Tờ Weekly Blitz ngày 31/3 đưa tin, một cuộc biểu tình phản chiến lớn đã nổ ra trên đường phố Paris cuối tuần qua, khi hàng nghìn người đổ về thủ đô nước Pháp để bày tỏ sự phẫn nộ với chính sách viện trợ quân sự mới nhất của Tổng thống Emmanuel Macron dành cho Ukraine.
Trước đó, ông Macron đã tuyên bố về khoản viện trợ bổ sung trị giá 2 tỷ euro (2,16 tỷ USD) dành cho Kiev. Gói viện trợ này được công bố hôm 27/3, bao gồm tên lửa đất-đối-không tiên tiến, xe bọc thép và máy bay không người lái (UAV), đánh dấu sự leo thang đáng kể về vai trò của Pháp trong xung đột.
Bên cạnh đó, ông Macron cũng tích cực ủng hộ việc triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình.

Hình ảnh cuộc biểu tình ở Pháp. Nguồn: Oneindia News
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Pháp và Anh đã lên kế hoạch gửi hàng chục nghìn quân tới Ukraine trong nhiều tuần qua, mặc dù ít tiến triển đạt được. Tờ Strana (Ukraine) thừa nhận, khả năng các nước châu Âu triển khai lực lượng trên bộ tới Ukraine chỉ còn rất thấp.
Nhiều nước châu Âu thừa nhận ý tưởng “đưa quân tới Ukraine” ban đầu có vẻ hấp dẫn, nhưng với tình hình hiện tại và lập trường của chính quyền Tổng thống Donald Trump, mọi thứ hiện có vẻ khác.
Họ hoài nghi về viễn cảnh có thể xảy ra khi can thiệp vào cuộc xung đột mà không có sự đảm bảo chắc chắn của Mỹ, cũng như sự ủy nhiệm quốc tế. Bên cạnh đó là những lo ngại về chi phí cao, tình trạng thiếu hụt lực lượng, trang thiết bị.
Tuy nhiên, Pháp và Anh vẫn quyết định sẽ cử một phái đoàn quân sự tới Ukraine trong những tuần tới nhằm “thảo luận với đại diện lực lượng vũ trang Ukraine về các chi tiết của hoạt động đã lên kế hoạch và phương thức cải cách quân đội Ukraine”.
Ông Macron đồng thời mở ra khả năng, thay vì điều lực lượng trên bộ, châu Âu sẽ chuyển sang lực lượng không quân và hải quân, có thể bao gồm tuần tra bằng máy bay chiến đấu và đảm bảo an ninh ở Biển Đen với sự trợ giúp của tàu thuyền.
Hàng ngàn người biểu tình ở Paris ngày 29/3. Nguồn: Oneindia News
Theo Weekly Blitz, cuộc biểu tình ở Paris đã cho thấy sự thất vọng của người Pháp đối với các cam kết quân sự ngày càng gia tăng của nước này ở Đông Âu.
Những khẩu hiệu như “Ông Macron, chúng tôi không muốn cuộc chiến tranh của ông”, hay “Pháp hãy nhanh chóng rời khỏi NATO” đồng thời phản ánh mối lo ngại lớn hơn rằng, sự tham gia ngày càng sâu của Pháp vào xung đột có thể leo thang thành cuộc đối đầu trực diện với Nga.
Quan điểm của ông Macron về Ukraine đã trở thành một vấn đề gây chia rẽ nước Pháp. Chính quyền của ông định hình rằng, “viện trợ quân sự” là điều cần thiết để bảo vệ an ninh châu Âu và ngăn chặn mối đe dọa từ Nga. Trong khi đó, những người chỉ trích cho rằng, chính sách đó có nguy cơ kéo Pháp vào một cuộc xung đột kéo dài và có khả năng gây thảm họa.
Báo Nga cảnh cáo 20 mục tiêu ở Pháp “đã vào tầm ngắm”
Trước các kế hoạch của ông Macron dành cho Ukraine, kênh truyền hình Tsagrad TV (Nga) dẫn lời chuyên gia cảnh báo, “nếu Tổng thống Macron liều lĩnh thực hiện hành động như đã tuyên bố trước đó, Moscow sẽ đáp trả”.
“Sẽ không cần đến vài giờ, chỉ cần vài phút” – Chuyên gia quân sự – chính trị Yakov Kedmi trả lời Tsagrad TV về điều sẽ xảy ra với Pháp khi Nga hết kiên nhẫn – “20 mục tiêu đã được lựa chọn”.
Vị chuyên gia lưu ý thêm rằng, đòn đáp trả của Điện Kremlin sẽ cực kỳ mạnh mẽ nếu Pháp tiếp tục thúc đẩy kế hoạch đưa lực lượng quân sự châu Âu tới Ukraine.
“Sự can thiệp của Pháp (vào tình hình Ukraine) có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột hạt nhân. Trong trường hợp đó, Paris – với kho vũ khí hạn chế – sẽ không thể gây thiệt hại đáng kể cho Nga. Ngược lại, Moscow có thể vô hiệu hóa Pháp chỉ trong tích tắc. Moscow biết rõ phải tấn công vào đâu để khiến quốc gia châu Âu này mất khả năng chiến đấu chỉ trong vài phút” – Ông Kedmi nhấn mạnh.

Chuyên gia Nga cảnh báo Moscow sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Pháp tiếp tục thúc đẩy kế hoạch đưa lực lượng quân sự châu Âu tới Ukraine.
“Có đủ mục tiêu trên lãnh thổ Pháp để Nga lựa chọn – và đó sẽ không phải là thủ đô Paris hay bảo tàng Louvre, mà là các trung tâm chỉ huy và căn cứ lực lượng hạt nhân.
Tổng cộng 20 mục tiêu đã được (Moscow) lựa chọn. Nga hoàn toàn có thể phát động tấn công, thậm chí không cần đến vài giờ, mà chỉ cần vài phút” – Ông Kedmi nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 25/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, ý tưởng đưa “lực lượng gìn giữ hòa bình” tới Ukraine theo sáng kiến do Anh-Pháp khởi xướng đã đi ngược lại các nỗ lực giảm leo thang mà Mỹ đang tiến hành.
Trong khi đó, hôm 16/3, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, việc các nước châu Âu triển khai “lực lượng gìn giữ hòa bình” đến Ukraine sẽ dẫn tới cuộc xung đột toàn diện với Nga.
Le Figaro: Pháp đang chuẩn bị cho “kịch bản tồi tệ nhất” với Nga
Về phía Pháp, tờ Le Figaro dẫn nguồn từ giới quân sự cho biết, các quan chức quân sự cấp cao tại châu Âu đang chuẩn bị cho khả năng đối đầu với Nga dưới hình thức xung đột hỗn hợp hoặc thậm chí là xung đột quân sự trực tiếp.
Một sĩ quan Pháp giấu tên tiết lộ lực lượng quân đội nước này đang “chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất”.
Bài báo cho biết, không khí chuẩn bị đang hiện hữu ở “tất cả các nước châu Âu”, nơi giới quân sự đang tính toán nhiều kịch bản khác nhau.
Dù đánh giá khả năng xảy ra xung đột toàn diện giữa Nga và NATO tương đối thấp thấp do nguy cơ leo thang hạt nhân, nhưng họ vẫn xem xét khả năng xảy ra “các hành động quân sự hạn chế” trên lãnh thổ một nước châu Âu bất kỳ, bên ngoài châu lục này hoặc chiến tranh hỗn hợp.
Đọc bài gốc tại đây.