Trang chủ Quốc tếChuyện đó đây Báo Nga: Ván bài lật ngửa, Azerbaijan sẵn sàng nổ súng – Nga phản ứng khẩn, 1 vùng bất ngờ vào “tầm ngắm”

Báo Nga: Ván bài lật ngửa, Azerbaijan sẵn sàng nổ súng – Nga phản ứng khẩn, 1 vùng bất ngờ vào “tầm ngắm”

bởi Admin
0 Lượt xem

Trong bối cảnh Nga vẫn đang sa lầy trong chiến sự Ukraine và ảnh hưởng tại khu vực Nam Caucasus suy giảm, Azerbaijan – từng được coi là “đồng minh chiến lược” của Moscow – đang thể hiện rõ xu hướng chuyển trục địa chính trị.

Trang tin 19 RUS (Nga) ngày 23/7 đăng bài viết có tiêu đề: “Ván cờ Caspi của ông Aliyev: Một cuộc tấn công đường biển vào Nga đang được chuẩn bị. Moscow sẽ phản ứng thế nào?”

Theo đó, hàng loạt động thái gần đây của Baku cho thấy nước này không chỉ đang thoát ly khỏi trục ảnh hưởng của Nga, mà còn có thể đang chuẩn bị một thế trận gây áp lực gián tiếp, bao vây từ hướng biển Caspi, và tiềm tàng kích động bất ổn tại khu vực nhạy cảm như Dagestan.

Giới phân tích Nga lo ngại rằng đây không đơn thuần là sự dịch chuyển ngoại giao, mà là một phần trong chiến lược phối hợp với phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tái thiết lại cấu trúc quyền lực tại khu vực mà Moscow từng giữ vai trò then chốt.

Trước tình hình đó, Moscow được cho là đang khẩn trương xây dựng các phương án ứng phó trên nhiều mặt trận, đặc biệt tại khu vực biển Caspi và vùng biên giới phía Nam.

Đáng chú ý, Nga và Iran đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự chung mang tên CASAREX‑2025 tại biển Caspi, khởi động từ ngày 21/7. Theo trang tin Topcor (Nga), cuộc tập trận lần này gây chú ý đặc biệt, bởi nó được xem như bước chuẩn bị của Moscow cho “tình huống chiến tranh” với Azerbaijan.

Căng thẳng giữa Nga-Azerbaijan đang dâng cao. Ảnh: IT

Baku công khai “thoát Nga”, ngả về phương Tây

Tại Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu tổ chức ở Shusha gần đây, Tổng thống Ilham Aliyev đã công khai bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine khi phát biểu: “Đừng bao giờ ký hòa ước với những kẻ chiếm đóng. Chúng tôi đã không làm điều đó. Đừng đầu hàng.”

Phát biểu trên được đưa ra sau khi ông Aliyev nhận phù hiệu từ một nữ nhà báo Ukraine – biểu tượng gắn liền với các đơn vị vũ trang đang tham chiến. Ông còn nhắn nhủ: “Hãy cứ tiếp tục như vậy.” Hành động này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn phản ánh rõ lập trường chính trị của Baku trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa có hồi kết.

Ngay sau sự kiện, truyền thông Azerbaijan đồng loạt đăng tải quan điểm rằng nước này đã giành thắng lợi trong cuộc chiến và đang ở vị thế đặt ra luật chơi mới tại Nam Caucasus. Một số bài viết thậm chí khẳng định Nga “không còn là người chơi, không còn là trọng tài, cũng không còn là hình mẫu”, đồng nghĩa với việc vai trò của Moscow trong khu vực đã suy giảm đáng kể.

Giới quan sát nhận định, Azerbaijan đang từng bước rời khỏi không gian chính trị – quân sự từng chia sẻ với Nga, để tái định vị mình như một đối tác ưu tiên trong cấu trúc quyền lực mới do phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ kiến tạo.

Tàu chiến Nga khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: The Moscow Times

Caspi: Mặt trận đường thủy đang được chuẩn bị

Một trong những điểm nhấn chiến lược lớn nhất của Azerbaijan hiện nay là việc tăng cường nhanh chóng hiện diện quân sự trên biển Caspi – khu vực giáp ranh với Nga, Iran, Kazakhstan và Turkmenistan.

Theo nhà phân tích quân sự Ilya Golovnyov (Tsargrad), hai yếu tố cho thấy Caspi có nguy cơ trở thành một chiến trường thực thụ.

Thứ nhất, có thông tin cho rằng Israel từng sử dụng vùng biển thuộc chủ quyền Azerbaijan để tiến hành các cuộc không kích vào Tehran. Nếu được xác nhận, điều này có nghĩa Caspi đã mang tính chất chiến sự và có thể bị lợi dụng cho các hoạt động quân sự ngoài khu vực.

Thứ hai, việc Azerbaijan công khai ủng hộ Ukraine, đồng thời triển khai mạnh mẽ các chương trình hiện đại hóa hải quân đang tạo ra một tiền đề đáng lo ngại. Trong vài năm trở lại đây, nước này đã đầu tư mạnh vào tàu chiến, tàu ngầm, xuồng tuần tra – tất cả đều được trang bị hệ thống điều khiển, vũ khí và thông tin hiện đại.

Baku cũng đẩy mạnh việc xây dựng, cải tạo cảng quân sự, trung tâm huấn luyện, kho vũ khí, đồng thời tổ chức nhiều cuộc tập trận chung với các quốc gia phương Tây. Song song đó là các nỗ lực phát triển hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa ven biển, củng cố toàn diện năng lực kiểm soát mặt nước Caspi.

