Nội dung chính
Sắc lệnh triệu tập nhập ngũ “lớn chưa từng có” trong 3 năm qua
Hãng tin RBC (Nga) ngày 31/3 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh về đợt gọi nhập ngũ mùa Xuân năm 2024, theo đó 160.000 công dân sẽ được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đợt gọi quân này sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.
Theo quy định mới của pháp luật, độ tuổi gọi nhập ngũ là từ 18 đến 30 tuổi. Tổng thống Putin yêu cầu Chính phủ, các cơ quan hành pháp địa phương và hội đồng nghĩa vụ quân sự tổ chức thực hiện đợt gọi quân này.
Trong đợt gọi quân mới, giấy gọi nhập ngũ điện tử sẽ được gửi tới tài khoản “Gosuslugi” (Cổng Dịch vụ công), riêng tại Moscow sẽ gửi qua “Mos.ru”. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga lưu ý, giấy gọi truyền thống bằng văn bản vẫn có giá trị pháp lý.

Ông Putin ký sắc lệnh triệu tập nhập ngũ lớn nhất trong 3 năm qua. Ảnh: Reuters
Theo tờ MK (Nga), mặc dù Bộ Quốc phòng Nga lưu ý, đợt tuyển quân mới không liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng truyền thông phương Tây đang “dậy sóng” trước thông tin này.
Trang tin MSN (Mỹ) nhấn mạnh, đây là đợt gọi nhập ngũ có quy mô lớn chưa từng thấy kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine tháng 2/2022. Trang này đồng thời lưu ý, số lượng công dân được gọi nhập ngũ tại Nga đã tăng lên do sắc lệnh của ông Putin về việc tăng dần quy mô quân đội, và các nỗ lực chiến tranh của Moscow.
Trong khi đó, tờ Euronews (Bỉ) lưu ý, vào đầu năm 2022, Nga có khoảng 1 triệu quân nhưng trong 3 năm, quân số của lực lượng vũ trang Nga đã tăng lên gần 2,4 triệu người, trong đó có 1,5 triệu quân nhân. Tờ báo đồng thời cho rằng, sắc lệnh tuyển quân của Nga có liên quan tới thiệt hại của quân đội Nga trên chiến trường.
Euronews dẫn số liệu của tình báo Anh vào tháng 12/2024 cho biết, Nga đã thiệt hại hơn 768.000 quân nhân kể từ khi bắt đầu chiến tranh (trong đó tính cả người thiệt mạng, bị thương, mất tích và bị bắt).
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho hay, trong tháng 11 và tháng 12/2024, quân đội Nga ghi nhận mức thương vong đáng kể nhất, trong đó họ thiệt hại tới 2.030 quân mỗi ngày (tháng 11/2024) – đánh dấu mức cao nhất kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Quân số của lực lượng vũ trang Nga đã tăng lên gần 2,4 triệu người, trong đó có 1,5 triệu quân nhân. Ảnh: Reuters
Nga nã thẳng sở chỉ huy quân Ukraine ở Kiev
Hiện tại, Nga phủ nhận mức thiệt hại quân “khổng lồ” do Ukraine và phương Tây đưa ra. Thay vào đó, Moscow thông báo họ đang tiếp tục tiến hành các đợt tấn công dồn dập vào Ukraine.
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 31/3 dẫn lời ông Mykolaiv Sergei Lebedev – điều phối viên lực lượng kháng cự thân Nga cho biết, quân đội Nga đã tấn công vào sở chỉ huy, 1 căn cứ quân sự và 1 nhà kho máy bay không người lái (UAV) của lực lượng vũ trang Ukraine tại khu vực Kiev.
“Tổng cộng có 4 cuộc tấn công nhằm vào vùng Kyiv. Một số trụ sở (của lực lượng vũ trang Ukraine) tại quận Vyshgorod đã bị đánh trúng” – Ông Lebedev nói, đồng thời cho biết thêm rằng các đại diện của Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) và quân đội Ukraine đang khẩn trương khắc phục hậu quả của các đợt tấn công, trong khi dân thường được khuyến cáo không ra ngoài đường.
Cũng theo ông Lebedev, kho chứa UAV của Ukraine bị phá hủy nằm tại khu định cư Glevakha, không xa nhà ga xe lửa Shlyakhovaya, trong khi căn cứ quân sự của Ukraine tại Vasilkov bị phá hủy đáng kể.
“Vụ nổ rất nghiêm trọng, cửa sổ của nhiều ngôi nhà xung quanh đã không còn nguyên vẹn” – Ông Lebedev lưu ý thêm.

