Nội dung chính
DeepSeek đoán động thái “gây sốc” nhất của ông Trump với Ukraine
Theo kênh truyền hình Tsargrad TV (Nga), các nhà nghiên cứu vừa sử dụng DeepSeek – Chatbot AI từ Trung Quốc “gây bão toàn cầu” trong tuần qua – để dự đoán về động thái “gây sốc” nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm với Ukraine trong bối cảnh hiện nay.
Hiện Chatbot này được coi là một bước ngoặt trong cuộc chiến AI toàn cầu và được ví như “khoảnh khắc Sputnik” ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo – ám chỉ vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Liên Xô ngày 4/10/1957, gây chấn động thế giới và châm ngòi cho cuộc chạy đua không gian trong thế kỷ 20.
Theo DeepSeek, ông Trump dự kiến sẽ tiến hành một thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ nhằm làm suy yếu vị thế của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và làm thay đổi đáng kể bối cảnh địa chính trị thế giới.

DeepSeek dự đoán động thái “gây sốc” nhất mà ông Trump có thể tiến hành với Ukraine. Ảnh: mierosznews
Chatbot của DeepSeek cho rằng, ông Trump có thể tiến hành 5 phương án sau:
– Rút viện trợ quân sự dành cho Ukraine: Ông Trump có thể tiến tới việc ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, sau khi đã đình chỉ tất cả các chương trình viện trợ phát triển nước ngoài của Mỹ trong 90 ngày.
– Ủng hộ tuyên bố của Nga: Ông Trump có thể hợp pháp hóa các tuyên bố chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ ở Ukraine, như Crimea hoặc Donbass. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn làm suy yếu chủ quyền của Ukraine.
– Thúc đẩy thỏa thuận hòa bình có lợi cho Nga: Ông Trump có thể gây áp lực buộc Ukraine chấp nhận thỏa thuận hòa bình có lợi cho Nga, có khả năng liên quan tới việc nhượng bộ lãnh thổ. Tuy nhiên, điều này có thể gây tranh cãi, và có thể bị Ukraine, cũng như các đồng minh phương Tây của Washington coi đó là “sự phản bội”.
– Đưa Nga trở lại Diễn đàn quốc tế: Ông Trump có thể ủng hộ việc đưa Nga trở lại các nhóm quốc tế G8 (G7+Nga). Năm 1997, nhóm này từng đổi tên thành G8 sau khi Nga gia nhập. Tuy nhiên, tới năm 2014, các nước phương Tây quyết định quay trở về mô hình G7, loại bỏ Moscow sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
– Giảm vai trò của NATO: Ông Trump có thể thúc đẩy để giảm sự hiện diện của NATO ở Đông Âu, từ đó làm suy yếu sự ủng hộ của liên minh này với Ukraine.
Sau khi đưa ra 5 phương án trên, DeepSeek dự đoán động thái “gây sốc” nhất mà ông Trump có thể tiến hành là công khai ủng hộ việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine, chẳng hạn như Crimea và Donbass. Lý do là bởi điều này về cơ bản sẽ làm suy yếu chủ quyền của Ukraine và thay đổi đáng kể cục diện địa chính trị có lợi cho Nga.

DeepSeek gây ra những lo ngại về sai lệch thông tin. Ảnh: SCMP
Đáng lưu ý, DeepSeek không đưa ra câu trả lời trực diện ngay, mà cần hỏi nhiều lần. Theo nhà phân tích Zi Yang trên tạp chí Diplomat, những tương tác mà ông thử nghiệm với DeepSeek cho thấy Chatbot này có khả năng “cung cấp sự bảo vệ cho các đồng minh của Trung Quốc”.
Ví dụ, khi hỏi liệu chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine có chính đáng hay không, DeepSeek đã đưa ra quan điểm chính thức của Trung Quốc về cuộc xung đột là một “vấn đề phức tạp, có nguồn gốc lịch sử sâu xa” và nhấn mạnh lập trường giải quyết hòa bình của Trung Quốc.
Nguy cơ phát tán thông tin sai lệch
Cũng theo tác giả Zi Yang, DeepSeek cho thấy nhiều hạn chế trong việc hỗ trợ nghiên cứu về Trung Quốc khi từ chối nhiều câu hỏi liên quan hoặc đưa ra câu trả lời thiếu chi tiết. Ví dụ, khi đặt câu hỏi về nền kinh tế Trung Quốc bằng tiếng Trung, DeepSeek nói về sự lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc và sự tin tưởng vào tương lai để đạt được “Giấc mơ về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.
Theo vị chuyên gia, cho tới thời điểm hiện tại, khả năng phân tích của DeepSeek về các chủ đề liên quan tới Trung Quốc còn rất thiếu sót khi so sánh với ChatGPT, làm suy yếu tính hữu ích của nó như một công cụ cho các nghiên cứu về Trung Quốc.
Ngoài ra, các cuộc trò chuyện trực tuyến cũng cho thấy khả năng thông tin của DeepSeek bị sai lệch. Do đó, nhà phân tích Zi Yang cho rằng, trong bối cảnh DeepSeek đang nhanh chóng thu hút được lượng người dùng lớn trên toàn thế giới, khả năng phát tán thông tin sai lệch và mức độ ảnh hưởng đến dư luận toàn cầu của nó làm dấy lên những cảnh báo lớn.

Nhiều nước bắt đầu cấm DeepSeek. Ảnh: EuroNews
7 nước và vùng lãnh thổ đồng loạt có động thái
Theo EuroNews, trước những diễn biến đáng lo ngại, nhà chức trách ở nhiều nơi đã cấm mô hình DeepSeek-R1 của Trung Quốc chỉ sau vài tuần ra mắt.
Đài Loan (Trung Quốc): Trong tuần trước, đảo Đài Loan đã cấm các cơ quan điều hành của hòn đảo sử dụng mô hình AI của DeepSeek do những lo ngại về an ninh.
Cơ quan phụ trách Các vấn đề số hóa của Đài Loan ra khuyến cáo không sử dụng DeepSeek.
“Hoạt động của nó liên quan đến việc truyền tải xuyên biên giới, rò rỉ thông tin, cùng các mối lo ngại khác” – Tuyên bố của cơ quan này nêu rõ.
Mỹ: Mặc dù chưa có lệnh cấm trên toàn quốc, nhưng Texas đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ cấm DeepSeek trên các thiết bị do chính phủ cung cấp.
Thống đốc bang Greg Abbott đồng thời cấm các ứng dụng truyền thông xã hội do Trung Quốc phát triển, gồm Xiaohongshu (còn được gọi là RedNote và Lemon8) trên tất cả các thiết bị do bang cấp.
Hải quân Mỹ cũng cấm chính thức các thành viên của lực lượng sử dụng DeepSeek, trong khi NASA chặn quyền truy cập DeepSeek trong hệ thống của họ.
Italy: Italy trở thành quốc gia đầu tiên chặn DeepSeek vào ngày 30/1. Động thái này diễn ra sau khi DeepSeek được cho là đã thông báo với giới chức sở tại rằng, công ty này sẽ không hợp tác khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin.
Ngoài 3 nơi trên, các cơ quan bảo vệ dữ liệu của Bỉ, Ireland, Pháp và Hàn Quốc đồng loạt cho biết họ đã có kế hoạch yêu cầu DeepSeek cung cấp cách mà công ty này quản lý thông tin cá nhân của người dùng, để từ đó đưa ra động thái tiếp theo với Chatbot này.

Truyền hình Nga đưa ra thông tin bất ngờ về nguồn gốc của DeepSeek. Ảnh chụp màn hình bản tin của Russia 1.
Nga đưa tin bất ngờ về nguồn gốc của DeepSeek
Kênh truyền hình nhà nước Nga Russia-1 vừa phát sóng một báo cáo tuyên bố rằng, DeepSeek – chatbot AI “đang khuấy đảo thế giới” của Trung Quốc được phát triển dựa trên mã lập trình từ thời Liên Xô năm 1985.
Tuyên bố này ngay lập tức làm “dậy sóng” giới công nghệ. Tuy nhiên, theo tờ Gazeta (Nga), báo cáo này xuất phát từ Panorama – website tại Nga chuyên xuất bản bài viết châm biếm về các vấn đề nội địa và quốc tế. Phía dưới mỗi bài viết của Panorama đều có dòng ghi chú nêu rõ “Văn bản này không phải là tin tức thật”.
Câu chuyện bắt đầu từ một bài đăng ngày 29/1, khi Panorama công bố một đoạn phỏng vấn hư cấu với Lian Wenfeng – nhà phát triển DeepSeek. Trong đó, ông Lian nói rằng DeepSeek được xây dựng trên nền tảng của OGAS – một hệ thống máy tính thời Liên Xô do học giả Viktor Glushkov thiết kế, và nếu không có công nghệ này, AI Trung Quốc “sẽ không bao giờ bắt kịp người Mỹ, cũng như ChatGPT của họ”.
Tin tức trên nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông của Nga. Cựu Tổng biên tập tờ báo Nga Regnum Yuri Baranchik cũng chia sẻ thông tin này trên mạng xã hội cá nhân, và sau đó nó được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Nga.
Bản tin của Russia-1 phát sóng vào 11h sáng ngày 2/2 và trình bày như một tiết lộ mang tính đột phá.
Theo United24Media, mặc dù thông tin mà kênh truyền hình Nga đưa ra là sai lệch, nhưng giữa thành công “gây bão” của DeepSeek, một loạt câu hỏi đã được đặt ra về nguồn gốc công nghệ của công ty này.
Microsoft – nhà đầu tư chính và đối tác công nghệ của OpenAI – đã nêu lên mối lo ngại rằng DeepSeek có thể đã kết hợp các yếu tố độc quyền của ChatGPT. Công ty đã tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể xảy ra.
David Sacks – cố vấn AI cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump – cho biết có “bằng chứng đáng kể” cho thấy DeepSeek đã chắt lọc kiến thức từ mô hình của OpenAI để phát triển AI của mình. Ông chỉ ra cụ thể các kỹ thuật chắt lọc, trong đó một mô hình AI học hỏi từ mô hình khác để sao chép khả năng của nó.
Đọc bài gốc tại đây.