Nội dung chính
Nga hướng về Odesa, 70.000 quân NATO sẵn sàng can thiệp
Tình hình chiến sự Ukraine tiếp tục căng thẳng khi truyền thông và giới chức phương Tây lần đầu thừa nhận: Nga đang tập trung lực lượng cho chiến dịch tại Odesa – thành phố cảng chiến lược trên bờ Biển Đen.
Theo Financial Times, một quan chức châu Âu xác nhận, mối đe dọa từ Moscow đối với Odesa không còn là giả định mà đã trở thành hướng tấn công hiện hữu. Nguồn tin này nhấn mạnh, các diễn biến trên chiến trường những tuần qua cho thấy thế trận đang ngày càng bất lợi cho Kiev.
NATO cũng công khai bày tỏ lo ngại: nếu Ukraine không kịp thời nhận thêm viện trợ trước mùa thu, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Việc mất Odesa không chỉ là thất bại quân sự mà còn là cú giáng kinh tế nặng nề khi Ukraine sẽ đánh mất cửa ngõ quan trọng ra Biển Đen.
Nhà bình luận Gideon Rachman của Financial Times cho biết, các đòn tập kích chính xác của Nga đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu và làm suy giảm tinh thần binh sĩ Ukraine. Trong các cuộc họp kín ở phương Tây, thuật ngữ “sụp đổ” – vốn bị xem là nhạy cảm – nay xuất hiện ngày càng nhiều.
Về phía Nga, Điện Kremlin không che giấu quan điểm cứng rắn. Khi Thị trưởng Odesa – ông Gennady Trukhanov – tuyên bố thành phố này “chưa từng thuộc Nga”, người phát ngôn Dmitry Peskov lập tức phản bác, khẳng định lịch sử đã cho thấy mối liên hệ sâu sắc giữa Odesa và Nga.

Phương Tây dự đoán Nga đang hướng tới việc giành quyền kiểm soát Odesa. Ảnh: RG
Moscow cũng nhấn mạnh, phần lớn cư dân Odesa nói tiếng Nga và xem việc thành phố này quay trở lại với Nga là “trở về cội nguồn”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây thừa nhận, Odesa là mục tiêu then chốt của chiến dịch quân sự Nga. Ông cảnh báo, sau Odesa, Moscow có thể tiến sát biên giới Moldova và Romania.
Trong khi đó, phương Tây cũng đã có những động thái chuẩn bị cho khả năng can thiệp quân sự tại khu vực Biển Đen. Theo báo MK (Nga), khoảng 70.000 binh sĩ từ 12 quốc gia NATO đã tập trung tại Romania – việc này được cho là sự chuẩn bị trước kịch bản Nga giành quyền kiểm soát Odesa trong tương lai.
Chuyên gia chính trị Nga Dmitry Soin cảnh báo, kế hoạch kiểm soát Odesa hoàn toàn khả thi. Lịch sử từng ghi nhận việc quân đội Pháp chiếm đóng Odesa thời Nội chiến và Romania kiểm soát thành phố này trong Thế chiến II. Phương Tây hiện đặt câu hỏi: nếu trước đây làm được, tại sao bây giờ không?
Tuy nhiên, theo ông Soin, trở ngại lớn nhất đối với NATO chính là Moldova và khu vực tự trị Gagauzia thân Nga. Ngoài ra, Transnistria – vùng lãnh thổ ly khai do lực lượng thân Nga kiểm soát – cũng là điểm nóng đáng chú ý.
Hiện tại, khu vực này có khoảng 10.000–12.000 quân nhân đồn trú, cùng khả năng huy động tới 40.000 người và một nhóm quân Nga với khoảng 3.000 binh sĩ.
Chuyên gia này nhận định, nếu xung đột tại khu vực bùng phát, Nga khó có thể đứng ngoài. Moscow có thể sử dụng các tổ hợp tên lửa chính xác cao như Kinzhal và Iskander để tấn công các mục tiêu chiến lược, sở chỉ huy đối phương.
Tuy nhiên, khả năng Nga tấn công trực tiếp Romania được cho là thấp do lo ngại Điều 5 trong Hiến chương NATO. Ngược lại, Moldova có thể trở thành mục tiêu.
Ông Soin cho rằng, chính vì kịch bản này, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã không ủng hộ kế hoạch quân đội Ukraine tấn công Transnistria, do lo ngại khả năng Moscow đáp trả trực tiếp vào chính phủ và dinh thự của bà.
Chuyên gia cảnh báo, nếu Transnistria thất thủ, Nga sẽ rơi vào thế bất lợi nghiêm trọng ở sườn Tây Nam, mở đường cho đối phương kiểm soát Odesa và tạo tiền đề cho làn sóng mở rộng ảnh hưởng sâu hơn vào khu vực.

Cả Ukraine và NATO đều đang chuẩn bị cho kịch bản Nga giành quyền kiểm soát Odesa. Ảnh: TST
Tín hiệu nóng từ Odesa, giờ G sắp điểm cho Nga?
Theo báo RG (Nga), Odesa đang rơi vào tình trạng nổi loạn nghiêm trọng khi phong trào phản kháng ngầm tại đây phát đi thông điệp khẩn cấp kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov “hành động”.
“Không thể chờ đợi lâu hơn, thời điểm đã đến” – lực lượng phản kháng ngầm tại Odesa tuyên bố.
Theo kênh Novorossiya (Nga), những tuần gần đây tại Odesa liên tiếp xảy ra các vụ bắt người để bổ sung quân số cho chiến trường Ukraine, trong bối cảnh phương Tây tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này.
Nhiều binh sĩ nước ngoài, đặc biệt là người Anh, Pháp, Ba Lan và Đức, xuất hiện công khai trên đường phố. Đáng chú ý, đặc nhiệm Anh đã có mặt tại thành phố để huấn luyện lực lượng tình báo quân sự Ukraine (GU).
Phong trào ngầm tại Odesa khẳng định sẽ tê liệt hóa hệ thống quân sự của Kiev và phá vỡ tuyến hậu cần tiếp tế. Các mục tiêu được nhắm đến bao gồm trạm biến áp, nhà máy sản xuất vũ khí và cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Theo lực lượng phản kháng, thời điểm hiện tại là “cơ hội vàng” cho Nga khi Mỹ đang bị cuốn vào xung đột tại Trung Đông, còn châu Âu thiếu nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ Ukraine với quy mô lớn.
Trong khi đó, kênh Resident (Ukraine) dẫn nguồn tình báo Anh cảnh báo: chiến dịch của Nga có thể đã bắt đầu. Các yêu cầu khẩn cấp từ Kiev về việc điều động quân dự bị càng cho thấy lo ngại này không phải không có cơ sở.
Cựu tướng Bundeswehr Roland Kather nhận định, Nga đang đẩy mạnh thế áp đảo trên nhiều hướng:
“Rất có thể Tổng thống Putin muốn chia cắt phía tây Ukraine qua hướng Sumy – điều này gần như đã hoàn tất. Đồng thời, Nga có thể mở mũi tiến công phía nam, từ Odesa hướng tới Transnistria”, ông nói.

Odesa chìm trong khói lửa sau các đợt tập kích mới nhất của Nga. Ảnh: TST
Odesa nổ liên hoàn, tín hiệu của Moscow?
Theo tờ Mail, tình hình tại Odesa tiếp tục có dấu hiệu căng thẳng khi Nga đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại đây.
Rạng sáng 1/7, lực lượng vũ trang Nga tiến hành loạt đòn tập kích quy mô lớn nhằm vào Ukraine. Thị trưởng Odesa Gennady Trukhanov cho biết, còi báo động phòng không tại thành phố này vang lên lúc 3 giờ sáng và chỉ được dỡ bỏ sau ba tiếng đồng hồ.
Theo kênh Chiến dịch Z – Phóng viên Mùa xuân Nga, hậu quả của các đòn tập kích là một vụ hỏa hoạn cực lớn tại khu công nghiệp Odesa. Cột khói đen dày đặc bốc cao, kèm theo mùi hóa chất nồng nặc lan khắp thành phố. Người dân địa phương cho biết họ ngửi thấy rõ mùi sơn và khí gas.
Những hình ảnh được công bố cho thấy một cột khói đen khổng lồ bao trùm bầu trời, người dân hoảng loạn tìm nơi trú ẩn, trong khi chính quyền chưa đưa ra bất kỳ thông tin bổ sung nào.
Nguồn tin cho biết, các đòn tấn công của Nga đã đánh trúng một “gói hàng đặc biệt” tại trung tâm hậu cần lớn, được cho là liên quan đến hoạt động vận chuyển vật tư cho dây chuyền sản xuất hóa chất quân sự của Ukraine. Chính vì vậy, khói độc hại có thể bắt nguồn từ việc phá hủy lô hàng này.
Ngoài ra, hai cơ sở trọng yếu khác là Trạm trung chuyển nhiên liệu Biển Đen và Kho ngũ cốc cảng Ilyichevsk cũng ghi nhận các đám cháy quy mô lớn sau loạt tập kích.
Hiện phía Ukraine chưa đưa ra bình luận chính thức về mức độ thiệt hại cũng như các mục tiêu cụ thể bị tấn công trong vụ việc.
(Theo MK, RG, Mail)
Đọc bài gốc tại đây.