Liên quan đến vụ việc nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị tố thờ ơ, không cấp cứu cho cháu M.T.A. (4 tuổi, ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) do không đóng đủ tiền tạm ứng, hôm nay (5/5), Sở Y tế tỉnh Nam Định đã có báo cáo gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế và UBND tỉnh Nam Định về sự việc nói trên.
Theo báo cáo, kết quả xác minh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, lúc 16h03 ngày 3/5, bệnh viện tiếp nhận người bệnh M.T.A. (4 tuổi), bị tai nạn giao thông (được 2 người khác đưa vào), trong tình trạng: Tỉnh táo, quấy khóc, mạch: 140 lần/phút, nhịp thở: 20 lần/phút, da niêm mạc hồng, không có vết thương chảy máu, xây xát vùng hạ vị lệch trái, xước xát khủyu tay phải.
Người bệnh đã được khám ở phòng khám Cấp cứu Chấn thương chỉnh hình và phòng khám Cấp cứu Ngoại tổng hợp, được nhận định chẩn đoán ban đầu: Đa chấn thương: Chấn thương ngực, bụng kín do tai nạn giao thông.
Cháu A. được chỉ định các xét nghiệm: CT-Scanner ổ bụng, CT-Scanner lồng ngực, chụp X quang ngực thẳng, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu.

Cháu A. được đưa vào viện cấp cứu sau khi gặp tai nạn trước cửa nhà.
Sau khi thực hiện cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán xác định: Đa chấn thương: Chấn thương ngực kín, chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông; người bệnh được tiếp tục xử trí cấp cứu, hồi sức, truyền dịch, giảm đau. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương lúc 17h45 phút cùng ngày.
Ban đầu, người bệnh vào khám chưa có giấy tờ gì. Người bệnh đã được khám ngay (mặc dù chưa đăng ký khám và nộp tiền) và chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng.
Sau đó, nhân viên bệnh viện hướng dẫn người đưa vào đăng ký các thủ tục hành chính. Quá trình khám, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng và điều trị, người đưa người bệnh đến có đóng tạm ứng 500.000 đồng.
Nhân viên bệnh viện đã thực hiện các thủ tục hành chính trên Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện để người bệnh không phải nộp tiền tạm ứng thêm. Các nhân viên y tế trao đổi với nhau để thực hiện các thủ tục hành chính cho người bệnh.
Báo cáo khẳng định, quá trình trao đổi giữa nhân viên y tế như sau: “Nhân viên y tế 1: nhập nội trú do không đóng tiền hay làm sao? Nhân viên y tế 2: đã nộp 500 rồi. Nhân viên y tế 1: 500 làm sao mà được“.
Quá trình trao đổi giữa hai nhân viên y tế, người đưa người bệnh đến (người quay video) đứng ở gần nhóm nhân viên y tế.
Đến khoảng 17h, bố mẹ bé A. đến, ê-kíp bác sĩ trực cấp cứu đã tiến hành trao đổi tình trạng bệnh của người bệnh cho gia đình, gia đình nhất trí với phương án xử trí của bệnh viện, chuyển lên tuyến trên, theo báo cáo của Sở Y tế Nam Định.
“Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định đã nhận trách nhiệm để xảy ra vụ việc trên. Bước đầu, bệnh viện đã đình chỉ một số nhân viên y tế để xác minh làm rõ vụ việc. Tổ xác minh đang tiếp tục xác minh, làm việc với một số cá nhân có liên quan để làm rõ vụ việc; tiếp tục rà soát quy trình tiếp nhận xử lý cấp cứu người bệnh M.T.A. nói riêng và quy trình cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nói chung. Cạnh đó, tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ giao tiếp, y đức của nhân viên y tế. Những vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định“, nội dung báo cáo nêu.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã nhận trách nhiệm về vụ việc và đình chỉ nhân viên.
Gia đình được nhìn con qua phòng kính
Về tình hình sức khỏe của cháu A., sáng 5/5, trao đổi với VietNamNet, TS. Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nạn nhân hiện đã tỉnh táo, không còn phải thở máy. Tình trạng của bé A. ổn hơn, qua theo dõi 24 giờ sau ca mổ cấp cứu, không có tình trạng chảy máu thêm.
TS. Tùng thông tin thêm, về những vấn đề nặng nề khiến bác sĩ lo lắng sau ca mổ, em bé đã vượt qua được, tiên lượng sức khỏe ổn. Hiện bé A. đang được điều trị tại Khu Hồi sức ngoại, được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện. Sáng 5/5, gia đình đã được nhìn bé qua phòng kính, thông tin về sức khỏe bệnh nhi liên tục được cập nhật cho người thân. Các y bác sĩ cũng tiếp tục theo dõi sát, đánh giá khả năng thời điểm trẻ có thể về phòng bệnh thường, được gặp gia đình.
Trước đó, bé A. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé có tổn thương thận, chấn thương bụng, phải phẫu thuật cấp cứu tạo hình cơ hoành bị rách, thận được bảo tồn. Bệnh nhi không bị gãy xương, không chấn thương sọ não.
Đọc bài gốc tại đây.