Trang chủ Quốc tế Cuốn sổ của người giải phóng quân mà cựu binh Mỹ bất chấp giấu kín tình báo quân sự, lưu giữ suốt 56 năm

Cuốn sổ của người giải phóng quân mà cựu binh Mỹ bất chấp giấu kín tình báo quân sự, lưu giữ suốt 56 năm

bởi Admin
0 Lượt xem

Vào một đêm xuân cuối tháng 1/2023, ông Hà Huy Mỳ nhận được một cuộc điện thoại mà gia đình ông đã mong chờ từ rất lâu. Vài ngày trước đó, chính quyền địa phương còn liên hệ với ông, hỏi về người cậu đã hy sinh trong chiến tranh năm 1967.

Ngồi trong căn nhà nhỏ ven biển, giữa một ngôi làng yên bình với ngói đỏ tường lam rực rỡ dưới ánh chiều, ông Mỳ không khỏi thắc mắc: Vì sao bỗng nhiên mọi người lại nhắc đến cậu của ông – liệt sĩ Cao Văn Tuất – người đã hy sinh từ trước khi ông chào đời, một người ông chưa từng biết mặt.

Ít lâu sau, ông nghe tin: Một cựu binh Mỹ có trong tay cuốn sổ của một người lính Việt Nam đã ngã xuống nơi chiến trường.

Peter Mathews, 1967

Tháng 11/1967, Peter Mathews – khi ấy là trung sĩ thuộc Sư đoàn Kỵ binh số 1 của quân đội Mỹ – cùng đơn vị được điều động bằng trực thăng tới yểm trợ cho Sư đoàn Bộ binh số 4 tại Đắk Tô (Kon Tum).

Trong lúc rà soát dưới chân ngọn đồi mà lính Mỹ gọi là cao điểm 724, Mathews tìm thấy một cuốn sổ bọc bìa ni-lông bên trong một chiếc ba lô mà quân giải phóng bỏ lại.

Ông sững người trước vẻ đẹp tinh tế của cuốn sổ nhỏ: Những trang giấy được trang trí bằng nét vẽ tỉ mỉ của hoa lá, cảnh sắc, xen lẫn những dòng thơ, lời ca và các đoạn ghi chép có vẻ như là nhật ký cá nhân.

Mathews không hiểu nội dung, không biết những dòng chữ ấy viết gì. Lẽ ra, theo quy định thời chiến, cuốn sổ phải được nộp về bộ phận tình báo quân sự. Nhưng nó quá đẹp – người lính Mỹ không nỡ trao cho ai khác.

Thay vì nộp lại cho chỉ huy như thường lệ, Mathews lặng lẽ nhét cuốn sổ vào túi áo.

Peter Mathews tại Việt Nam năm 1967. Ảnh: Peter Mathews – NVCC

Việt Nam, 1967

Năm 1963, chàng trai 21 tuổi Cao Văn Tuất quyết định rời xa gia đình, rời xa ngôi làng nhỏ nép mình dưới chân núi, nơi con sông uốn lượn đổ vào biển cả ở tỉnh Hà Tĩnh, để cầm súng lên đường chiến đấu.

Ngôi làng nhỏ bé nơi anh sinh ra chỉ là một trong vô số ngôi làng trên mảnh đất Hà Tĩnh đã tiễn đưa hàng ngàn thanh niên vào Nam, mang theo lý tưởng giành độc lập.

Theo Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tỉnh này đã bổ sung một lực lượng lớn cho quân đội gồm 92.913 thanh niên nam, nữ, chiếm hơn 10% dân số, huy động 334.128 dân công hỏa tuyến, 10.636 thanh niên xung phong.

Đến khi chiến tranh kết thúc, 28.455 người đã không trở về, trong đó có liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Lúc gia đình nhận được giấy báo tử, đã là 9 năm sau.

“Chúng tôi không biết cậu ở đâu, cuộc sống của cậu trên chiến trường như thế nào. Chúng tôi thậm chí không biết cậu đã hy sinh ở đâu”, ông Mỳ nói, “Trong suốt chín năm chờ đợi, gia đình chúng tôi vẫn luôn hy vọng cậu còn sống. Nhưng thư từ gần như không có. Mọi thông tin vào thời điểm đó đều mong manh và rất hiếm hoi”.

