Ông Yoon bị cách chức ngay lập tức
Vào lúc 11 giờ 22 phút (giờ địa phương), Tòa án Hiến pháp phán quyết cách chức ông Yoon Suk-yeol ngay lập tức, với 8/8 phiếu nhất trí.
Quyền Tổng thống Han Duck-soo vẫn là quyền tổng thống cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống mới được tổ chức trong vòng 60 ngày tới.

Ông Yoon Suk-yeol. Ảnh: Yonhap
Ông Yoon không xuất hiện tại tòa
Đội ngũ luật sư của ông Yoon Suk-yeol cho biết ông sẽ không ra tòa để nghe phán quyết do cân nhắc đến trật tự công cộng và an ninh.
Ngoài phiên tòa luận tội, ông Yoon cũng phải ra tòa hình sự về các cáo buộc kích động nổi loạn thông qua nỗ lực áp dụng thiết quân luật của mình.
Bắt đầu đọc phán quyết
Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Moon Hyung-bae bắt đầu đọc phán quyết.
Theo JoongAng Daily, có khoảng 150 chỗ ngồi trong phòng xử án. Hầu hết người có mặt là luật sư của ông Yoon.
Đại biểu Đảng Dân chủ đối lập Jung Chug-rae và các luật sư đại diện cho quốc hội Hàn Quốc cũng có mặt.
Tăng cường an ninh trước phán quyết

Quốc hội tăng cường an ninh trước phán quyết của Tòa án Hiến pháp về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol. Ảnh: Yonhap

Rào chắn bằng xe buýt cảnh sát được thiết lập trước Tòa án Hiến pháp ở Seoul vào ngày 4-4. Ảnh: Yonhap
Cảnh sát đã triển khai khoảng 7.000 nhân viên gần Tòa án Hiến pháp và khu vực Jongno. Khoảng 2.000 cảnh sát được điều động tới Hannam-dong ở Seoul, nơi có dinh tổng thống, và khoảng 1.300 cảnh sát tới Yeouido, phía Nam Seoul.
Theo Yonhap, cảnh sát có kế hoạch triển khai khoảng 20.000 nhân viên từ 338 đơn vị trên toàn quốc, trong đó khoảng 14.000 người sẽ được phân bố tại Seoul, đặc biệt là gần Gwanghwamun và dinh tổng thống, để tăng cường an ninh.
Cảnh sát đã bố trí các phương tiện cảnh sát quanh Tòa án Hiến pháp để ngăn chặn người biểu tình vào trong và điều động các đơn vị đặc nhiệm gần tòa án.
Tất cả hình thức biểu tình đều bị cấm trong khu vực và con phố trước Tòa án Hiến pháp bị cấm qua lại, ngoại trừ cảnh sát, nhân viên tòa án hoặc giới báo chí.
Cơ sở pháp lý của phiên tòa
Đầu tiên, tòa xem xét cơ sở pháp lý của nghị quyết luận tội. Tòa án nhận định rằng quốc hội đã hành động trong khuôn khổ pháp luật và phiên tòa luận tội là hợp pháp.
Tiếp theo, tòa xem xét liệu bị cáo có vi phạm Hiến pháp hoặc pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình hay không và liệu hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo có đủ nghiêm trọng để dẫn đến việc bãi nhiệm hay không.
Các kịch bản sau phán quyết
Ông Yoon Suk-yeol đã bị đình chỉ chức vụ kể từ ngày 14-12-2024 sau khi ban hành lệnh thiết quân luật trước đó 11 ngày khiến đất nước Hàn Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị.
Nếu như 6/8 thẩm phán Tòa án Hiến pháp đồng ý với nghị quyết luận tội của Quốc hội Hàn Quốc, ông Yoon sẽ bị phế truất và tiếp tục đối mặt các phiên tòa hình sự, đồng nghĩa chấm dứt sự nghiệp chính trị.
Trong trường hợp này, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 3-6.
Nếu kiến nghị luận tội ông Yoon bị Toà án Hiến pháp bác bỏ, ông sẽ được khôi phục quyền lực ngay lập tức, theo báo Korea Herald.
Chánh án: Ông Yoon “vi phạm các nguyên tắc cơ bản của một nhà nước dân chủ”
Theo JoongAng Daily, thẩm phán Moon Hyun-bae cho rằng ông Yoon đã tuyên bố thiết quân luật đến mức đối đầu với quốc hội, từ đó phủ nhận các nguyên tắc về chủ quyền nhân dân và dân chủ.
Theo tòa, ông Yoon đã coi thường cấu trúc hiến pháp của việc quản lý nhà nước và vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của người dân thông qua các sắc lệnh khẩn cấp.
Những hành động này đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của một nhà nước dân chủ, làm suy yếu trật tự hiến pháp và gây ra những tổn hại nghiêm trọng đối với nền cộng hòa dân chủ.
Quyền lực tổng thống chỉ được trao bởi hiến pháp, tuy nhiên Yoon đã thực thi quyền khẩn cấp vượt quá giới hạn hiến pháp.
Bác mọi lý do ông Yoon đưa ra để ban bố thiết quân luật
Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Moon Hyung-bae bác bỏ mọi lý do ông Yoon đưa ra để ban bố thiết quân luật và đọc lại danh sách dài những gì đã xảy ra đêm hôm đó.
Theo đó, ông Yoon đã vi phạm tính trung lập chính trị của quân đội, vi phạm nghĩa vụ của chỉ huy quân đội, can thiệp vào hoạt động của hội đồng địa phương và đảng phái chính trị liên quan đến tuyên bố, vi phạm nguyên tắc phân chia quyền lực trong nền dân chủ đại diện, vi phạm thiết quân luật theo hiến pháp và quy trình ban hành lệnh bắt giữ hạn chế các quyền cơ bản và vi phạm quyền tự do nghề nghiệp của người dân.
Theo ông Moon, ông Yoon đã huy động lực lượng quân đội, đưa những binh sĩ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia vào cuộc đối đầu trực tiếp với người dân thường.
Ông Yoon đã ra lệnh cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra hệ thống máy tính của Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC). Những binh sĩ được triển khai đã tịch thu điện thoại di động của các viên chức đang làm nhiệm vụ và ghi lại hệ thống máy tính của NEC. Việc này được thực hiện mà không có lệnh của NEC, vi phạm tính độc lập của NEC và nguyên tắc lệnh.
Chi tiết phán quyết cuối cùng
Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Moon Hyung-bae tuyên bố bị cáo đã huy động lực lượng quân đội và cảnh sát để phá bỏ thẩm quyền của các thể chế hiến pháp và xâm phạm các quyền cơ bản của người dân. Khi làm như vậy, bị cáo đã từ bỏ nghĩa vụ hiến định của mình là bảo vệ hiến pháp và phản bội nghiêm trọng lòng tin của người dân Hàn Quốc.
Hành vi phi pháp và vi hiến như vậy cấu thành hành vi không thể dung thứ theo hiến pháp. Hậu quả tiêu cực và hiệu ứng lan tỏa của những hành động này là rất lớn.
Theo đó, Tòa án Hiến pháp, trong một quyết định nhất trí của tất cả các thẩm phán, đưa ra phán quyết sau đây: Tổng thống Yoon Suk-yeol bị cách chức.
Hình ảnh phiên toà luận tội