Một số nguồn tin cho biết Azerbaijan đang xem xét lại quy chế pháp lý biển Caspi nhằm tìm kiếm lợi thế pháp lý trong tương lai, trong khi các kênh liên kết với quốc gia thứ ba cũng được sử dụng để tạo áp lực lên Nga trong lĩnh vực năng lượng – vốn là điểm tựa kinh tế chiến lược của Moscow.

Degastan được dự đoán trở thành điểm nóng mới. Ảnh: Google

Dagestan: Điểm nóng mới tiềm tàng gần biên giới Nga

Theo trang 19 RUS, trong một cuộc họp kín diễn ra ngày 15/7 tại Baku với sự tham dự của các cố vấn Anh, phía Azerbaijan được cho là đã thảo luận một số kịch bản ứng phó chiến lược, trong đó có đề cập đến khả năng xuất hiện một “cuộc khủng hoảng nhân đạo” tại khu vực giáp ranh với Dagestan – một nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga.

Thông tin này thu hút sự chú ý do Dagestan vốn là khu vực có đặc thù sắc tộc phức tạp, từng trải qua nhiều biến động về an ninh và được xem là một trong những điểm nhạy cảm trong cấu trúc an ninh ở phía Nam nước Nga.

Một số nhà quan sát cho rằng, nếu tình hình tại đây diễn biến theo chiều hướng xấu, khu vực này có thể trở thành điểm khởi phát của một làn sóng bất ổn mới, với tác động trực tiếp đến tình hình nội địa Nga mà không cần đến các động thái quân sự công khai.

Cũng theo nguồn tin này, Tổng thống Ilham Aliyev đã nhận được cam kết hỗ trợ kỹ thuật – quân sự từ phía Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột. Các hỗ trợ này bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ UAV thế hệ mới, từng được triển khai hiệu quả trong một số chiến dịch gần đây tại Syria và Nagorno-Karabakh.

Bên cạnh đó, Azerbaijan cũng được cho là đang xúc tiến một số thay đổi về mặt pháp lý nhằm cho phép sự hiện diện của lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ nước này, qua đó mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế.

Ngoài ra, theo đánh giá của chuyên gia quân sự Ilya Golovnyov, một số phong trào hoạt động tại Bắc Caucasus – bao gồm các tổ chức ly khai và nhóm mang danh nghĩa môi trường – đang nhận được nguồn lực hậu thuẫn từ bên ngoài, với khả năng có liên hệ đến các kênh tài trợ thông qua Baku. Ông cho rằng nếu không kiểm soát chặt, đây có thể là yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn từ bên trong đối với an ninh Nga.

Theo truyền thông Nga, Moscow đang khẩn trương tính các phương án ứng phó tình huống xấu nhất xảy ra với Azerbaijan. Ảnh: Mail

Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây: Một thế bao vây đang hình thành

Diễn biến tại Azerbaijan không thể tách rời bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn. Theo các chuyên gia chính trị tại Moscow, phương Tây đã chuẩn bị cho một kịch bản đối đầu toàn diện với Nga từ năm 2008, khi Moscow và Tehran bị xem là những mục tiêu tiềm năng trong cuộc xung đột toàn cầu tương lai.

Azerbaijan được xác định là mắt xích quan trọng trong mạng lưới chiến lược đó. Không chỉ đóng vai trò công cụ chống lại Nga, Baku còn được coi là bàn đạp để gây áp lực lên Iran từ phía Tây Bắc. Song song đó, các phái đoàn phương Tây – đặc biệt từ Đức, Pháp, EU – đang tăng cường hiện diện và ảnh hưởng tại Armenia cũng như khu vực Trung Á.

Chuyên gia Vladimir Kireev nhận định đây là quá trình “chuẩn bị cho chiến tranh theo nghĩa chiến lược”, và việc Azerbaijan chuyển hướng là một trong những mắt xích then chốt. Trước năm 2022, nước này vẫn được xem là vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga hoặc chí ít là “sân sau” của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nay, Baku đã trở thành “tài sản chiến lược của phương Tây toàn cầu”.

Ông Kireev cảnh báo rằng sau Azerbaijan, các điểm nóng mới có thể xuất hiện tại Trung Á, vùng Caucasus hoặc thậm chí xa hơn. Nga vì vậy cần có chiến lược ứng phó dài hạn – củng cố liên minh với Trung Quốc, làm suy yếu liên kết phương Tây và thu hút các quốc gia còn trung lập như Indonesia.

Một yếu tố đặc biệt đáng chú ý là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù không trực tiếp đối đầu với Nga, Ankara được cho là đang sử dụng Azerbaijan như một công cụ trung gian để gây áp lực.

Các kênh truyền thông như Yeni Şafak thường xuyên đăng tải các bài viết về “sự đàn áp người Hồi giáo ở Nga”, đồng thời đưa ra các cáo buộc Moscow phân biệt đối xử với người nhập cư, đặc biệt là người Turkic và Hồi giáo.

Chuyên gia Yuri Lyubomirsky nhận định rằng hiện tại, chiến lược này mới dừng ở mức gây sức ép chính trị – kinh tế, chưa chuyển thành xung đột quân sự. Tuy nhiên, ông khuyến nghị rằng Nga cần phản ứng theo hướng tương ứng – tăng cường tự chủ kinh tế, củng cố vị thế khu vực và gọi tên đúng bản chất các mối đe dọa đang định hình.

(Theo 19RUS)

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan