Nội dung chính
Đấu súng ác liệt Ấn Độ – Pakistan
Tờ Channel New Asia ngày 29/4 đưa tin, một vụ đọ súng qua biên giới vừa nổ ra giữa quân đội Ấn Độ và Pakistan. Đây đã là đêm thứ 5 liên tiếp hai phía đọ súng qua lại tại khu vực Kashmir tranh chấp.
Căng thẳng giữa hai nước đã tăng vọt chỉ 1 tuần sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu tại Thung lũng Baisaran – một điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực Pahalgam của Kashmir – chiều 22/4, khiến 26 du khách thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn cho vụ tấn công này, trong khi Islamabad bác bỏ cáo buộc.
Đáng lưu ý, New York Times ngày 28/4 tiết lộ thông tin, một lính biên phòng Ấn Độ hiện đã bị lực lượng Pakistan bắt giữ từ hôm 23/4, một ngày sau vụ tấn công đẫm máu ở Pahalgam.
“Vụ việc này có thể sẽ trở thành quân bài mặc cả cho chính phủ Pakistan và ảnh hưởng đến các lựa chọn hành động của Ấn Độ” – NYT cho hay.
Một quan chức Ấn Độ cho biết chính phủ nước này hiện đang yêu cầu phía Pakistan trao trả binh sĩ theo các quy trình đã được thiết lập giữa hai phía.

Căng thẳng Ấn Độ – Pakistan tăng vọt một cách báo động. Nguồn: Vocal Media
Liên quan tới cuộc đấu súng vừa nổ ra, quân đội Ấn Độ thông tin rằng, trong đêm 28/4, binh sĩ của họ và lực lượng Pakistan đã nổ súng qua lại dọc theo Đường Kiểm soát (LoC) — ranh giới trên thực tế tại Kashmir tranh chấp — khu vực được gia cố kiên cố với các đồn trú ở vùng núi Himalaya cao chót vót.
“Quân đội Pakistan đã nổ súng vô cớ qua Đường Kiểm soát” – Đại diện quân đội Ấn Độ cho hay, đồng thời lưu ý rằng, vụ đấu súng xảy ra xảy ra tại các khu vực đối diện với các huyện Kupwara và Baramulla, cũng như tại Akhnoor.
Trước đó, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố, “máu của mỗi người dân Ấn Độ đang sôi sục”, thề “sẽ truy lùng những kẻ tấn công tới tận cùng Trái Đất” và biến nơi ẩn náu của những kẻ khủng bố “thành tro bụi”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pakistan tuyên bố, Islamabad đã sẵn sàng cho chiến tranh:“Bắt đầu thôi. Pakistan đã sẵn sàng. Cảm ơn Modi, ông đã đoàn kết đất nước chúng ta”.
Các nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng những tuyên bố hiếu chiến có thể leo thang thành hành động quân sự.
Theo New York Times, New Delhi đang xây dựng cơ sở cho hành động quân sự chống lại nước láng giềng Pakistan, đồng thời cũng là “đối thủ không đội trời chung” của họ. Trong ngày 27/4, Hải quân Ấn Độ đã khai hỏa tên lửa siêu thanh BrahMos nhằm phô diễn khả năng thực hiện các cuộc tấn công “tầm xa, chính xác”.
Pakistan kéo pháo hạng nặng áp sát Ấn Độ
Theo Times of India, trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Pakistan đã triển khai pháo tự hành SH-15 (Trung Quốc) sản xuất tới sát biên giới Ấn Độ.
Các video lan truyền trên internet cho thấy lực lượng Pakistan đang di chuyển vũ khí hạng nặng do Trung Quốc cung cấp. Islamabad hiện là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất từ Bắc Kinh.
Theo tạp chí Army Recognition (Bỉ), sự xuất hiện của hàng chục khẩu pháo tự hành SH-15 Pakistan gần Đường Kiểm soát (LoC), tại vị trí chỉ cách biên giới Ấn Độ khoảng 80 km đã đánh dấu một bước leo thang mới trong tình hình vốn đã căng thẳng giữa hai phía.
Pakistan kéo pháo hạng nặng SH-15 áp sát Ấn Độ. Nguồn: X
Các hệ thống pháo do Trung Quốc thiết kế, với pháo chủ lực cỡ nòng 155mm/52 caliber, có khả năng bắn xa tới 50 km.
Được giới thiệu lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2017 và chính thức ra mắt vào năm 2018, SH-15 (có tên gọi PCL-181 trong quân đội Trung Quốc) đã thay thế các hệ thống pháo cũ PL-66.
Hệ thống pháo hiện đại này tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến, cho phép tương thích với nhiều loại đạn, bao gồm cả đạn dẫn đường chính xác do Norinco phát triển (như GP155 hay GP1), cũng như đạn tiêu chuẩn NATO cỡ 155mm.
SH-15 có khả năng bắn trực tiếp lẫn gián tiếp, với tầm bắn tối đa đạt 53 km khi sử dụng đạn tăng tầm có hỗ trợ tên lửa. Nó có thể đạt tốc độ bắn từ 4–6 viên mỗi phút. Khoang chứa đạn tích hợp cho phép phản ứng nhanh và đảm bảo tính cơ động cao trên chiến trường.

SH-15 có khả năng bắn xa tới 50 km. Ảnh: Army Recognition
Trước khi khai hỏa, hai chân chống lớn được hạ xuống phía sau để ổn định hệ thống. Ngoài ra, SH-15 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực số hóa, cùng các chức năng điều hướng, định vị và ngắm bắn, cho phép nhận lệnh nhiệm vụ trực tiếp từ xe chỉ huy pháo binh.
Hệ thống được gắn trên khung gầm xe tải quân sự Shaanxi 6×6, với cabin bọc thép, đủ chỗ cho kíp lái 6 người và có khả năng chống đạn súng bộ binh cũng như mảnh pháo.
Một súng máy hạng nặng 12,7mm có thể được lắp trên nóc xe để tự vệ. Nhờ trọng lượng nhẹ và tính cơ động cao, SH-15 có thể triển khai nhanh trên địa hình khó khăn và vận chuyển bằng máy bay quân sự cỡ trung như Y-9.
SH-15 được quân đội Trung Quốc đưa vào trang bị từ năm 2018–2020 và đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia, trong đó Pakistan ký hợp đồng mua 236 đơn vị vào năm 2019, còn Ethiopia nhận ít nhất 32 khẩu vào năm 2023.
Giá ước tính của mỗi hệ thống, dựa trên đơn hàng của Pakistan, vào khoảng 2,1 triệu USD.
Việc trang bị SH-15 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa lực lượng pháo binh của Pakistan.
Sự kết hợp giữa hỏa lực mạnh và khả năng cơ động chiến lược cho phép pháo binh Pakistan tái bố trí nhanh chóng trong môi trường chiến tranh phức tạp — một lợi thế then chốt trong các chiến dịch cường độ cao.
Nhờ khả năng tương thích với cả đạn tiêu chuẩn NATO và đạn chính xác như GP6, hệ thống này cung cấp năng lực tấn công tầm xa đáp ứng yêu cầu của chiến trường hiện đại. Hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số hoàn toàn, khả năng ngắm bắn tự động và định vị bằng GPS giúp nâng cao độ chính xác và giảm khối lượng công việc cho kíp chiến đấu.
Thiết kế dạng module giúp SH-15 dễ bảo trì, trong khi cabin bọc thép đảm bảo an toàn cho kíp lái trong các khu vực giao tranh. Với SH-15 đi vào hoạt động, các đơn vị pháo binh Pakistan hiện đã có khả năng hỗ trợ hỏa lực nhanh hơn, xa hơn và chính xác hơn, đáp ứng cả yêu cầu chiến tranh thông thường lẫn chiến tranh hỗn hợp.
Sự hiện diện của SH-15 dọc theo LoC không chỉ tăng cường khả năng tấn công của Pakistan mà còn đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống phòng thủ của Ấn Độ. Trong bối cảnh căng thẳng hiện tại, việc triển khai loại pháo này có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột và đòi hỏi Ấn Độ phải điều chỉnh chiến lược phòng thủ để đối phó hiệu quả với mối đe dọa mới.
4 nước vào cuộc
Trước tình hình căng thẳng Ấn Độ – Pakistan tăng vọt, Bộ Ngoại giao Mỹ trong ngày 28/4 cho biết, Washington đang liên lạc với cả Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai nước nỗ lực hướng tới một “giải pháp có trách nhiệm”.
“Đây là một tình huống đang diễn biến và chúng tôi đang theo dõi sát sao. Chúng tôi đã liên lạc với chính phủ Ấn Độ và Pakistan ở nhiều cấp độ” – Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Trong khi đó, theo Channel News Asia, Iran đã đề nghị làm trung gian hòa giải, Saudi Arabia thì cho biết nước này đang nỗ lực “ngăn chặn leo thang căng thẳng”.
Mới đây nhất, theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan, ông Ishaq Dar, khẳng định lập trường ủng hộ Pakistan giữa lúc căng thẳng với Ấn Độ gia tăng.
Ông Vương nói: “Là người bạn thép và đối tác chiến lược toàn diện trong mọi điều kiện thời tiết, Trung Quốc hoàn toàn thấu hiểu những lo ngại chính đáng về an ninh của Pakistan và ủng hộ Pakistan trong việc bảo vệ chủ quyền cũng như lợi ích an ninh quốc gia.”
Tuy nhiên, song song với đó, Bắc Kinh kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế sau vụ tấn công đẫm máu tại Pahalgam. Với vai trò là nước láng giềng của cả hai quốc gia, Trung Quốc bày tỏ hy vọng các bên sẽ thực hiện các biện pháp giúp hạ nhiệt tình hình.
Người phát ngôn Quách Gia Khôn nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ rằng Trung Quốc hoan nghênh mọi hành động nhằm ổn định khu vực và kêu gọi “một cuộc điều tra nhanh chóng và công bằng” về vụ tấn công tại Pahalgam.
(Theo Channel New Asia, Times of India, Army Recognition)
Đọc bài gốc tại đây.