Trang chủ Quốc tế Đàm phán Thái Lan – Campuchia chính thức bắt đầu, giao tranh vẫn căng thẳng ở biên giới

Đàm phán Thái Lan – Campuchia chính thức bắt đầu, giao tranh vẫn căng thẳng ở biên giới

bởi Admin
0 Lượt xem

Hội đàm đặc biệt bắt đầu

Cuộc hội đàm đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo Malaysia, Thái Lan và Campuchia đã chính thức bắt đầu lúc 15h15 chiều 28/7 (theo giờ địa phương, tức 14h15 theo giờ Hà Nội) tại Phủ Thủ tướng Seri Perdana ở Putrajaya, tờ The Star (Malaysia) đưa tin.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Anwar Ibrahim với tư cách là Chủ tịch ASEAN, phiên họp kín có sự tham dự của Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai. Cuộc họp nhằm mục đích hạ nhiệt căng thẳng biên giới giữa hai nước láng giềng ASEAN.

Đàm phán Thái Lan - Campuchia chính thức bắt đầu, giao tranh vẫn căng thẳng ở biên giới - Ảnh 1.

Hội đàm giữa Campuchia và Thái Lan về vấn đề biên giới diễn ra tại Malaysia. Ảnh: Reuters

Để thể hiện sự ủng hộ, Đại sứ Mỹ tại Malaysia Edgard D. Kagan và Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Ouyang Yujing cũng có mặt, đóng vai trò đồng điều phối đối thoại hòa bình.

Cả Washington và Bắc Kinh đều kêu gọi các bên kiềm chế và khuyến khích một giải pháp ngoại giao để giải quyết tình hình căng thẳng gia tăng.

Giao tranh vẫn diễn ra ngay thềm đàm phán

Tính đến 13h10 hôm nay, 28/7, giao tranh vẫn đang diễn ra ở khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, ngay trước thềm đàm phán ngừng bắn. 

Khmer Times đưa tin, nhiều đợt pháo kích được ghi nhận ở tất cả các khu vực giao tranh tại tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear. Ngoài ra, có thông tin về vụ cháy tại một trạm xăng ở Samrong sau đợt tấn công từ Thái Lan. 

Quân đội Hoàng gia Thái Lan (RTA) cũng xác nhận thông tin giao tranh tiếp diễn. Tờ Nation (Thái Lan) dẫn nguồn RTA cho biết, hiện giao tranh vẫn diễn ra tại 5 khu vực thuộc 3 tỉnh giáp biên giới với Campuchia.

Phát ngôn viên quân đội Thái Lan Ritcha Suksuwanon cho biết, quân đội Thái Lan đã phối hợp với lực lượng Không quân Hoàng gia Thái Lan để tấn công các vị trí quân sự của Campuchia nhằm ngăn chặn tiếp cận vào các khu vực mà Bangkok cho là “chiến lược quan trọng” mà mình “đã kiểm soát”.

Mục đích đàm phán: Ngừng bắn ngay lập tức

Một lệnh ngừng bắn ngay lập tức là mục đích của cuộc đàm phán giữa Thái Lan và Campuchia vào hôm nay, 28/7, Thủ tướng Campuchia cho biết.

“Mục đích của cuộc hội đàm này là đạt được một ‘lệnh ngừng bắn’ ngay lập tức, do Tổng thống Donald Trump khởi xướng và được Thủ tướng Campuchia và Thái Lan nhất trí”, ông Hun Manet tuyên bố trong một bài đăng trên X khi lên đường tham gia đàm phán.

Cuộc đàm phán do Malaysia sắp xếp với tư cách là chủ tịch khối ASEAN khu vực, trong khi Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết sự kiện do Mỹ đồng tổ chức, với sự tham gia của Trung Quốc.

Phái đoàn 2 nước đã có mặt tại Malaysia

Theo các cơ quan truyền thông Bernama (Malaysia) và Khmer Times (Campuchia), quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai và Thủ tướng Campuchia đã có mặt ở Malaysia để tiến hành cuộc gặp đặc biệt bàn về vấn đề biên giới hai nước.

Đàm phán Thái Lan - Campuchia chính thức bắt đầu, giao tranh vẫn căng thẳng ở biên giới - Ảnh 2.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet tới Malaysia (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Khmer Times

Đàm phán Thái Lan - Campuchia chính thức bắt đầu, giao tranh vẫn căng thẳng ở biên giới - Ảnh 3.

Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai (ngoài cùng bên phải) trả lời họp báo trước khi lên máy bay tới Malaysia. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho hay, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã có mặt tại Malaysia để hỗ trợ các nỗ lực hòa bình, sau khi Tổng thống Donald Trump trước đó nói rằng ông nghĩ cả hai nhà lãnh đạo đều muốn giải quyết xung đột.

“Chúng tôi muốn cuộc xung đột này chấm dứt càng sớm càng tốt”, ông Rubio nói trong tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày 27/7. “Các quan chức Bộ Ngoại giao đang có mặt tại Malaysia để hỗ trợ các nỗ lực hòa bình này.”

Căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia đã gia tăng trong thời gian gần đây và leo thang thành cuộc giao tranh tồi tệ nhất giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á trong hơn một thập kỷ. Số người thiệt mạng đã tăng lên hơn 30 người. Hơn 200.000 người đã buộc phải sơ tán khỏi khu vực biên giới.

(Theo Reuters)

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan