh chị em cán bộ ngoại giao trong Phái đoàn, khi đi hoạt động độc lập, hãy cân nhắc việc gì có lợi cho dân cho nước thì hãy chủ động tự quyết định nắm bắt lấy, hãy tự chịu trách nhiệm “tiền trảm hậu tấu” vì không kịp xin ý kiến Đại sứ. 

Không dừng lại ở đó, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu để đề xuất về nhà việc cho phép tham gia vào các cơ chế lãnh đạo của LHQ và các Tổ chức quốc tế thuộc hệ thống này. Có thể nói đây là một bước ngoặt dấu ấn trong hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam tại LHQ và các cơ chế, diễn đàn đa phương khác.

Nói là vậy, nhưng trên thực tế khi đi vào cụ thể không hề dễ dàng gì. Tôi còn nhớ nỗi buồn khó tả, không bao giờ quên của anh chị em chúng tôi tại Phái đoàn ta khi cay đắng nhận thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại Phiên họp Đại hội đồng Khóa 51 của LHQ bầu các nước làm thành viên Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) – một cơ chế lãnh đạo đầu não của Tổ chức lớn nhất hành tinh này.

- Ảnh 6.

Ảnh: Tuấn Mark

Công bằng mà nói, tôi và các đồng nghiệp cũng đã học được bài học kinh nghiệm hết sức quý giá từ thất bại này trong quá trình vận động hành lang (lobby) khi muốn tham gia một vị trí lãnh đạo tại các tổ chức, diễn đàn đa phương. 

Chính nhờ rút kinh nghiệm và kiên trì áp dụng quá trình vận động một cách bài bản, chúng tôi đã thành công. Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ nói riêng, nền ngoại giao Việt Nam nói chung, đã lần đầu tiên  được các nước thành viên LHQ tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khóa 52 (1997-1998). 

Sau đó tại cuộc bỏ phiếu ngày 31/10/1997, Việt Nam là một trong những nước có số phiếu cao nhất được bầu làm thành viên Tổ chức ECOSOC.

Đây chính là dấu mốc quan trọng và đáng nhớ, là sự kiện đánh dấu bắt đầu công cuộc chủ động tham gia vào các cơ chế chủ trì, lãnh đạo dẫn dắt và đóng góp nhiều hơn của Việt Nam với các Tổ chức quốc tế.

Tiếp theo đó là 20 năm kiên trì đấu tranh, nỗ lực của các thế hệ với bản lĩnh và trí tuệ ngoại  giao Hồ Chí Minh, không ngừng phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn để đi đến giai đoạn chúng ta có thể chủ động tham gia các vị trí và cơ chế lãnh đạo của LHQ và các thể chế, diễn đàn đa phương như Hội đồng Bảo an LHQ, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình…

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết 193 quốc gia thành viên LHQ, có quan hệ đối tác chiến lược với có 20 nước, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với gần 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), là thành viên tích cực của trên 70 Tổ chức đa phương khu vực và quốc tế… 

Có thể nói sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đang có một vị thế vững chắc trên trường quốc tế. Gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sát cánh cùng các binh chủng khác, ngoại giao đã góp phần đưa Việt Nam từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới trở thành một quốc gia có uy tín quốc tế ngày càng cao, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan