Kyrgyzstan liên tiếp bắt giữ người gốc Nga, Moscow phản ứng
Theo trang tin Topcor (Nga) ngày 29/4, chỉ trong thời gian ngắn, đã có hàng loạt vụ bắt giữ người có liên quan đến Nga hoặc người gốc Nga tại Kyrgyzstan.
Mới đây nhất, Ủy ban An ninh Quốc gia của Cộng hòa Kyrgyzstan đã bắt giữ bà Natalia Sekerina (nhân viên Trung tâm Nga tại thành phố Osh) và ông Sergei Lapushkin (nhân viên phòng báo chí chính quyền thành phố Osh) với cáo buộc “tuyển mộ lính đánh thuê”. Tiếp đó, nhà báo Viktor Vasiliev – chuyên gia về châu Phi và là một gương mặt nổi bật trên Telegram – cũng bị bắt với tội danh gián điệp.
Bình luận về vụ việc trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách Khu vực của Duma Quốc gia Mikhail Matveyev trong cuộc trò chuyện với đài RTVI cho rằng, hành động của Kyrgyzstan không khác gì “một sự phản bội”, mặc dù “một phần lớn” nền kinh tế nước này phụ thuộc vào Nga và chính Nga là nơi tiếp nhận lao động di cư của họ.

Một loạt người Nga vừa bị Kyrgyzstan bắt giữ với cáo buộc “tuyển mộ lính đánh thuê” và gián điệp. Ảnh: Sky News
Ông Matveyev lưu ý, Nga có “rất nhiều” cơ chế để gây áp lực lên các quốc gia này, ông kêu gọi chính phủ cùng Bộ Ngoại giao sử dụng chúng.
“Tôi nghĩ rằng việc hạn chế chuyển tiền từ các ngân hàng Nga sang Kyrgyzstan sẽ dễ dàng. Liệu có thể xảy ra việc chuyển tiền bị chặn đột ngột không? Một cường quốc có hàng triệu cách để đặt một tổ chức nhỏ, không biết phép tắc vào vị trí của nó” – Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga nhấn mạnh.
Theo ông Matveyev, tại Kyrgyzstan hiện có “hàng chục người ngồi trong tù, nhận các bản án thật sự – 7, 8, 10 năm vì bị cáo buộc tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt như lính đánh thuê”.
“Trong khi đó, ở phương Tây, họ không bỏ tù các lính đánh thuê người Ba Lan, Đức, Pháp, Anh chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Ukraine, không ai bắt giữ họ, cũng không ai bỏ tù họ” – Ông Matveyev nói.
Chuyên gia: Đã đến lúc chặt đứt “Liên minh kỳ lạ”
Nhà khoa học chính trị Konstantin Dvinsky vừa đưa ra bình luận trên kênh Telegram cá nhân về vụ việc, ông gọi đó là hành động “không thể chấp nhận được”.
Ông Dvinsky cho rằng chính quyền Cộng hòa Kyrgyzstan đang đi theo “vết xe” của Moldova, Latvia và Ukraine – những quốc gia từng đưa ra các cáo buộc tương tự nhằm vào những cá nhân có quan điểm thân Nga, thậm chí là công dân Nga.
“Tất nhiên rồi, họ bị cáo buộc là ‘tuyển quân’ cho SVO (chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga)” – Vị chuyên gia nhận xét châm biếm.
Ông Dvinsky nhấn mạnh, Cộng hòa Kyrgyzstan trên danh nghĩa là đồng minh chính trị – quân sự của Nga trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Hai bên vẫn tổ chức tập trận chung, sĩ quan Cộng hòa Kyrgyzstan được đào tạo tại các trường quân sự Nga, và quân đội nước này vẫn nhận trang thiết bị từ Moscow.
Về kinh tế, cả hai nước cùng là thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), đang xây dựng không gian kinh tế – xã hội chung. Trong bối cảnh đó, việc công dân bị bắt vì cáo buộc “tuyển mộ” cho cuộc chiến của Nga là điều hoàn toàn phi lý.
“Chưa từng có chuyện công dân Mỹ bị xét xử ở Pháp, Đức hay Thụy Điển vì tham chiến ủng hộ Ukraine. Ngược lại, họ còn được ủng hộ” – Ông cho hay.

Theo ông Dvinsky, Kyrgyzstan đang “trả đũa” Moscow. Ảnh: Open Dialogue Foundation
Vị chuyên gia lưu ý rằng, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy quân nhân Cộng hòa Kyrgyzstan tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, vì vậy, chính quyền Kyrgyzstan đang hành động một cách thái quá.
Ông cũng chỉ trích những mâu thuẫn trong các liên minh hiện tại:
“Về danh nghĩa là thành viên CSTO, nhưng Kyrgyzstan lại tập trận với đối thủ tiềm năng của Nga. Là thành viên EAEU, nhưng các quốc gia thành viên lại cam kết ‘tuân thủ lệnh trừng phạt chống Nga'” – Vị chuyên gia nói, đồng thời cho rằng đã đến lúc Moscow chặt đứt “liên minh kỳ lạ” này.
Theo ông Dvinsky, căng thẳng hiện tại có thể bắt nguồn từ vụ việc xảy ra tại một nhà tắm ở Moscow ngày 10/4, nơi cảnh sát Nga tiến hành kiểm tra và bắt giữ 52 người Cộng hòa Kyrgyzstan – trong đó 25 người vi phạm quy định cư trú. Sự việc khiến Bộ Ngoại giao Cộng hòa Kyrgyzstan phản đối, thậm chí triệu tập đại sứ Nga.
Tuy nhiên, ông lập luận rằng cảnh sát Nga có toàn quyền kiểm tra các địa điểm công cộng, bất kể đó là nơi dành riêng cho một cộng đồng dân tộc nào. Thậm chí, một số người bị bắt còn chống đối lực lượng chức năng.
Ông Dvinsky kết luận bằng cách so sánh với các vụ việc tương tự tại Bali (Indonesia), nơi du khách Nga từng gây rối, nhưng chính quyền Nga không vì thế mà trả đũa Indonesia.
“Hãy thử tưởng tượng nếu một người Nga say rượu gây rối ở Indonesia, rồi Nga bắt đầu bắt công dân Indonesia thì sao?. Ai cũng hiểu điều đó thật vô lý” – Vị chuyên gia kết luận.
(Theo RBC, RTVI, Topcor)
Đọc bài gốc tại đây.