Trang chủ Nhịp sống mới Con 5 tuổi lén lút vào nhà vệ sinh xem điện thoại, mẹ bắt được đem lên mạng hỏi thì bị trách ngược: “Chị làm mẹ thế là không ổn”

Con 5 tuổi lén lút vào nhà vệ sinh xem điện thoại, mẹ bắt được đem lên mạng hỏi thì bị trách ngược: “Chị làm mẹ thế là không ổn”

bởi Admin
0 Lượt xem

Thời đại này, trẻ con không còn “ngây thơ” trước màn hình như nhiều người lớn vẫn tưởng. Chúng biết chọn video, biết xu hướng nào đang hot, thậm chí còn tạo ra một “vũ trụ giải trí riêng” mà người lớn có cố gắng cách mấy cũng chẳng hiểu nổi. Câu chuyện của một bà mẹ có tên Liêu An (40 tuổi, ở Tân Cương, Trung Quốc) đăng tải lên nền tảng Xiaohongshu gần đây là một ví dụ.

Chị Liêu An cho biết các bé đều mê xem một xu hướng đang hot trên MXH. Ảnh minh họa.

Chị Liêu An làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu, 37 tuổi mới kết hôn và sinh đôi 1 bé trai, 1 bé gái. Năm nay cả hai bé đều lên 5 tuổi. Hai vợ chồng bình thường đi làm nên hai bé được ông bà nội chăm sóc. Tuần vừa qua ông bà có việc phải về quê một tuần nên chị và chồng thay phiên nhau ở nhà giữ con, hai bé đang trong thời gian nghỉ hè.

“Thế nhưng, tôi thấy lạ lắm. Tôi quản rất chặt chuyện xem điện thoại, nếu có thì cũng chỉ là những chương trình hoạt hình nổi tiếng và xem vài chục phút thôi. Ấy thế mà mấy hôm nay tôi thấy hai đứa cứ trốn trong nhà vệ sinh rồi khúc khích cười, nói gì đó ‘tung tung tung’ lạ lắm. Thấy tôi vừa lại gần là hai đứa tắt vội ngay hoặc nói là xem hoạt hình mà mẹ.

Cho đến hôm nay tình rình và bắt được hai đứa nó đang xem thứ gì đó trên Douyin (tương tự TikTok ở Việt Nam) mà nó lạ lắm. Trên màn hình là hình ảnh một sinh vật kỳ quặc, phát ra âm thanh nghe khá kinh dị. Con cá mập gì mà có 3 chân, đi giày, khúc gỗ có hai mắt to nhìn phát sợ. Điều quan trọng là con tôi nó thuộc hết tên các con đấy. Chỉ con cá mập thì lại nói một thứ tiếng khác.

Tôi không biết cái này là gì, xem mà không hiểu. Con các mẹ có xem như con tôi không. Có ai giải thích cho tôi với được không, chứ tôi là ‘bó tay’ rồi đó”, chị Liêu An chia sẻ.

Bà mẹ 2 con đăng tải kèm ảnh chụp màn hình thứ mà chị gọi là “phim hoạt hình gì gì đó” mà hai con đang xem, để nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ.

Không ngờ, chỉ trong vài giờ, bài đăng thu hút lượng tương tác cao. Điều bất ngờ hơn là những phản ứng trái chiều bên dưới phần bình luận.

Một số phụ huynh cho biết cũng đang rơi vào tình huống tương tự: Con nhỏ bỗng nhiên “nói tiếng lạ”, nhảy múa những điệu không rõ nguồn gốc, mê mẩn những nhân vật mà nhiều người lớn lần đầu tiên nhìn thấy.

Một số phụ huynh khác cũng cho biết họ đang rơi vào hoàn cảnh tương tự, các con mê xem Brainrot. Ảnh minh họa.

Đặc biệt là các em bé dưới 6 tuổi, có những đứa trẻ chưa rõ mặt chữ, không đọc được chữ trên màn hình điện thoại nhưng đều thuộc lòng tên các nhân vật trong Vũ trụ Brainrot này.

“Đó là brainrot đó chị. Giờ tụi nhỏ coi hoài luôn, không hiểu sao lại mê đến vậy”, “Trời ơi, nhà em cũng y chang. Con em 4 tuổi mà mở miệng ra là hát ‘Tung tung sahur’, tưởng bịa ai ngờ là trend thật”, “Tụi nhỏ mê lắm mà nó vô nghĩa cực kỳ, không biết có hại gì không”, “Thấy ghi nhớ nhanh hơn thôi, cũng hơi sợ đó”, … là những bình luận của netizen.

Một số khác lại phản ứng cực đoan, cho rằng Brianrot làm ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ và tư duy của trẻ về thế giới xung quanh, họ quyết định “cấm” dù có thể chưa hiểu rõ đó là gì.

Tuy nhiên, cũng có 1 luồng ý kiến trách ngược bà mẹ trong câu chuyện, cho rằng Vũ trụ Thối Não – Brainrot đã nổi tiếng rầm rộ một thời gian khá dài, con lấy điện thoại xem gì cũng không hề hay biết, đến hôm nay đăng lên mạng hỏi ngơ ngác thế này thì khoan bàn chuyện thứ con xem có hại hay không mà hay xem lại: Mẹ đã đủ quan tâm đến con chưa? Quản chặt việc con xem điện thoại chỉ là một trong những cách để kiểm soát con chứ chắc gì đã là cách để giúp con tiếp nhận được những điều đúng, điều hay, điều mới từ bên ngoài? Sao không tìm hiểu rồi đồng hành cùng con sớm hơn?… “Chị làm mẹ thế là không ổn rồi” – một netizen trong nhóm ý kiến này phán!

Theo truyền thông nước ngoài, brainrot không hẳn là nội dung “độc hại” nhưng lại có thể tạo ra những hệ quả không mong muốn nếu trẻ tiếp xúc quá thường xuyên. Một mối nguy hiểm khác nằm ở những sản phẩm ăn theo brainrot, với các mặt hàng như đồ chơi, balo, thú nhồi bông… lấy cảm hứng từ các nhân vật brainrot đang được rao bán tràn lan. Một số được sản xuất ở các xưởng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác,…

“Tất nhiên, không phải cha mẹ nào cũng đủ thời gian và công cụ để theo kịp mọi xu hướng mà con mình đang tiếp cận mỗi ngày. Nhưng thay vì cấm đoán tuyệt đối hoặc mặc kệ cho con đắm chìm, việc dành thời gian ngồi cùng con, xem thử con đang xem gì, chơi gì, và vì sao lại yêu thích những nội dung đó.

Đây có thể là bước khởi đầu quan trọng để xây dựng một môi trường giải trí an toàn, hợp lý hơn cho con trẻ”, bài viết “Trẻ con ngày nay xem gì” đăng tải trên Sohu bình luận về những xu hướng mới trên Internet ngày nay tiếp cận tới giới trẻ, trẻ nhỏ.

Nguồn: Xiaohongshu.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan