Tôi tên Luân, nhà ở một vùng quê nghèo. Tôi với vợ lấy nhau đã gần 10 năm, có một con trai năm nay lên 8 tuổi. Từ ngày vợ tôi – Hường – lên thành phố làm giúp việc, nhà cửa chỉ còn lại hai bố con rau cháo qua ngày.
Ban đầu cũng ổn. Cứ cuối tháng là Hường bắt xe về quê, mang theo ít tiền, vài hộp sữa, khi thì bộ đồ cũ người ta cho, khi thì túi bánh cho thằng bé. Tôi thì bám lấy ruộng đồng, kiếm thêm nghề phụ như phụ hồ, ai thuê gì làm nấy.
Nhưng dạo gần đây, Hường thay đổi hẳn. Hai, ba tháng liền không thấy mặt. Gọi điện thì lúc bận, lúc đang làm, khi lại “em đang giặt đồ”, “em đang nấu cơm cho bà cụ”. Nói qua loa, cúp máy nhanh như sợ tôi hỏi thêm. Có khi gọi cả chục cuộc chẳng thèm nghe. Tôi bắt đầu sinh nghi.
Tôi hỏi: “Em có giấu anh chuyện gì không?”. Vợ giận dỗi: “Anh đừng đa nghi, em bận lắm đấy”.
Tôi im, nhưng trong đầu thì lộn nhào đủ thứ. Một buổi trưa, sau khi đưa con đi học rồi nhờ chị gái chiều đi đón cháu hộ, tôi dắt xe máy, lấy địa chỉ cũ mà Hường từng gửi qua Zalo, nhét vào túi áo rồi phi thẳng lên Hà Nội.
Địa chỉ là một khu tập thể cũ, nhưng hỏi thăm thì người dân bảo họ dọn đi lâu rồi. Tôi đi lòng vòng cả buổi chiều, tìm đến cái số điện thoại ghi trong hồ sơ xin việc trước kia của Hường. Gọi thì tắt máy. Mãi tới khi trời chạng vạng, tôi lần được đến quán bia ở một con phố lớn – nơi có người bảo thấy vợ tôi làm ở đó.
Tôi đứng từ ngoài nhìn vào.
Bên trong nhạc xập xình. Khách toàn đàn ông, bia bọt ngổn ngang. Nhân viên nữ thì mặc váy ngắn cũn cỡn, áo ôm sát, mặt trát phấn đậm như đi diễn tuồng.

Ảnh minh họa
Rồi tôi thấy Hường.
Cô ấy bê khay bia, cười cợt, vỗ vai khách như quen thân lắm. Một thanh niên còn choàng tay ôm eo cô ấy, mà Hường chỉ cười, không hề phản kháng. Tim tôi như bị ai bóp nghẹt. Tôi lao vào, mặc cho bảo vệ ngăn lại, gào lên: “Hường, về nhà ngay, cô làm cái gì ở đây thế này?”.
Cô ấy giật mình, rồi gượng gạo kéo tôi ra ngoài, trách tôi điên rồ khi tìm đến tận đây.
“Tôi tưởng cô đi giúp việc? Sao giờ thành ra thế này?”, tôi chất vấn.
Hường quay mặt đi, thở hắt: “Giúp việc lương ba cọc ba đồng, người ta coi khinh. Ở đây ít nhất em còn có tiền. Một tháng em gửi được về mấy triệu, anh không thấy à?”.
“Nhưng cô sống kiểu này thì còn gì là mặt mũi? Cô làm mẹ, làm vợ kiểu gì?”, tôi lắc đầu, bất lực, suy nghĩ một lúc rồi bảo vợ: “Thôi em về với anh, bỏ việc ở đây đi, về quê làm ruộng cùng anh”.
Thế nhưng Hường gằn giọng bảo: “Em thà bỏ chồng chứ không bỏ việc! Ở quê nghèo rớt mồng tơi, về rồi ăn gì mà sống? Em cũng chán cái cảnh đầu tắt mặt tối, suốt ngày nhặt từng đồng bạc lẻ. Anh về đi, để em yên”.
Tôi đứng chết trân. Cô vợ mà tôi cưới mười năm trước đâu rồi? Người phụ nữ lam lũ, sớm tối vì con vì chồng đâu rồi?
Tôi lặng lẽ quay đi, lòng nặng trĩu. Tôi không biết sẽ nói sao với con trai. Nó vẫn hay hỏi “bao giờ mẹ về”. Còn tôi, chỉ biết ngồi thừ ra mà nghĩ: Liệu có phải mình đã để mất vợ vì nghèo rồi không?
Đọc bài gốc tại đây.