Nga “chôn vùi” cả lữ đoàn Ukraine: Thêm tình tiết được hé lộ
Tờ MK (Nga) ngày 4/7 vừa hé lộ thêm chi tiết về vụ tấn công của Nga khiến gần như toàn bộ Lữ đoàn 110 tinh nhuệ của Ukraine bị “chôn vùi”. Vụ việc khiến Kiev rúng động.
Theo đó, các tổ hợp tên lửa Iskander của Nga đã phá hủy sở chỉ huy của Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 110 thuộc quân đội Ukraine cùng toàn bộ ban chỉ huy tại thành phố Guliaipole, tỉnh Zaporizhia. Thông tin này đã được truyền thông Ukraine và chính quyền Kiev xác nhận.
Cuộc tấn công đã khiến Chỉ huy trưởng lữ đoàn – ông Sergey Zakharevich, Phó chỉ huy – ông Dmitry Romanyuk và Tham mưu trưởng – ông Valery Mirzaev thiệt mạng. Phía Ukraine cho biết tổng cộng có khoảng 70 người thiệt mạng và khoảng 30 người khác bị thương. Theo họ, sở chỉ huy đã bị tấn công bằng hai tên lửa Iskander.
Thông tin được hé lộ trước đó mới chỉ cho biết chỉ huy Zakharevich và lực lượng chủ lực của lữ đoàn thiệt mạng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đang tiến hành điều tra vụ việc và sẽ báo cáo kết quả khi hoàn tất.

Cuộc tập kích của Nga vào Guliaipole đã khiến quân đội Ukraine thiệt hại nặng nề (Ảnh minh họa: TST)
Lữ đoàn 110 được biết là lực lượng từng tham gia đối đầu với quân đội Nga trong trận chiến Avdiivka. Đơn vị này giữ các vị trí tiền tuyến cho đến khi thành phố được lực lượng Nga kiểm soát vào mùa xuân năm ngoái.
Trước đó, MK đưa tin, tên lửa Iskander đã tấn công các cơ sở công nghiệp quốc phòng tại tỉnh Dnipropetrovsk, gây ra nhiều tiếng nổ lớn giữa ban ngày. Đợt tấn công được cho là phản ứng của Nga trước các tuyên bố gần đây từ người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine – ông Andriy Yermak.
Theo tờ báo Nga, việc “xóa sổ” lực lượng tinh nhuệ và đầu não chỉ huy chẳng khác nào “chôn vùi cả lữ đoàn”, bởi năng lực tổ chức và khả năng tác chiến gần như bị triệt tiêu hoàn toàn.
Dự đoán của ông Putin thành hiện thực, đồng hồ đếm ngược bắt đầu
Đáng lưu ý, tin xấu đang đến nhiều hơn với Kiev. Theo MK, dự đoán của ông Putin đã bắt đầu thành hiện thực.
“Đạn dược cạn dần, đồng hồ đếm ngược đã khởi động” – MK cho hay.
Theo tờ báo, hồi tháng 1 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố thẳng thừng: “Nếu tiền và nói rộng ra, đạn dược cạn kiệt, họ (Ukraine-PV) sẽ không trụ nổi một tháng. Mọi thứ sẽ kết thúc trong vòng tháng rưỡi đến hai tháng”.
Khi đó, tuyên bố này vấp phải sự hoài nghi từ phương Tây, tuy nhiên, diễn biến thực tế gần đây cho thấy những lo ngại về khả năng cạn kiệt nguồn lực của Ukraine đang ngày càng gia tăng.
Nguồn viện trợ tài chính vẫn được duy trì ở mức hạn chế, trong khi các loại vũ khí và đạn dược – yếu tố then chốt trên chiến trường – đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn. Chính quyền Ukraine cũng không che giấu sự quan ngại trước những thông tin này, đặc biệt khi giữa Kiev và Washington xuất hiện những bất đồng về cách công bố tình hình viện trợ.

Theo MK, dự đoán của ông Putin đã thành hiện thực với Kiev. Ảnh: IT
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce, phía Washington đã thông báo trước cho Kiev về việc tạm dừng một số hạng mục vũ khí. Tuy nhiên, Ukraine phủ nhận việc nhận được cảnh báo từ trước và thậm chí đã triệu tập Đại biện lâm thời Mỹ tại Kiev, ông John Henkel, để bày tỏ quan ngại về việc viện trợ bị gián đoạn.
Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Anna Kelly sau đó xác nhận việc ngừng chuyển giao một số loại vũ khí là có thật. Dù vậy, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, kêu gọi dư luận không nên quá lo lắng trước các thông tin chưa đầy đủ, đồng thời nhấn mạnh chỉ nên dựa vào các tuyên bố chính thức từ hai phía.
Về phần mình, Lầu Năm Góc thừa nhận đã tạm ngưng một số hạng mục viện trợ, cho rằng đây là biện pháp “hợp lý và cần thiết”. Theo ông Sean Parnell, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã tạo điều kiện để Ukraine tiếp cận nhiều nguồn hỗ trợ, nhưng hiện nay, việc phân bổ nguồn lực cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Một số hãng truyền thông quốc tế cũng đưa tin về tình hình này. The Economist, dẫn nguồn quan chức Ukraine, cho biết việc viện trợ vũ khí từ Mỹ, bao gồm cả đạn dược và phụ tùng thay thế, đã bị đình trệ ở mức độ đáng kể.
Tờ Washington Post (Mỹ) đánh giá, đây là thời điểm nhạy cảm khi Ukraine đang thiếu hụt nguồn lực, còn quân đội Nga gia tăng áp lực tại nhiều khu vực. Báo này cũng cảnh báo, việc tạm dừng viện trợ có thể để lại những hệ quả “nghiêm trọng và khó đảo ngược”.
Bên cạnh đó, một số quan chức Ukraine được The Economist trích lời cho rằng, việc Mỹ siết viện trợ có thể tạo áp lực buộc Kiev phải cân nhắc các giải pháp chính trị, bao gồm khả năng đàm phán.
Hiện tại, các tuyên bố của ông Putin về khả năng Ukraine suy yếu nhanh chóng vẫn đang được giới quan sát tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, cục diện chiến sự phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố phức tạp, bao gồm cả quyết định chính sách từ Mỹ, Ukraine và các đồng minh trong thời gian tới.
(Theo MK)
Đọc bài gốc tại đây.