Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Aziz cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 9/7 rằng nước này sẽ không vượt qua một số “ranh giới đỏ” nhất định trong các cuộc đàm phán với Mỹ, khi Malaysia tiếp tục đàm phán với chính quyền Tổng thống Donald Trump để giảm mức thuế 25% áp dụng cho hàng xuất khẩu của Malaysia.

Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Aziz trả lời phỏng vấn tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul từ chối nói chi tiết về những giới hạn đó là gì, nhưng ông cho biết Mỹ đã đưa ra những yêu cầu xâm phạm đến lợi ích quốc gia và chủ quyền của Malaysia.
Ông cho biết những yêu cầu này liên quan đến các chính sách và luật pháp trong nước của Malaysia trong các lĩnh vực bao gồm thuế kỹ thuật số, thương mại điện tử, tiêu chuẩn y tế, chứng nhận Halal (giấy chứng nhận đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ tuân thủ các quy định của đạo Hồi theo luật Shariah) và mua sắm của chính phủ.
“Chúng tôi không muốn đạt được thỏa thuận chỉ vì mục đích đạt được thỏa thuận”, ông Tengku Zafrul nói với các phóng viên.
“Nếu thỏa thuận không có lợi cho Malaysia, chúng ta không nên có thỏa thuận… Chúng ta phải kiên quyết về điều đó”, ông Tengku Zafrul tuyên bố.
Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia trước đó đã phát biểu tại hội nghị Reuters NEXT Asia tổ chức vào ngày 9/7 ở Singapore rằng Malaysia không có kế hoạch trả đũa mức thuế 25% áp dụng đối với hàng xuất khẩu của nước này sang Mỹ, và “vẫn lạc quan” về việc đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1/8 – thời điểm mức thuế có hiệu lực.
Theo Reuters, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Malaysia sau Trung Quốc, cũng như là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của nước này, đặc biệt là đối với chất bán dẫn và hàng điện tử.
Tại cuộc họp báo sau đó, ông Tengku Zafrul cho biết bản thân không biết tại sao mức thuế của Mỹ đối với Malaysia lại tăng từ 24% ban đầu lên 25%, nhưng cho biết nước này cam kết cân bằng thương mại với Washington và tin tưởng rằng bất kỳ vấn đề nào còn tồn đọng trong các cuộc đàm phán đều có thể được giải quyết.
“Nếu các vị hỏi tôi… Tôi thiên về khả năng hơn 50% [thỏa thuận] sẽ hoàn tất. Nhưng mốc thời gian là chìa khóa”, ông nói, ám chỉ đến thời điểm mức thuế có hiệu lực là 1/8, gia hạn từ thời hạn ban đầu 9/7.
Ông Tengku Zafrul cho biết nhóm đàm phán của Malaysia đã đàm phán với các đối tác Mỹ ít nhất 25 lần và cam kết cải thiện các biện pháp bảo vệ môi trường và lao động, đồng thời khuyến khích số hóa và bảo mật luồng dữ liệu xuyên biên giới.
Ông cho biết thêm rằng đề nghị của Malaysia đối với Mỹ cũng bao gồm việc mua ít nhất 30 máy bay Boeing mới cho hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines, cũng như các thỏa thuận về chất bán dẫn và công nghệ.
Thương mại toàn cầu đang bị vũ khí hóa
Trong khi đó, hãng truyền thông Al Jazeera (Qatar) đưa tin, phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, vào ngày 9/7, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã cảnh báo về thương mại toàn cầu đang bị vũ khí hóa chống lại các quốc gia yếu hơn.
Thủ tướng Anwar cho biết mặc dù quyền lực luôn định hình thương mại, nhưng ngày nay nó ngày càng định hình thương mại.
“Trên toàn thế giới, các công cụ từng được sử dụng để tạo ra tăng trưởng giờ đây được sử dụng để gây áp lực, cô lập và kiềm chế. Thuế quan, hạn chế xuất khẩu và rào cản đầu tư giờ đây đã trở thành công cụ sắc bén của sự cạnh tranh địa chính trị”, ông Anwar cho biết.
“Đây không phải là cơn bão thoáng qua. Đây là thời tiết mới của thời đại chúng ta”, ông Anwar nói.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, vào ngày 9/7. Ảnh: Al Jazeera
Theo Al Jazeera, Thủ tướng Anwar đưa ra bình luận của mình khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đang trên đường đến Malaysia trong chuyến thăm đầu tiên tới châu Á với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của Washington.
Trong chuyến thăm của mình, ông Rubio dự kiến sẽ tham dự một số sự kiện của ASEAN, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, có sự tham dự của các quốc gia ngoài ASEAN như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi các quan chức Mỹ coi chuyến đi của Ngoại trưởng Rubio là cơ hội để nhấn mạnh cam kết của Washington đối với một Châu Á – Thái Bình Dương “tự do, cởi mở và an toàn” trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, thì các cuộc gặp gỡ của ông với các quan chức khu vực có khả năng sẽ tập trung nhiều vào thương mại.
Theo Al Jazeera, Malaysia là một trong sáu quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với mức thuế quan cao trừ khi họ có thể đạt được thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Trump trước thời hạn 1/8.
Kêu gọi khu vực cần đối mặt với thực tế của bối cảnh toàn cầu với “sự rõ ràng và niềm tin”, Thủ tướng Malaysia Anwar cho biết ASEAN phải phối hợp chặt chẽ hơn về chính sách đối ngoại và kinh tế.
“Và khi chúng ta điều hướng các áp lực bên ngoài, chúng ta cần củng cố nền tảng nội bộ của mình. Tăng cường giao thương giữa các quốc gia, đầu tư nhiều hơn cho nhau và thúc đẩy hội nhập giữa các lĩnh vực một cách quyết tâm”, ông Anwar cho biết.
“Xây dựng một nền kinh tế ASEAN mạnh mẽ hơn, gắn kết hơn là một mệnh lệnh chiến lược sẽ củng cố sự phù hợp và khả năng phục hồi của chúng ta trong nhiều thập kỷ tới”, ông tuyên bố.
Theo Reuters, Al Jazeera
Đọc bài gốc tại đây.