Ukraine hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công của Nga trong 2 ngày qua. Ảnh: NYT
Tổng cộng, theo ông Lebedev, Nga đã tiến hành 43 cuộc không kích trên khắp Ukraine trong hai đêm 30/3 và 31/3.
Bốn trong số các cuộc không kích này nhằm vào Poltava và vùng lân cận, nhắm thẳng một căn cứ không quân của Ukraine – nơi mà từ đó các chiến đấu cơ của Kiev xuất kích tấn công tỉnh Kursk và tỉnh Bryansk của Nga.
Một mục tiêu khác là nhà máy sản xuất đạn tên lửa dành cho hệ thống phóng loạt (MLRS) của Ukraine ở Kremenchuk.
Tại Chernihiv, lực lượng Nga tiến hành 5 vụ tấn công. Trong số các mục tiêu có một trường bắn xe tăng, nơi có cả tình nguyện viên và huấn luyện viên Ukraine.
Tại Kharkiv, 6 cuộc tấn công của Nga nhắm vào các khu công nghiệp và nhà xưởng gần Nhà máy Máy kéo Kharkiv. Ông Lebedev lưu ý, đây là nơi đang cải tạo xe tăng Leopard của Đức – lắp thêm giáp động, lưới chống mìn và hệ thống tác chiến điện tử (EW).
Tại tỉnh Zhytomyr, căn cứ không quân Ozernoe của Ukraine bị tấn công. Ngoài ra, khu vực này có một nhà máy sản xuất xe bọc thép lớn và nhiều khu nghỉ dưỡng được quân Ukraine sử dụng làm điểm đóng quân tạm thời. Ở trung tâm tỉnh, nhiều vụ nổ được ghi nhận gần khu công nghiệp, nơi quân đội Ukraine sản xuất vũ khí.
“Nóng” việc đưa quân tới Ukraine: Chuyên gia nêu điều kiện để Trung Quốc đồng ý
Giữa bối cảnh chiến sự Ukraine vẫn diễn ra ác liệt song song với tiến trình đàm phán hòa bình được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thức đẩy, nhiều nước đã bàn tính về việc đưa quân tới Ukraine với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình.
Trước đó, tờ La Repubblica (Italia) ngày 22/3 tiết lộ, kế hoạch đảm bảo an ninh mà phương Tây đề ra trong trường hợp Moscow – Kiev đạt được thỏa thuận đình chiến dự kiến sẽ bao gồm 2 sứ mệnh gìn giữ hòa bình riêng biệt.
Một trong 2 sứ mệnh này dự kiến sẽ huy động binh sĩ từ Ấn Độ, Brazil, Indonesia và Saudi Arabia, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Nhóm quân này sẽ đồn trú tại biên giới Nga-Ukraine.
Nhóm quân thứ hai được đề xuất là lính gìn giữ hòa bình đến từ “Liên minh tự nguyện” của các nước châu Âu và đồng minh. Nhóm này sẽ đồn trú tại biên giới phía tây Ukraine.
Theo La Repubblica, Trung Quốc cũng đã “thăm dò” ở Brussels về khả năng tham gia của quân đội Trung Quốc trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Ukraine.

Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Sunday Guardian
Đề cập tới vấn đề này, bà Khúc Văn Di – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nga và Âu-Á thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông (ECNU) cho rằng, Trung Quốc sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine với điều kiện “các bên tham chiếu đề nghị”. Theo bà, Bắc Kinh mong muốn quá trình hòa bình phải tính đến lợi ích an ninh của toàn lục địa.
“Tôi tin nếu Nga và Ukraine cho rằng việc Trung Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình là phù hợp, thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ hỗ trợ” – Bà Khúc phát biểu bên lề hội nghị Nga-Trung tại Diễn đàn Quốc tế Valdai.
Theo chuyên gia này, các cuộc đàm phán hiện nay cần cân bằng lợi ích của cả hai bên, khác với chính quyền Mỹ trước đây chỉ tập trung vào quan ngại của Ukraine.
“Điều quan trọng là phải đảm bảo an ninh tập thể cho toàn lục địa, thậm chí toàn cầu, chứ không chỉ riêng một quốc gia hay một khối,” bà Khúc nói thêm.
Moscow hiện phản đối việc triển khai binh sĩ NATO làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, nhưng đồng ý với phương án cử quan sát viên dân sự không vũ trang tới Ukraine để giám sát thực thi các điều khoản hòa bình.
Theo bà Khúc Văn Di, Bắc Kinh không tỏ ra lo ngại trước khả năng Moscow xích lại gần Washington, ngược lại còn nhận thấy lợi ích từ việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước này, bởi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt phương Tây sẽ tác động tích cực đến hợp tác kinh tế Nga-Trung.
Đọc bài gốc tại đây.