Cuối tháng, người yêu nhắn tôi: “Chiều nay tan làm anh qua đón em nhé. Em thèm trà sữa”. Tôi tắt tin nhắn, mở ứng dụng ngân hàng thì chỉ còn đúng 17.000 đồng. Tôi gắng nhớ xem tài khoản ở ngân hàng khác còn bao nhiêu. Con số cũng không đáng kể. Một cốc trà sữa 50.000 đồng, thêm topping thì thành 65.000 đồng. Một khoản tiền nhỏ nhưng lại là quá sức với tôi lúc này.
Tôi 27 tuổi, lương tháng 12 triệu đồng, yêu bạn gái bằng tuổi từ khi cả hai còn là sinh viên năm cuối. Suốt 5 năm đi làm, lương tôi trung bình mỗi năm chỉ tăng 1 triệu đồng. Mức tăng lương chậm chạp khiến tôi chưa dám nghĩ đến hôn nhân dù nhiều lần người yêu thúc giục.
Mỗi tháng, sau khi đóng tiền thuê nhà và các khoản sinh hoạt phí cố định, tôi chỉ còn dư ra khoảng 4 triệu đồng. Khoản toàn này chỉ đủ cho việc hẹn hò, tiêu vặt chứ không thể nào tiết kiệm để dành cho các việc lớn lao hơn. Sự thật phũ phàng là nếu lập gia đình bây giờ, tôi sẽ không đủ tiền làm đám cưới chứ chưa nói đến chuyện nuôi nổi vợ con.
Những người trẻ chọn trì hoãn kết hôn giống như tôi ở xung quanh rất nhiều. Lắm anh hơn 30 tuổi, công việc ổn định, thu nhập gấp đôi của tôi nhưng vẫn không dám cưới vì tài chính chưa đủ để làm người đàn ông của gia đình. Nhu cầu chi tiêu của giới trẻ hiện nay cao hơn hẳn so với thế hệ trước nên dễ lâm vào cảnh lương ít, tiêu nhiều.
Khi tôi hỏi người anh họ 35 tuổi độc thân rằng bao giờ tính chuyện lấy vợ, anh nói thẳng: “Lương chỉ đủ lo cho bản thân, lấy vợ rồi sống kiểu gì?” . Tôi và anh đều không phải kiểu người vô trách nhiệm, chỉ chơi bời mà không muốn lập gia đình. Chúng tôi chưa thể làm chồng vì kết hôn không chỉ là chuyện của tình cảm, mà là bài toán tài chính cùng tiền cưới, tiền nhà, tiền sinh con, nuôi con ăn học.
Khi nói đến việc dành dụm 100 triệu đồng để cưới vợ, tôi cảm thấy con số quá lớn, phải sống rất tiết kiệm trong suốt 3 năm mới dành dụm được; nghe đã thấy mệt mỏi vì cưới xong lại tiếp tục tay trắng.

Cuối tháng, tôi còn không đủ tiền mua sữa cho người yêu, chứ chưa nói đến chuyện lớn lao hơn như làm đám cưới. (Ảnh minh họa: StoreHub)
Lớp trẻ chúng tôi hay bị chê là lười, nhưng thật ra tôi từng cố gắng thức khuya nhận thêm công việc ngoài giờ, và chuyện không hề đơn giản như người ta vẫn nghĩ. Khách hàng không đều đặn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế không ổn định. Chưa kể việc “cày đêm” gây hại sức khỏe còn lớn hơn lợi ích mang lại.
Tôi từng có thời gian đi làm về, ăn bữa tối và tắm gội xong là ngồi máy làm việc đến 1 giờ sáng. Chỉ sau 2 tháng liên tục như vậy, tôi tụt 5kg, sức khỏe đi xuống rõ rệt và suýt bị sa thải vì chểnh mảng công việc chính. Sau khi mua thuốc men, bồi bổ, số tiền kiếm thêm còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Cuối cùng, tôi chọn toàn tâm toàn ý với công việc toàn thời gian để có thể cân bằng giữa sức khỏe và sự nghiệp.
Tăng thu đã khó, giảm chi càng khó hơn nhiều. Các chi phí cố định thì không thể đổi. Bên cạnh đó, con người thời hiện đại không thể lao động như cái máy. Tôi cũng phải chi cho tình phí, xã giao với bạn bè đồng nghiệp, và phục vụ các nhu cầu của bản thân để giảm stress.
Vậy nên, cánh cửa sáng nhất với tôi vẫn là liên tục tìm kiếm cơ hội nhảy việc để tăng mức lương, bên cạnh việc học thêm các kỹ năng khác để nâng cấp bản thân. Có điều, việc thay đổi lớn về mức lương không thể đến nhanh mà còn tùy thuộc rất nhiều vào cơ hội trên thị trường lao động.
Bạn gái tôi không như người yêu của tác giả bài ” Tôi cầu hôn, bạn gái nói lương dưới 30 triệu đừng mơ cưới vợ “; cô ấy sẵn sàng đồng cam cộng khổ với tôi để cùng xây tổ ấm. Tôi cũng biết thời thanh xuân của phụ nữ rất quý giá và ngắn ngủi, nhưng cưới ngay lúc này là không thực tế và tôi cảm thấy làm vậy là vô trách nhiệm với cả cô ấy.
Tôi đang cố gắng để có khả năng tài chính đủ lấy vợ, sinh con. Tôi đặt mục tiêu đạt mức lương 40 triệu đồng/tháng ở tuổi 30 để cầu hôn bạn gái và làm đám cưới, một thử thách rất lớn vì chỉ còn 3 năm – quãng thời gian không dài.
Đọc bài gốc tại đây.