Quan điểm của Trung Quốc về đàm phán Nga – Mỹ
Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề châu Âu Lu Shaye cũng cho biết ông “sốc” trước cách Tổng thống Donald Trump đối xử với các đồng minh ở châu Âu.
Ông cũng cho rằng những người bạn châu Âu nên suy ngẫm về điều này và so sánh các chính sách của chính phủ Trung Quốc, đồng thời cho biết các nước châu Âu sẽ thấy rằng cách tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc nhấn mạnh đến hòa bình, tình bạn, thiện chí và hợp tác cùng có lợi.
Nhận xét của nhà ngoại giao này được đưa ra bên lề Hội nghị hiệp thương chính trị Trung Quốc.
Ông thừa nhận các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Nga nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ tiến trình hòa bình nào cũng phải có sự công nhận và tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các quốc gia châu Âu.
“Nhiều giải pháp đề xuất phải được thảo luận bình đẳng, thay vì để một số ít người quyết định”, ông nói.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Brussels đã xấu đi trong 3 năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phần lớn là do châu Âu lo ngại sự thân thiết giữa Bắc Kinh và Moscow.
Tuy nhiên, sự gián đoạn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng đã làm dấy lên một số hy vọng về khả năng hòa hoãn giữa châu Âu và Trung Quốc.
Bình luận của Lu được đưa ra vào thời điểm khi các nước châu Âu vẫn đang choáng váng vì cuộc cãi vã giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Ukraine Zelensky vào tuần trước, bên cạnh lời đe dọa sáp nhập Greenland và áp thuế đối với các sản phẩm của EU.
Ông bác bỏ quan điểm cho rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hiện tại mang đến cho Trung Quốc cơ hội tăng cường quan hệ với châu Âu. “Không phải vậy. Chúng tôi không tìm cách lợi dụng hoặc gieo rắc bất hòa giữa các quốc gia khác”, ông Lu nói.
Nhà ngoại giao Trung Quốc khẳng định quan hệ đối ngoại của Trung Quốc không dựa vào việc lôi kéo các đồng minh của Washington rời xa Mỹ, mà thay vào đó là vun đắp các mối quan hệ đối tác thực sự dựa trên lợi ích chung.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc sẽ đến Ukraine?
Một số học giả đang gợi ý rằng Trung Quốc có thể đóng một vai trò mang tính xây dựng sau khi cam kết an ninh vững chắc cho Ukraine từ Mỹ đang phai nhạt. Theo SCMP, các cuộc thảo luận đang diễn ra về một kế hoạch tiềm năng để Bắc Kinh triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine như một phần của thỏa thuận ngừng bắn.
Những người ủng hộ lập luận rằng quân gìn giữ hòa bình từ Trung Quốc và các quốc gia không thuộc NATO khác có thể làm giảm bớt mối lo ngại của Nga về sự hiện diện quân sự duy nhất của châu Âu trong khu vực, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ đợt triển khai nào cũng cần phải tuân thủ các giao thức của Liên hợp quốc.
Trong các phát biểu vào 5/3, ông Lu nhắc lại lời kêu gọi của Trung Quốc về một giải pháp đàm phán cho cuộc chiến ở Ukraine, nhưng cho biết vẫn còn quá sớm để nói về “cái gọi là các hoạt động gìn giữ hòa bình”.
Những hành động như vậy, nếu có, không nên do bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào quyết định mà nên được Liên Hợp Quốc quyết định, ông nói thêm. Trung Quốc ủng hộ việc duy trì vững chắc một hệ thống quốc tế tập trung xung quanh Liên Hợp Quốc, nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Đọc bài gốc tại đây.