Phiên tòa luận tội ngày 4-4. Ảnh : Yonhap

Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Moon Hyung-bae tại tòa. Ảnh: Yonhap
Bầu cử tổng thống có thể diễn ra ngày 3-6
Sau bản án được đọc trực tiếp trên sóng truyền hình và có hiệu lực ngay lập tức, một cuộc bầu cử tổng thống sớm để chọn người kế nhiệm ông Yoon phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Nhiều người dự đoán cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 3-6 tới.
Người biểu tình đập phá

Những người biểu tình ủng hộ ông Yoon đã bắt đầu đập vỡ cửa sổ xe buýt cảnh sát, một phần của rào chắnở trung tâm Seoul. Ảnh: Korea Joongang Daily
Đảng đối lập: “Chiến thắng của hiến pháp và dân chủ”
Tại tòa án, đại biểu Đảng Dân chủ Jung Chung-rae, trưởng ủy ban luận tội của quốc hội, phát biểu: “Đây là chiến thắng của hiến pháp và dân chủ. Đây là chiến thắng của người dân. Tôi xin chân thành cảm ơn Tòa án Hiến pháp vì phán quyết đúng đắn và lịch sử của họ”.
Luật sư ông Yoon lên tiếng
Luật sư của ông Yoon Suk-yeol, Yun Gap-geun, phát biểu với các phóng viên bên ngoài tòa án rằng ông “lấy làm tiếc nuối sâu sắc” về phán quyết, cho rằng đây có vẻ chỉ là một quyết định mang tính chính trị.
Ông cũng cho biết cảm thấy “suy sụp” khi nghĩ về ảnh hưởng của phán quyết này đến đất nước và người dân.
Hai thái cực biểu tình

