Tôi vẫn biết con mình là một đứa trẻ nhút nhát. Từ bé, con đã ít nói, sống nội tâm, không dễ bắt chuyện với người lạ, không thích đám đông. Nhưng tôi vẫn nghĩ, đến tuổi đi học, tiếp xúc nhiều thì rồi con sẽ cởi mở hơn, sẽ có bạn thân, sẽ có những câu chuyện học trò rộn ràng để kể khi về nhà.
Nhưng học hết cấp 1, rồi sang cấp 2, con vẫn chẳng kể gì nhiều về lớp, về bạn. Mỗi khi tôi hỏi, con chỉ lắc đầu hoặc nói: “Cũng bình thường mẹ ạ”. Tôi lo, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Cho đến một chiều, trong lúc chờ đón con ở cổng trường, tôi vô tình bắt chuyện với một phụ huynh có con học cùng lớp với con. Chúng tôi nói về bài kiểm tra, về cô giáo chủ nhiệm, rồi tôi nhắc đến tên con mình. Người phụ huynh đó nhíu mày, bảo không thấy con kể về bạn này đến bao giờ. Đúng lúc đó, thì con chị chạy ra cổng trường, nghe nhắc đến tên bạn, con bé ở ra một lúc rồi bảo:
“À… cái Trầm trầm tính ấy hả? Cháu bảo chẳng thấy bạn ấy nói gì bao giờ. Cô chờ một lúc, bạn ấy đang trực nhật”.
Tôi cười xã giao, nhưng trong lòng thì đau nhói.

Eric
Tối hôm đó, khi con đã ngủ, tôi lặng người nhớ lại một câu nói của Eric trong phim Sex Education – một bộ phim tuổi teen mà tôi từng xem. Eric từng nói với cậu bạn Adam (và cũng là người yêu cũ) rằng: “Thật khó để yêu một người không yêu chính bản thân mình”.
Câu nói ấy khiến tôi nghĩ rất lâu. Có lẽ đó cũng là lý do con tôi chưa thể kết nối với bạn bè – không phải vì các bạn không tốt, mà vì chính con cũng chưa thực sự cho phép mình bước ra ngoài vỏ bọc, chưa tin rằng mình xứng đáng được yêu thương, được chú ý, được lắng nghe.
Bài học tôi rút ra để dạy con
Tôi biết mình không thể thay đổi bản tính con chỉ bằng vài lời khuyên. Nhưng tôi tin, mọi sự thay đổi đều bắt đầu từ việc con học cách yêu quý chính mình.
Tôi không dạy con “phải năng nổ hơn” hay “phải nổi bật lên”. Tôi dạy con rằng: Con có quyền hiện diện một cách đầy đủ trong thế giới này, với tính cách thật sự của con – nhưng con cũng phải tin rằng, con xứng đáng để người khác biết đến và trân trọng.
Tôi bắt đầu từ những việc nhỏ: Khen con khi con chủ động chào người lớn, gợi ý con thử bắt chuyện với bạn bên cạnh thay vì ngồi im lặng. Cho con tham gia một lớp học ngoại khóa về vẽ – thứ con rất yêu thích – để con được là chính mình mà không bị gò bó trong môi trường học thuật căng thẳng.
Tôi dần dần nói với con rằng: “Con không cần phải là người sôi nổi nhất lớp. Nhưng con cần tin rằng con đáng được nhớ đến. Và điều đó bắt đầu từ việc con đừng tự thu nhỏ chính mình nữa”.
Làm mẹ, tôi nhận ra rằng: Tự tin không đến từ việc bắt con gan lì, hay giả vờ vui vẻ. Tự tin đến từ bên trong – khi con cảm thấy được chấp nhận, và dần chấp nhận chính mình.
Và tôi cũng học được rằng, muốn con mình được yêu thương, thì trước hết phải giúp con biết yêu thương chính bản thân con. Vì đúng như Eric nói, thật khó để yêu một người khi họ chưa biết yêu lấy chính mình.
Thanh Hương
Đọc bài gốc tại đây.