Theo báo South China Morning Post, Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan xác nhận thông tin trên vào chiều 4/7, đồng thời lên tiếng cảnh báo công dân nước này về các chiêu trò lừa đảo việc làm “lương cao” tại nước ngoài.
Trong thông cáo báo chí, Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok cho biết: “Công dân mang họ Zhong đã được giải cứu nhờ sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Chúng tôi một lần nữa cảnh báo công dân Trung Quốc hãy cảnh giác với các lời mời làm việc ở nước ngoài. Người nước ngoài muốn làm việc tại Thái Lan phải có giấy phép lao động hợp pháp”.

Trước Zhong, đã có một số người mẫu, diễn viên Trung Quốc cũng bị lừa bán sang Myanmar với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”. (Ảnh: Sina)
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, Zhong đã đáp chuyến bay đến sân bay Don Mueang, Bangkok vào sáng 9/6 để thực hiện một buổi chụp ảnh bìa tạp chí theo lời mời từ người từng là sếp cũ. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi đặt chân đến Thái Lan, anh mất tích không dấu vết.
Tới ngày 13/6, Zhong bất ngờ thực hiện một cuộc gọi video cho em gái, thông báo mình đã bị lừa sang Myanmar và đang bị giam giữ. Trong cuộc gọi, anh tỏ ra sợ hãi, nói rằng mình đang bị theo dõi và không thể tiết lộ vị trí cụ thể. Sau cuộc gọi đó, gia đình mất hoàn toàn liên lạc với anh.
Ngày 3/7, em gái của Zhong đã đăng tải toàn bộ thông tin liên quan lên mạng xã hội Weibo, bao gồm lịch trình di chuyển, đoạn chat và hình ảnh để kêu gọi cộng đồng hỗ trợ và gây áp lực dư luận. Cô cũng bay sang Thái Lan, trực tiếp làm việc với cảnh sát địa phương và liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc để phối hợp giải cứu.
Cảnh báo các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia
Zhong chỉ là một trong hàng ngàn nạn nhân bị lừa sang các quốc gia Đông Nam Á dưới vỏ bọc “việc nhẹ, lương cao”. Những kẻ buôn người thường dụ dỗ nạn nhân qua mạng xã hội với các lời mời làm việc hấp dẫn tại Thái Lan hoặc Lào, sau đó cưỡng ép đưa họ sang Myanmar – nơi các băng nhóm tội phạm hoạt động mạnh trong các khu phức hợp khép kín, chuyên thực hiện các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Theo Tổ chức Mạng lưới xã hội dân sự hỗ trợ nạn nhân buôn người có trụ sở tại Thái Lan, ít nhất 6.000 người từ 21 quốc gia đang bị giam giữ trái phép tại khu vực Myawaddy, miền nam Myanmar. Trong đó, gần 4.000 người là công dân Trung Quốc.

Nam người mẫu Yang Zeqi (25 tuổi) của Trung Quốc cũng mất tích gần 1 tháng tại Thái Lan hồi đầu năm 2025 và sau đó được giải cứu thành công khỏi bọn buôn người ở vùng biên giới Thái Lan – Myanmar. (Ảnh: Weibo)
Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong báo cáo năm 2023 từng cảnh báo có tới 120.000 người đang bị cưỡng bức tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến tại Myanmar, sau khi bị đưa qua các điểm trung chuyển như Thái Lan, Lào và Philippines.
Trước đó không lâu, vào tháng 1 năm nay, nam diễn viên Trung Quốc Wang Xing cũng từng bị bắt cóc và đưa vào một khu trại tại Myanmar sau khi bị lừa đi quay phim ở Thái Lan. Bạn gái của Wang đã lần theo hành trình và đăng tải thông tin lên mạng xã hội, giúp cảnh sát kịp thời giải cứu.
Sự việc mới nhất của nam người mẫu Zhong tiếp tục làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng nạn buôn người và lừa đảo xuyên biên giới tại Đông Nam Á – nơi các tổ chức tội phạm Trung Quốc đang vận hành những “trung tâm lừa đảo công nghệ cao” với sự tiếp tay hoặc làm ngơ từ một số địa phương.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan kêu gọi công dân, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực người mẫu, giải trí và công nghệ, cần nâng cao cảnh giác, không dễ dàng tin tưởng các lời mời làm việc không rõ ràng trên mạng. Đồng thời, khi ra nước ngoài cần thông báo rõ lộ trình cho người thân và chủ động liên hệ với các cơ quan ngoại giao Trung Quốc khi gặp rủi ro.
Đọc bài gốc tại đây.