Một nhóm biểu tình vui mừng vì phán quyết phế truất ông Yoon. Ảnh: Korea Joongang Daily

Những người biểu tình phản đối việc luận tội ông Yoon Suk-yeol ở Seoul. Ảnh: Korea Herald
Đảng cầm quyền xin lỗi
Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền hôm 4-4 gửi lời xin lỗi sau khi Tòa án Hiến pháp quyết định cách chức Tổng thống Yoon Suk-yeol, nói rằng họ “xin phép chấp nhận” phán quyết.

Ông Kwon Young-se, người đứng đầu ủy ban lãnh đạo khẩn cấp của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền, tham dự cuộc họp báo ngày 4-4. Ảnh: Yonhap
Trong khi đó, Đảng Dân chủ đối lập chính (DP) hôm 4-4 đã khen ngợi quyết định của Tòa án Hiến pháp phế truất Tổng thống Yoon Suk-yeol là “chiến thắng to lớn cho người dân”.
Ngay sau khi phán quyết được công bố, nghị sĩ Cho Seung-rae, người phát ngôn cấp cao của DP bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với người dân vì đã “một lần nữa dẫn dắt đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng”.
Quyền tổng thống phát biểu
Quyền Tổng thống Han Duck-soo cùng ngày tuyên bố sẽ đảm bảo sự ổn định an ninh quốc gia và ngoại giao sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
Quyền Tổng thống Han cũng ban bố lệnh khẩn cấp để duy trì trật tự an toàn công cộng.
Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức kinh tế chủ chốt trong ngày 4-4 để đánh giá tình hình thị trường sau phán quyết.
Ông Yoon phải rời khỏi dinh tổng thống
Với phán quyết của tòa án, ông Yoon phải sớm rời khỏi nơi cư trú của tổng thống tại Hannam-dong, quận Yongsan, trung tâm Seoul.
Vào năm 2017, cựu Tổng thống Park Geun-hye đã rời khỏi dinh tổng thống chỉ hai ngày sau phán quyết.
Ngoài ra, do bị phế truất sau quá trình luận tội, ông Yoon bị tước bỏ mọi quyền lợi mà lẽ ra ông nhận được với tư cách cựu tổng thống, ngoại trừ quyền được bảo vệ.
Các phúc lợi chính dành cho cựu tổng thống thường bao gồm lương hưu (tương đương 95% mức lương hàng năm khi đương nhiệm); hỗ trợ các dự án tôn vinh tổng thống, được bố trí ba thư ký và một tài xế; hỗ trợ đi lại, truyền thông và công việc văn phòng; điều trị tại bệnh viện…
Ông Yoon cũng bị mất quyền lợi được an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Hàn Quốc sau này.
Phán quyết liên quan đến việc ban bố lệnh thiết quân luật của ông Yoon vào tháng 12-2024.
Phán quyết được tòa án công bố lúc 11 giờ (giờ địa phương), khép lại câu chuyện kéo dài 4 tháng bắt đầu bằng tuyên bố bất ngờ về thiết quân luật của ông Yoon đến việc ông bị bắt sau đó và được trả tự do.

Tòa án Hiến pháp hôm 4-4 ra phán quyết. Ảnh: Yonhap
Ông Yoon đã bị quốc hội thông qua nghị quyết luận tội vào giữa tháng 12-2024 với cáo buộc vi phạm hiến pháp và luật pháp thông qua nỗ lực ban bố thiết quân luật.
Vụ án tập trung vào việc liệu ông có vi phạm luật pháp hay không khi liên quan đến 5 hành động chính gồm tuyên bố thiết quân luật, soạn thảo sắc lệnh thiết quân luật, triển khai quân đội đến quốc hội, đột kích Ủy ban Bầu cử Quốc gia và bị cáo buộc cố bắt giữ các chính trị gia.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, cần có sự đồng ý của ít nhất 6 thẩm phán để ra phán quyết luận tội. Hiện tại có 8 thẩm phán tại tòa.
Trong trường hợp tòa án luận tội, ông Yoon sẽ bị cách chức và Hàn Quốc sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống bất thường trong vòng 60 ngày. Nếu không bị luận tội, ông Yoon sẽ được khôi phục chức vụ ngay lập tức.
Đọc bài gốc tại đây.