Tất cả những gì gia đình biết, là theo hồ sơ, ông Tuất đã ngã xuống ở một nơi nào đó trên chiến trường miền Nam khốc liệt – vào năm 1967.

Chiếc nón lá trong căn nhà ở New York

Mathews vốn là công dân Hà Lan đến Mỹ vào năm 1963. Ông sống ở New Jersey, làm nhiều việc lặt vặt suốt vài năm cho tới khi có người đồng ý bảo lãnh cho ông xin thẻ xanh. Vài tháng sau khi có giấy tờ hợp pháp, Mathews được lệnh nhập ngũ.

“Thời điểm nhập ngũ, tôi còn trẻ dại”, Mathews nhớ lại, “Tôi là một chàng trai trẻ, và tôi cứ thế mà đi. Tôi đâu có lựa chọn – chỉ có thể trở về nhà, hoặc bước vào cuộc chiến”.

Tháng 12/1967, hết hạn quân dịch và được trở về New Jersey. Ông muốn quên đi cuộc chiến nên đã cất cuốn nhật ký đi.

Mathews kết hôn ngay sau khi trở về, nhưng cuộc hôn nhân đó chỉ kéo dài bốn năm và kết thúc bằng cuộc ly hôn bởi chứng nghiện rượu và trầm cảm mà ông mang về từ chiến trường.

Về sau, ông tái hôn, mở một công ty xây dựng nhỏ và dành hết tâm sức để nuôi dạy 4 người con. Còn cuốn nhật ký năm nào – từng được ông giấu trong túi áo giữa tiếng đạn bom – nằm yên trong một chiếc hộp trên gác xép, trong căn nhà ở Bergenfield, New Jersey.

Ông không bao giờ nhắc tới đoạn đời đó với gia đình, cũng không bao giờ đề cập đến Việt Nam… mãi cho đến năm 2022, khi tới thi công một căn nhà ở Brooklyn. 

Tại đó ông bắt gặp một món đồ đậm chất Việt Nam – một chiếc nón lá.

Mathews trò chuyện và được biết chủ nhà đã nhận nuôi hai em bé người Việt, từng đến Việt Nam hai lần. Ông hỏi ngay: Anh có biết tiếng Việt không? Chủ nhà đáp: Không, nhưng bạn tôi biết.

Thông qua người bạn ở Boston, Massachusetts, cuối cùng sau bao nhiêu năm, Mathews cũng biết trong cuốn sổ được viết những gì. Ông chụp một vài trang viết để nhờ dịch thông tin.

“Một ngày sau, họ gửi cho tôi vài trang đã được dịch và cảm giác rất… đau lòng”, Mathews kể, “Có một trang trong nhật ký anh viết về người yêu, về tình yêu anh dành cho cô ấy, về mong muốn được lấy cô ấy làm vợ. Thế nhưng dòng cuối lại như một sự thức tỉnh: Có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ còn được gặp lại cô ấy nữa”.

Trong cuốn sổ, còn có nhiều trang viết dành cho mẹ, cho cha và đầy những dòng chữ bộc bạch tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước.

Nhật ký có đoạn ghi chép vào đêm Giao thừa — thời khắc mọi gia đình quây quần, sum họp. Đêm đó, liệt sĩ Cao Văn Tuất chỉ có một mình và ông viết:

“Đêm giao thừa lòng con nhớ mẹ 

Trời đã khuya gió nhè nhẹ từng cơn 

Lòng con luôn những bồn chồn 

Hương tàn thoáng giữa vần mến thương 

Con xa mẹ trăm đèo ngàn nhớ…

Chúc mẹ khỏe hơn xưa mẹ nhé, 

Mẹ đừng trông con ở nơi đây…”

Một trang trong cuốn sổ của liệt sĩ Cao Văn Tuất. Ảnh: Michael Karras/NorthJersey.com

Mathews chợt hiểu rằng: Cuốn sổ không phải là một thứ quá đẹp để trao đi – mà là quá đẹp để giữ lại cho riêng mình. Mathews muốn tìm chủ nhân của cuốn sổ hoặc người thân của anh để trả lại ký ức và cả một phần linh hồn còn sót lại sau chiến tranh.

