Nội dung chính
Nga đánh sập một loạt sở chỉ huy của Ukraine
Theo tờ RG (Nga), đêm 26-27/3 (giờ địa phương), quân đội Nga đã mở một đợt tấn công quy mô lớn nhằm vào các vị trí hậu phương của Ukraine, trọng tâm là khu vực Dnepropetrovsk cùng một số tỉnh lân cận.
Tại thành phố Krivoy Rog (Dnepropetrovsk), hơn 20 đợt oanh kích đã được ghi nhận. Các kênh giám sát Ukraine đánh giá đây là cuộc tấn công “chưa từng có” kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022.
Cùng ngày, một sở chỉ huy của Ukraine ở Synelnykove (Dnepropetrovsk) cũng trúng đòn, nâng tổng số cơ quan chỉ huy bị phá hủy trong vòng 48 giờ lên con số 5.

Ông Putin tuyên bố trên toàn tuyến mặt trận, quân đội Nga đang nắm giữ thế áp đảo. Ảnh: IT
Trong khi đó, tên lửa Iskander của Nga đã san phẳng trụ sở Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tại Kramatorsk (Donetsk). Truyền thông Nga dẫn nguồn tin cho biết nhiều tướng lĩnh và nhân viên cấp cao của SBU đã “bị vùi lấp dưới đống đổ nát”.
Tại tỉnh Sumy, lực lượng Nga tiếp tục tấn công sở chỉ huy của cơ quan phòng thủ lãnh thổ (TD) Ukraine, được cho là nơi điều hành các đơn vị đóng quân dọc biên giới.
Đáng chú ý, đêm 26/3, tên lửa Iskander còn nhắm vào doanh nghiệp nông nghiệp Mriya – nơi bị nghi ngờ là sở chỉ huy ngụy trang. Theo kênh Partizan Ukrainy, cơ sở này có sự hiện diện của binh sĩ và phương tiện thuộc nhiều đơn vị khác nhau, với ít nhất 15 quân nhân thiệt mạng và hơn 20 người bị thương.
Ông Putin tuyên bố Nga đủ sức đánh bại quân Ukraine
Ngoài cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ Ukraine, tờ RG ngày 27/3 thông báo, cờ Nga đã được kéo lên chốt kiểm soát Sudzha, giáp ranh giữa Nga và tỉnh Sumy của Ukraine. Trận đánh giành cửa khẩu này đã kéo dài suốt mấy ngày nay.
RG dẫn lời một chỉ huy đơn vị thuộc nhóm quân “Phía Bắc” của Nga với biệt danh “Molot” cho biết, các đơn vị quân đội Ukraine đang tìm mọi cách để tháo chạy khỏi Kursk nhưng không thể vượt qua được biên giới Nga.
“Đối phương (quân Ukraine) đã thăm dò, cố gắng vượt biên nhưng không thành công, nhờ vào hoạt động trinh sát trên không kịp thời, chúng tôi đã kịp thời triển khai hỏa lực ngăn chặn, không cho đối phương vượt qua biên giới quốc gia” – Viên sĩ quan cho hay.

Quân Ukraine đang phải chịu sức ép lớn trên chiến trường. Ảnh: Foreign Policy
Thông qua trang Facebook cá nhân, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky thông báo, lực lượng dự bị đã được gấp rút điều động tới tỉnh Sumy “do cường độ hoạt động gia tăng”.
Trong buổi trò chuyện với thủy thủ tàu ngầm hạt nhân Arkhangelsk ngày 27/3 tại cảng biển phía Bắc Murmansk, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Trên toàn tuyến mặt trận, quân đội Nga đang nắm giữ thế áp đảo và chủ động chiến lược”.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định lực lượng vũ trang Nga “có khả năng đánh bại hoàn toàn quân đội Ukraine”.
“Chúng ta sẽ đánh bại họ. Có cơ sở để tin rằng chúng ta sẽ làm được điều đó” – Ông Putin nói, và lưu ý rằng ông đã đưa ra nhận định này sau khi nghe báo cáo từ Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga.
Nhưng vẫn thúc đẩy đàm phán hòa bình
Tuy nhiên, song song với việc đưa ra những “tín hiệu rắn” trên chiến trường, nhà lãnh đạo Nga đồng thời có các động thái thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình.
Cũng trong bài phát biểu tại cảng biển phía Bắc Murmansk, theo đài Al Jazeera (Qatar), ông Putin đã “đề xuất các điều kiện nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 3 năm”.
Đầu tiên, ông đề xuất khả năng thiết lập một hình thức chính quyền tạm thời tại Ukraine để tổ chức bầu cử mới. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump “thực sự muốn chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine”.
“Về nguyên tắc, có thể thiết lập một chính quyền tạm thời tại Ukraine dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, Mỹ, các nước châu Âu và các đối tác của chúng ta. Điều này nhằm tổ chức bầu cử dân chủ, đưa một chính phủ có năng lực được người dân tín nhiệm lên nắm quyền, sau đó bắt đầu đàm phán với họ về hiệp ước hòa bình” – Ông Putin nói.

Ông Putin tham dự lễ khởi công dự án tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tại Murmansk ngày 27/3. Ảnh: Al Jazeera
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, Moscow “ủng hộ giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, nhưng phải loại bỏ được những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình hình hiện nay”.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga đề xuất mở rộng thành phần tham gia tiến trình hòa bình, không chỉ giới hạn ở Mỹ và Nga, mà bao gồm cả đồng minh hiệp ước của Moscow là Triều Tiên.
“Không chỉ có Mỹ mà còn có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi – tất cả các nước BRICS (9 nước thành viên, chưa tính Nga)” – Ông Putin liệt kê, đồng thời nhấn mạnh – “Và nhiều quốc gia khác nữa, ví dụ như Triều Tiên”.
Phản ứng với đề xuất của ông Putin về lập ‘chính phủ lâm thời’ ở Kiev, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng lưu ý, việc quản trị ở Ukraine được quyết định bởi Hiến pháp và người dân của đất nước này.
Trong khi đó, đội ngũ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản ứng gay gắt với bình luận của ông Putin.
Thời gian qua, chính quyền Ukraine khẳng định không thể tổ chức bầu cử khi đất nước vẫn đang trong tình trạng thiết quân luật – được áp dụng từ khi chiến tranh bùng phát cách đây ba năm.
Để củng cố tính chính danh của Tổng thống Zelensky, Quốc hội Ukraine từ tháng 2/2024 đã thông qua nghị quyết khẳng định lại quyền lực hợp pháp của ông. Văn kiện này được thông qua với đa số phiếu áp đảo, phản ánh mức độ ủng hộ rộng rãi dành cho Zelensky trong nước.
Đọc bài gốc tại đây.