
Cận cảnh khoảnh khắc bắt sống lính Triều Tiên
Hôm 11/1 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo quân đội nước này đã bắt sống hai quân nhân Triều Tiên tại vùng biên giới Kursk của Nga.
Theo tờ Kyiv Independent ngày 16/1, đó là một nhiệm vụ kéo dài một tháng với một mục tiêu chính – bắt sống một người lính Triều Tiên.
Nhiệm vụ cuối cùng đã hoàn thành vào đầu tháng này khi Lực lượng tác chiến đặc biệt Ukraine bắt giữ được một người lính Triều Tiên và Lực lượng lính dù Ukraine bắt giữ một người lính Triều Tiên khác.
Chính phủ Ukraine nói rằng Triều Tiên đã triển khai khoảng 12.000 binh sĩ tại Kursk để hỗ trợ lực lượng Nga chống lại quân đội Ukraine. Cả Nga và Triều Tiên đến nay chưa lên tiếng về thông tin này.
Borsuk và Bernard, hai trong số binh sĩ Ukraine tham gia nhiệm vụ tiết lộ với Kyiv Independent rằng họ đã theo dõi một khu vực cụ thể ở Kursk trong một thời gian dài, chờ đợi thời cơ hoàn hảo để hành động.
Những người lính Ukraine cho biết, mục tiêu hoạt động trong khu vực đang được giám sát hoàn toàn là lính Triều Tiên.
“Chúng tôi đã tiếp cận mục tiêu mà chúng tôi được cho là sẽ thực hiện. Chúng tôi đã quan sát và biết vị trí căn cứ của họ ở đó”, Bernard nói. “Chúng tôi bắt đầu di chuyển…”.
(Báo Ukraine đăng tải video bắt giữ lính Triều Tiên. Nguồn: Kyiv Independent)
Trong một cuộc đấu súng, các binh sĩ Triều Tiên bị thương vong và bắt đầu rút lui. Một người lính bị thương nặng và rớt lại phía sau.
“Các quân nhân của chúng tôi liên tục theo dõi anh ta để đảm bảo anh ta không di chuyển hoặc có bất kỳ hành động đột ngột nào”, Borsuk nói.
Sau khi tiếp cận người lính Triều Tiên, binh sĩ Ukraine đã nhanh chóng tước vũ khí của đối phương nhằm tránh hành động tự sát.
“Ngoài vũ khí, anh ta còn một quả lựu đạn bên mình và rất khó để lấy nó đi”, Borsuk nói, cuối cùng họ cũng tiếp cận được đối phương.
Người Ukraine nói lính Triều Tiên đáng gờm hơn lính Nga
Hai binh sĩ Triều Tiên bị bắt hiện đang bị giam giữ tại Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) ở Kiev.
Theo Kyiv Independent, một tù binh cho biết anh ta sinh năm 2005 và bắt đầu phục vụ với tư cách là lính bắn tỉa ở Triều Tiên vào năm 2021. Binh sĩ còn lại sinh năm 1999 và đã phục vụ trong quân đội Triều Tiên từ năm 2016 với tư cách là sĩ quan trinh sát bắn tỉa.
Cả Borsuk và Bernard đều cho rằng có sự khác biệt đáng chú ý giữa hiệu suất chiến đấu của các binh sĩ Triều Tiên và binh sĩ Nga.
“So với lính Nga, [binh lính Triều Tiên] được chuẩn bị tốt hơn nhiều về thể chất và tinh thần. Họ được huấn luyện có chủ đích cho nơi họ sẽ đến và những gì họ sẽ làm”, Borsuk nói.
“Rõ ràng là người Nga không ép buộc bản thân nhiều như vậy. Họ [lính Triều Tiên] có thể mang vác vật nặng, chạy đường dài và sống sót tốt hơn nhiều trong điều kiện khắc nghiệt”.
Bernard cho rằng, các binh sĩ Triều Tiên được chuẩn bị tốt hơn nhờ vào nhiều năm phục vụ trong quân đội. Tuy nhiên, khi nói đến “các cuộc diễn tập phức tạp hơn”, những người lính Triều Tiên gặp khó khăn trong việc thực thi một cách hiệu quả.
“Ở đây, họ không thể áp dụng mọi thứ họ được đào tạo vì cuộc chiến không giống như những gì họ được huấn luyện”, Bernard nói.
Theo Bernard, binh sĩ Triều Tiên dường như đang phải vật lộn để thích nghi với máy bay không người lái và trinh sát trên không – vốn đóng vai trò chủ đạo trên chiến trường hiện đại.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) trước đó báo cáo rằng, ít nhất 300 binh lính Triều Tiên đã thiệt mạng và 2.700 lính khác bị thương khi chiến đấu ở Kursk và nguyên nhân thương vong cao là do “sự thiếu hiểu biết về chiến tranh hiện đại”.
Tuy nhiên, theo Bernard, những người lính Triều Tiên dường như cũng có động lực và khả năng phục hồi tốt hơn lính Nga.
Đọc bài gốc tại đây.