Thái Lan – Campuchia đồng ý hội đàm
Theo hãng tin Bernama, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim xác nhận rằng cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo Campuchia và Thái Lan sẽ bắt đầu lúc 15h chiều nay ngày 28/7 giờ địa phương (tức 14h theo giờ Hà Nội). Ông Anwar cho biết: “Chính phủ Campuchia và Thái Lan đã yêu cầu tôi cố gắng tạo điều kiện cho hòa bình, vì vậy chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc đàm phán lúc 15h chiều.”
Về phía Campuchia, Thủ tướng Hun Manet khẳng định hôm nay ông sẽ đích thân dẫn đầu phái đoàn nước này tới Kuala Lumpur để tham dự cuộc họp cấp cao đặc biệt. Trong tuyên bố công khai phát đi hôm qua (27/7), ông Hun Manet bày tỏ kỳ vọng về một “lệnh ngừng bắn ngay lập tức” sẽ đạt được, trong bối cảnh các cuộc giao tranh dọc biên giới hai nước có dấu hiệu leo thang những ngày gần đây.
Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh: “Tôi muốn cảm ơn Thủ tướng Anwar Ibrahim vì sáng kiến và sự phối hợp của ông trong việc tổ chức cuộc họp đặc biệt này.” Ông cũng tiết lộ rằng cuộc họp được tổ chức bởi Malaysia, do Mỹ đồng chủ trì và có sự tham gia của Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh chưa lên tiếng về vấn đề này.

Một quân nhân Campuchia đứng trên bệ phóng tên lửa đa nòng BM-21 Grad, cách ngôi đền Ta Moan Thom đang tranh chấp khoảng 40km. Ảnh: Reuters
Từ phía Thái Lan, chính phủ cho biết quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai sẽ đại diện Bangkok tham dự cuộc họp. Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, ông Jirayu Houngsub, nhấn mạnh rằng Thái Lan sẵn sàng lắng nghe mọi đề xuất nhằm khôi phục hòa bình, nhưng “sẽ không đàm phán về việc sử dụng bản đồ nào trong các cuộc đàm phán ngừng bắn”.
Ông Jirayu khẳng định lập trường cứng rắn của chính phủ: “Chính phủ Thái Lan vẫn cam kết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, từng tấc đất một.”
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio xác nhận vào tối Chủ Nhật (27/7) rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có mặt tại Kuala Lumpur để hỗ trợ tiến trình đàm phán. Ông cho biết:
“Campuchia và Thái Lan dự kiến sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán cấp cao tại Malaysia với hy vọng đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Tôi và Tổng thống Donald Trump vẫn đang tiếp xúc với các đối tác tương ứng của mỗi quốc gia và đang theo dõi sát sao tình hình. Chúng tôi muốn cuộc xung đột này chấm dứt càng sớm càng tốt.”
Nguồn tin từ phía Campuchia cũng xác nhận rằng sáng kiến ngừng bắn ban đầu đến từ Tổng thống Donald Trump và đã nhận được sự đồng thuận của cả Phnom Penh và Bangkok.
Campuchia cáo buộc Thái Lan dùng khí độc
Dù chính phủ 2 nước đã xác nhận cuộc hội đàm vào chiều nay nhưng trên thực địa, tình hình căng thẳng vẫn tiếp diễn từ hai phía.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, Trung tướng Maly Socheata, các cuộc xâm nhập của Thái Lan vào Campuchia vẫn tiếp diễn trong ngày hôm nay, đồng thời bà cũng cáo buộc lực lượng Thái Lan sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công.
Phát biểu tại cuộc họp báo sáng nay, bà Socheata cho biết lực lượng Thái Lan đã mở cuộc tấn công vào Ta Moan Thom và Ta Krabei từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng nay.
“Trong nỗ lực giành quyền kiểm soát Wat Keo Kiri Svarak và tăng cường mặt trận ở các khu vực Chub Koki và Thmor Don, quân đội Thái Lan đã phát động các cuộc tấn công vào Chub Koki, Thmor Don, Veal Intry, Samaki, Ta Thav và An Ses, với cuộc tấn công dữ dội bắt đầu lúc 3:10 sáng và tiếp tục cho đến 5:07 sáng ngày 28/7”, bà cho biết.
Bà Socheata nói rằng, lực lượng Thái Lan kể từ hôm qua đã sử dụng máy bay phản lực để thực hiện các cuộc tấn công bằng khí độc vào các khu vực như An Ses và Phnom Kmoach.
Bà cũng lên án và bác bỏ cáo buộc mới từ quân đội Thái Lan, cho rằng lực lượng Campuchia đã bắn tên lửa tầm xa PHL-03 vào lãnh thổ Thái Lan.
Phía Thái Lan hiện chưa lên tiếng về phát ngôn của Campuchia.
(CNN, khmertimeskh, Bangkok Post)
Đọc bài gốc tại đây.