Người giải phóng quân ấy không may mắn như Mathews, anh đã hy sinh vào ngày 10/12/1967.

Hành trình trở về của cuốn sổ sau 56 năm

Sau khi nhờ dịch nội dung trong sổ, Mathews bắt đầu chia sẻ những trang viết lên mạng xã hội, mong mỏi tìm thêm manh mối. Dù các bài đăng nhận được sự quan tâm nhưng chúng chỉ giúp ông tiến được một đoạn ngắn trên hành trình dài về cội nguồn của cuốn nhật ký.

Mathews quyết định liên hệ với một phóng viên tại New Jersey. Bài viết về câu chuyện của ông trên NorthJersey.com đã tạo tiếng vang, thu hút sự chú ý của một phóng viên tại Việt Nam.

Ông Peter Mathews và cuốn sổ trong bài báo đăng trên NorthJersey.com

Trong quá trình dịch, Mathews rất ngạc nhiên khi phát hiện một trang có ghi rõ tên và địa chỉ của người lính, cùng thông tin của gia đình anh.

Người phóng viên Việt Nam lập tức chuyển thông tin về cho chính quyền ở Hà Nội và Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh. Chỉ trong vòng 1 ngày, Mathews nhận được điện thoại và phía Việt Nam nhanh chóng bắt đầu quá trình xác minh thông tin trên cuốn sổ.

Ông Trần Nhật Tân — Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh rà soát kỹ lưỡng hồ sơ dữ liệu và chủ động liên hệ với các thành viên trong gia đình để xác minh ngày tháng, thông tin trích xuất từ cuốn nhật ký.

Hồ sơ cho thấy có 36 liệt sĩ ở huyện Kỳ Anh mang họ Cao, 9 người tên Tuất nhưng chỉ có 1 người có đầy đủ 2 yếu tố này. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở tên đệm. Cuốn nhật ký đề tên Cao Xuân Tuất, trong khi hồ sơ quân sự địa phương lưu tên Cao Văn Tuất. 

Điều đặc biệt là những cái tên được nhắc đến trong nhật ký — cha, mẹ, chị gái và địa chỉ quê nhà — hoàn toàn trùng khớp với thông tin mà ông Mỳ cung cấp. Thêm vào đó, một cựu binh sống tại xã Kỳ Xuân, người nhập ngũ cùng đợt với liệt sĩ Cao Văn Tuất, đã nhận ra nét chữ viết tay từ bức ảnh chụp trang nhật ký.

Căn cứ vào thông tin trong sổ ghi chép, bản trích lục, hồ sơ liệt sĩ và thông tin từ nhân chứng cùng gia đình, chính quyền huyện Kỳ Anh xác định chủ nhân cuốn sổ là liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Gia đình ông cũng đã có lời giải thích cho sự sai khác về tên đệm. Ông Tuất khai sinh mang tên đệm phổ biến là “Văn”, nhưng giống như nhiều người cùng thời, ông chọn cho mình tên đệm “Xuân” – mang ý nghĩa tươi mới, tràn đầy hy vọng.

Không lâu sau, các cán bộ địa phương đã tìm đến xã Cao Thắng để gặp mẹ và dì của ông Mỳ, hai người chị gái của liệt sĩ Cao Văn Tuất. Họ mang theo những bức ảnh chụp lại các trang nhật ký. Khi nhận ra nét chữ quen thuộc của em trai mình, hai người chị bật khóc — những giọt nước mắt dồn nén suốt mấy chục năm rơi xuống, nhẹ bẫng mà nghẹn ngào.

Từ Việt Nam, ông Trần Nhật Tân, đã gửi email đến phóng viên ở New Jersey và đồng thời liên hệ với Shannon Gramse — Giáo sư tại Đại học Alaska Anchorage, người từng đến thăm Hà Tĩnh trong một chương trình trao đổi giáo dục, giúp ông liên lạc với Mathews.

Hai tuần sau khi câu chuyện lan tỏa, Mathews và vợ ông, bà Christine, bắt đầu chuẩn bị cho một hành trình đặc biệt trở lại Việt Nam, lần này mang theo không phải súng đạn, mà là một cuốn nhật ký – kỷ vật cuối cùng từ một người lính mà ông chưa từng quen, gửi đến một gia đình ông chưa từng gặp.

Gia đình của ông Tuất vẫn đang chờ đợi.

Suốt gần 60 năm, họ sống lặng lẽ, không một lời hồi âm từ người thân đã ra đi. Và giờ đây, họ sắp được chạm vào nét bút của liệt sĩ Cao Văn Tuất, ngắm nhìn những bức vẽ, thậm chí có thể là những suy nghĩ cuối cùng còn sót lại giữa dòng thời gian.

Những kỷ vật hiếm hoi của liệt sỹ Cao Văn Tuất đã không còn qua thời gian và chiến tranh loạn lạc. Ông Mỳ cho biết,  gia đình ông rất biết ơn người cựu binh Mỹ đã giữ gìn cuốn nhật ký suốt hơn nửa thế kỷ.

“Nếu không có ông ấy, có lẽ cuốn nhật ký chẳng bao giờ có thể trở về. Gia đình tôi không hề hận thù hay oán trách ông ấy”, ông Mỳ nói, “Chúng tôi đã mất đi người cậu yêu quý. Nhưng tôi hiểu — đó là chiến tranh…”

Sức mạnh từ cuốn sổ của “kẻ thù”

Sáng 5/3/2023, từ sớm tinh mơ, những người hàng xóm đã sang nhà ông Mỳ, phụ giúp chuẩn bị vài ấm trà nóng cùng lạc rang và kẹo cu-đơ – đặc sản địa phương – đặt lên bàn tiếp khách. Bên ngoài, từng tốp người tụ tập. Sân nhà dần đông kín.

Rồi đoàn xe chở Peter Mathews cũng đến.

Mathews và vợ ông bước vào ngôi nhà ba gian. Trước bàn thờ gia tiên, ông Mỳ thì thầm giải thích cho vợ chồng ông biết những bức ảnh trên bàn và cả khoảng trống không có ảnh.

Giờ đây, khoảng trống ấy sẽ được lấp đầy. Cuốn nhật ký sẽ ở đó – như một phần linh hồn của người đã khuất trở về.

Lễ trao trả cuốn nhật ký diễn ra ở hội trường xã, bên cạnh một đài tưởng niệm trang nghiêm, nơi khắc tên hàng trăm người con quê hương đã hy sinh trong các cuộc chiến – kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và cả chiến tranh biên giới năm 1979. Trên những phiến đá lạnh là ngày sinh, ngày nhập ngũ và ngày hy sinh. Rất nhiều người đã ra đi ở tuổi đôi mươi. Một trong những cái tên ấy là Cao Văn Tuất.

Bên trong hội trường, ông Peter Mathews bắt tay bà Cao Thị Nồng – em gái của liệt sĩ Cao Văn Tuất và nắm thật chặt trước khi trao lại cuốn sổ màu nâu sẫm cho bà Nồng. Cuốn sổ được bà Nồng đặt trang trọng lên khay nhung đỏ bên trong hộp kính.

Vậy là, cuốn sổ từng theo Mathews suốt cả cuộc đời đã về với nguồn cội.

“Ở Mỹ có những người mới nghe tôi kể về cuốn sổ đã nói: Ôi, có khi là tuyên truyền đấy. Mau vứt nó đi. Đó là của kẻ thù. Nhưng khi nhìn thấy cuốn sổ, họ không thể nói như vậy được nữa”.

“Mặc dù chủ nhân của cuốn sổ đã hy sinh nhưng những dòng chữ của anh có sức mạnh, khiến người ta nhìn thấy được sự nhân văn trong đó, thấy được rằng anh cũng chỉ là một người lính, một con người bình thường có gia đình, thân nhân – giống như tôi ở New York”, Mathews nói trên kênh podcast VVN của Mỹ khi trở về New Jersey sau hành trình dài.

Khi được hỏi liệu ông có bắt gặp bất cứ sự thù địch nào trong chuyến đi không, Mathews khẳng định:

“Không hề. Việt Nam là một đất nước hòa bình. Đó là điều đầu tiên phải nói khi mô tả về họ”. 

(Bài viết sử dụng thông tin lược dịch từ USA Today và tập podcast số 2594 của kênh VVN)

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan