Trang chủ Quốc tế Dự án tỷ đô đầu tiên của Mỹ vào Việt Nam, tổ đàm phán đặc biệt và đề nghị với vị Tổng Giám đốc gốc Việt

Dự án tỷ đô đầu tiên của Mỹ vào Việt Nam, tổ đàm phán đặc biệt và đề nghị với vị Tổng Giám đốc gốc Việt

bởi Admin
0 Lượt xem

Cuối 2001, Intel và Việt Nam bắt đầu có những cuộc tiếp xúc đầu tiên. Ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Phó Thủ tướng, dẫn đầu một đoàn làm việc sang Mỹ gặp lãnh đạo cao cấp của Intel, ông Thân Trọng Phúc, khi đó là Tổng Giám đốc Intel tại Việt Nam, là người tiếp đón. Câu chuyện bắt đầu từ đó.

Intel có kế hoạch đầu tư vào Thành Đô, Trung Quốc, Việt Nam là kế hoạch dự phòng. Đến năm 2004, Intel nói với ông Phúc là sẽ xem xét mở nhà máy ở Việt Nam sau Thành Đô.

Năm 2004, Intel đã đưa ra 4 quốc gia vào shortlist – danh sách cuối cùng để lựa chọn. Bên cạnh Việt Nam, đều là các cái tên “đáng gờm”: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan.

“Năm 2004, GDP của chúng ta có lẽ chưa đến 100 tỷ USD, trong khi đó Thái Lan đã lên đến 500 – 600 tỷ, xuất khẩu chúng ta thấp nhất, ngành công nghiệp còn nhỏ. Nếu không biết làm thì không thể vận động được”, ông Mại nhớ lại. Ông Nguyễn Mại khi đó, đang làm ở Tổ Kinh tế đối ngoại, có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Phan Văn Khải về đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Mại đề đạt với Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại Phạm Gia Khiêm rằng muốn Intel vào thì phải thống nhất quan điểm trong chính phủ rằng hy sinh về thuế. Điều quan trọng là kéo Intel vào là vì Intel là tập đoàn đứng đầu thế giới về các sản phẩm bán dẫn, kéo Intel vào có nghĩa là các tập đoàn khác sẽ vào, ông Mại lý giải về quyết tâm đưa Intel về Việt Nam lúc đó.

Bên cạnh đó, với một tập đoàn lớn như Intel thì quan trọng là làm thế nào để có một quyết sách nhanh nhất, đáp ứng tối đa yêu cầu của họ. Ông Mại đề xuất thành lập tổ công tác đặc biệt đàm phán với tập đoàn Intel (Tổ đặc nhiệm về Intel) chịu trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng và Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại và được thay mặt Thủ tướng đàm phán với Intel, không qua các Bộ, các địa phương.

Dự án tỷ đô đầu tiên của Mỹ vào Việt Nam, tổ đàm phán đặc biệt và đề nghị với vị Tổng Giám đốc gốc Việt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mại làm Tổ trưởng, cùng với các thành viên như bà Phạm Chi Lan, chuyên viên cao cấp Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư; ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch – Đầu tư; ông Chu Hảo, Trưởng Ban quản lý khu Công nghệ cao Hoà Lạc.

Intel gửi cho phía Việt Nam một bản gồm hơn 20 yêu cầu rất cụ thể về thuế, nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ… Trong số hơn 20 yêu cầu này, Tổ đặc nhiệm về Intel chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là gồm khoảng 17 – 18 điều hoàn toàn nằm trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam, sẵn sàng chấp nhận; Nhóm thứ hai gồm 4 – 5 điều kiện không thể đàm phán được vì trái hoàn toàn luật hiện hành của Việt Nam, phải đánh đổi với các điều khoản ở nhóm thứ nhất khi đàm phán. Còn lại 3 – 4 điều có thể đàm phán được.

“Cách làm của chúng tôi là chủ động trong đàm phán để cho Intel thấy là chúng tôi được quyền và được quyết định ngay trong vòng đàm phán”, ông Mại nói.

Tổ đàm phán đưa ra 3 phương án: cao nhất, trung bình và thấp trình với cố Thủ tướng Phan Văn Khải và nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Hai nhà lãnh đạo chấp nhận và ra một quyết định cho phép Tổ đàm phán theo 3 phương án đã đề ra.

“Thông thường, hải quan chỉ có ở sân bay, bến cảng, họ muốn có hải quan ở ngay nhà máy, tôi nói: “Đồng ý”, thậm chí sau này nếu làm tốt, chúng tôi để họ tự khai báo. Thuế cũng thế”, ông Mại nói.

Intel rất ngạc nhiên vì chưa nước nào có tổ đàm phán có quyền quyết định lớn như vậy, nguyên tổ trưởng đàm phán nhớ lại.

Khi đàm phán, Intel nói họ đầu tư 1 tỷ USD, Việt Nam phải góp 10%. Tổ đàm phán chấp nhận nhưng cho rằng Intel cần đến 3.200 kỹ sư phần mềm, Việt Nam sẽ đào tạo đủ theo tiêu chí về năng lực chuyên môn và coi đó là chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách, coi như tương đương 100 triệu USD phải đóng góp.

“Phía Intel thấy lập luận đó là hợp lý, vì lúc đó chi 100 triệu USD với chúng ta quá ư là nhiều”, ông Mại nói thêm.

Dự án tỷ đô đầu tiên của Mỹ vào Việt Nam, tổ đàm phán đặc biệt và đề nghị với vị Tổng Giám đốc gốc Việt - Ảnh 2.
Dự án tỷ đô đầu tiên của Mỹ vào Việt Nam, tổ đàm phán đặc biệt và đề nghị với vị Tổng Giám đốc gốc Việt - Ảnh 3.

Ông Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Intel tại Việt Nam thời điểm đó, cho biết cùng cạnh tranh với Việt Nam lúc đó có cả Trung Quốc và Ấn Độ. Sau còn lại Việt Nam và Ấn Độ vì Intel đã có nhà máy ở Trung Quốc, chi phí tại Việt Nam và Ấn Độ cũng thấp hơn Trung Quốc.

Cuối cùng Việt Nam “thắng” vì chính phủ Việt Nam quyết tâm hơn và có sự phối hợp giữa trung ương và địa phương. Một yếu tố khác nữa là Việt Nam nằm ở vị trí thuận tiện hơn, vì nằm gần Trung Quốc, các hệ thống sinh thái chuỗi cung ứng nằm xung quanh đó hết, ông Phúc cho hay.

Chính phủ Việt Nam rất tích cực. Phái đoàn Intel đi sang nghiên cứu về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hải quan cần lưu thông hàng hóa nhanh, phía VIệt Nam đều có giải đáp, có sự đồng bộ, thống nhất và chuyên nghiệp, ông Phúc nhớ lại.

Quy trình tìm hiểu giữa 2 bên kéo dài khoảng 2 năm ở cấp làm việc. Còn đàm phán đi vào chi tiết chỉ trong vòng một tuần, hai bên ngồi đối diện nhau, Intel đi vào từng chi tiết một, khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đưa câu trả lời.

“Cá nhân tôi cũng rất hồi hộp vì nếu Intel không đầu tư thì rất thất vọng, thất vọng cho cá nhân với tư cách là nhân viên của Intel, và với tư cách một người gốc Việt nữa. May mắn là Intel quyết định đầu tư. Tôi vinh dự là người giúp đưa Intel vào Việt Nam xây nhà máy”, ông Phúc nói.

Giai đoạn đàm phán cũng rất căng thẳng. Khi đàm phán đang diễn ra, một thành viên trong đoàn đàm phán phía Intel quyết định nghỉ trước khi chuyện đầu tư ở Việt Nam có kết quả gần 1 năm. “Trước khi đi, ông ấy gọi tôi và nói, anh cứ chuẩn bị tinh thần đón một dự án lớn ở Việt Nam. Lúc đó tôi mới lóe lên tia hy vọng”, ông Phúc nhớ lại.

Là người hiểu rõ cả Việt Nam và cả Intel, ông Phúc biết rõ tầm quan trọng của dự án này. Lúc đó chưa có công ty công nghệ nào đầu tư lớn vào Việt Nam. Intel là điểm xuất phát đưa Việt Nam lên bản đồ để đến nay đã có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam.

Chỉ 3 tháng sau khi Intel công bố đầu tư vào Việt Nam, phái đoàn của Samsung đến gặp ông Phúc để tìm hiểu lý do Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam. Sau Samsung là Foxconn. Ông Phúc còn nhớ, khi đi cùng ông Terry Gou, nhà sáng lập Foxconn trong thành phố Hồ Chí Minh, ông nói: “Anh nhìn bên kia sông, sau này nó sẽ thành Pudong”. (Pudong là trung tâm tài chính, kinh tế của Thượng Hải, Trung Quốc – PV)

Dự án tỷ đô đầu tiên của Mỹ vào Việt Nam, tổ đàm phán đặc biệt và đề nghị với vị Tổng Giám đốc gốc Việt - Ảnh 4.

Ông Thân Trọng Phúc chia sẻ, sau khi dự án hoàn thành, ông có 2 sự thay đổi về mặt cá nhân. “Thứ nhất là danh tiếng, thứ hai là dự án giúp cho tôi tự tin hơn rất là nhiều. Bài toán này mình có thể xử lý được thì các bài toán khác cũng có thể. Các đối tác tin tưởng vào mình hơn. Đây có thể gọi là đỉnh trong sự nghiệp của tôi”, ông Phúc nói.

Dự án tỷ đô đầu tiên của Mỹ vào Việt Nam, tổ đàm phán đặc biệt và đề nghị với vị Tổng Giám đốc gốc Việt - Ảnh 5.

Nhớ lại quá trình đàm phán với Intel, ông Mại cho rằng bài học từ câu chuyện Intel là nếu không nắm được chiến lược kinh tế đối ngoại của các tập đoàn mà chỉ tiếp xúc một cách chung chung bao giờ cũng thất bại. Thứ hai, để làm nên chuyện với các tập đoàn, lời hứa của các lãnh đạo về ưu đãi, ưu tiên là chưa đủ. Các tập đoàn không muốn mất thời gian nên họ muốn đàm phán phải đi đến thỏa thuận cụ thể. Các thủ tục cũng phải rất nhanh và chỉ từ một đầu mối.

“Thời gian của họ quý hơn nhiều so với ưu đãi về thuế. Nếu không làm như vậy không bao giờ bắt được các đại bàng”, ông Mại nói.

Về triển vọng của Việt Nam trong tương lai, ông Phúc cho rằng nhìn trên bản đồ các công ty đầu tư vào thì Việt Nam đang trên đà trở thành một trong những trung tâm kiểm tra chip/bán dẫn lớn trên thế giới.

Trước đây, việc đóng gói và kiểm tra phần lớn làm ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia… Riêng lĩnh vực đóng gói chip vẫn chưa được Intel triển khai ở Việt Nam do thiếu nguồn nhân lực. Công nghệ đóng gói càng ngày càng phức tạp đòi hỏi những công nghệ cao. Đồng thời, các cuộc cạnh tranh thu hút các tập đoàn công nghệ trên thế giới hiện tại phức tạp hơn trước rất nhiều, các chính phủ chấp nhận bỏ tiền ra để ưu đãi về thuế, đào tạo để thu hút các tập đoàn công nghệ. Cuộc chiến này chi phí ngày càng cao, ngoài ra cần đầu tư vào nguồn nhân lực, hệ sinh thái và chuỗi cung ứng…, quá trình này phải mất hàng chục năm. Vì vậy, con đường phù hợp nhất cho Việt Nam trước mắt là tập trung phát huy những gì mình đang có là kiểm tra, rồi sau đó phát triển thêm phần đóng gói chip.

Đoàn Lan Hương
Bạch Quả
Hoàng Triều | VNA, Thanh Phạm, Thể Phạm, Justin Mott |NYT

14/07/2025 11:00

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan