Tôi là kiểu nhân viên bình thường đến mức mờ nhạt, làm marketing cho một công ty vừa và ổn định. Ngày ngày báo cáo, nhận feedback, chạy deadline sát giờ, đúng nghĩa một quân cờ nhỏ giữa bộ máy.
Sếp tôi – anh T. là kiểu người điển hình của chữ “lạnh”. Gặp mặt, gật đầu, giao việc, ngắn gọn. Chẳng bao giờ nhắn tin sau giờ hành chính, cũng không bao giờ hỏi han ai chuyện cá nhân. Người như thế, với tôi, là kiểu không-thể-gần và tôi cũng chả có nhu cầu gần.
Hôm đó, tôi thức khuya để hoàn thiện slide cho cuộc họp chiến lược quý sau. Xong xuôi lúc gần 1h sáng, tôi định nhắn cho đồng nghiệp: “Lão T. mà chê nữa thì chắc tao bay đầu mất”.
Nhưng trong cơn lơ mơ vì buồn ngủ, tôi bấm nhầm. Vì hình đại diện và tên tài khoản của 2 người đó khá giống nhau. Tin nhắn ấy… gửi thẳng cho anh T.
Chưa đầy một phút sau, chấm xanh của anh hiện lên rồi biến mất.
Sáng hôm sau, tôi lên công ty mà tim đập như đánh trống. Đến trưa thì nhận email: “Mời bạn lên phòng Giám đốc Nhân sự”.
Tôi bị cho thôi việc vì lý do “thiếu chuyên nghiệp, không phù hợp văn hóa doanh nghiệp”.

Ảnh minh họa
Tôi không van xin, cũng không phân bua. Tôi sai thật nhưng có cái gì đó nghèn nghẹn ở cổ. Bao nhiêu cố gắng mấy năm trời bị đạp đổ bởi một tin nhắn ngu xuẩn. Tôi lại không phải kiểu người biết nịnh nọt xin xỏ.
Tôi về, bắt đầu lại với một công việc part-time ở một agency nhỏ. Lương thấp hơn, áp lực hơn nhưng ít ra, tôi thấy… nhẹ nhõm, không còn cảm giác bị bóp nghẹt bởi sự lạnh lùng nữa.
Gần 6 tháng sau, tôi nhận được cuộc gọi từ một số lạ.
Giọng bên kia nói: “Chào em, nhớ ‘lão’ T. này không?”.
Tôi sững người. Anh hẹn gặp tôi ở một quán cà phê. Vẫn ánh mắt ấy nhưng lần này, anh chủ động kể nhiều hơn.
Hóa ra, sau khi tôi nghỉ, công ty trải qua một giai đoạn khủng hoảng truyền thông. Người thay tôi xử lý không hiệu quả và anh bắt đầu nhìn lại từng dự án cũ.
Anh bảo: “Anh đọc lại các báo cáo em từng làm. Và anh nhận ra… anh chưa từng nhìn em đúng”.
Rồi anh đưa ra một lời đề nghị bất ngờ: Về làm cùng anh trong một dự án mới, startup do chính anh sáng lập sau khi nghỉ ở công ty cũ.
Lần này, không còn là sếp – nhân viên. Anh hỏi tôi muốn vị trí gì, môi trường ra sao, thời gian làm việc như thế nào. Và anh kết thúc bằng một câu:
“Nhìn anh cũng đẹp trai phong độ mà sao lại bị gọi là lão nhỉ. Việc gì ra việc ấy, còn tin nhắn đó vẫn ghim nha”.
Tôi thẹn thùng xin lỗi và đương nhiên người mê công việc như anh ta không bỏ lỡ dịp quan trọng này. Nghĩ về mức lương mới, tôi xích lại gần “lão” hơn, T. cũng chủ động không giữ khoảng cách với tôi, chúng tôi thảo luận luôn 1 vài ý tưởng tại quán cafe. Lúc đứng dậy tự nhiên anh ta buông 1 câu: “May quá, suýt nữa anh đã để mất 1 người hiểu anh đến vậy”.
Tôi không rõ đó là lời đùa, hay một ám hiệu gì sâu xa hơn. Nhưng trong lòng tôi, một điều chắc chắn: Cuộc sống đúng là có lúc đạp mình ngã để mở ra một lối khác sáng hơn, thật hơn. Còn sai thì vẫn phải sửa thôi, bởi đôi khi may mắn không thể đến nhiều lần.
Đọc bài gốc tại đây.