Từ ngày 1-7, học sinh, sinh viên trên cả nước sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT), thay vì 30% như trước đây. Theo Nghị định 188/2025 vừa được Chính phủ ban hành, mức đóng BHYT mỗi tháng cho học sinh, sinh viên hiện chỉ còn tối đa 52.650 đồng. Với chu kỳ đóng 12 tháng, phụ huynh có thể tiết kiệm khoảng 253.000 đồng cho mỗi con.
Đây là một thông tin tích cực trong bối cảnh đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, và là động thái thể hiện sự quan tâm thiết thực của Nhà nước đến thế hệ trẻ.

Bảo hiểm y tế học sinh: Tin vui giữa áp lực cơm áo
Trong vai trò một phụ huynh, tôi không khỏi thở phào khi đọc tin này. Vì có con đang học phổ thông, tôi hiểu rõ cảm giác xoay sở mỗi đầu năm học. Chưa nói đến học phí hay tiền sách vở, chỉ riêng phần BHYT, tưởng nhỏ nhưng lại không hề nhẹ với nhiều gia đình đã khiến không ít người phải đắn đo. Với mức hỗ trợ mới, gánh nặng ấy được san sẻ đáng kể. Mức giảm hơn 250.000 đồng mỗi em có thể không lớn với một số người, nhưng với các gia đình lao động, nhất là khi có hai, ba con đi học, thì đó là một khoản rất đáng trân trọng.
Một điều đáng lưu ý là mức hỗ trợ 100% được duy trì cho người thuộc hộ cận nghèo sống tại các xã nghèo, và 70% cho người dân tộc thiểu số tại những xã vừa được “rút khỏi” vùng khó. Sự tiếp nối hỗ trợ trong 36 tháng là cách giúp người dân thích nghi dần, tránh bị hụt hẫng ngay khi địa phương được xếp hạng “không còn khó khăn”. Chính sự mềm dẻo ấy tạo nên tính nhân văn trong chính sách.
Với riêng BHYT học sinh, ngoài việc giảm gánh nặng kinh tế, đây còn là bước thúc đẩy tỷ lệ tham gia bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho các em. Trong thực tế, không hiếm trường hợp học sinh bị tai nạn, bệnh tật bất ngờ, và việc có thẻ BHYT giúp gia đình tránh khỏi những khoản viện phí khổng lồ. BHYT học sinh, dù chỉ vài chục ngàn mỗi tháng, lại là chiếc “phao” quan trọng trong những lúc không ai ngờ tới.

Ảnh minh hoạ
Tôi tin rằng việc tăng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% lần này sẽ là cú hích giúp BHYT học sinh đạt tỷ lệ bao phủ cao hơn nữa. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường và ngành giáo dục cũng cần tiếp tục làm tốt vai trò hướng dẫn, giải thích rõ quyền lợi, nghĩa vụ của BHYT, để phụ huynh không chỉ “đóng vì bị bắt buộc” mà thực sự hiểu vì sao nên đóng.
Trước đó không lâu, thông tin HĐND TP Hà Nội thông qua chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 768.000 học sinh tiểu học cũng khiến nhiều phụ huynh cảm thấy được chia sẻ gánh nặng. Cùng một thời điểm, hai chính sách thiết thực liên tiếp được triển khai, không chỉ giảm áp lực tài chính lên các gia đình mà còn cho thấy sự ưu tiên rõ rệt dành cho giáo dục và chăm sóc trẻ em.
Là một phụ huynh, tôi tin rằng đây không chỉ là những con số ngân sách, mà là tín hiệu cho thấy chúng ta đang bước những bước cụ thể trong việc đầu tư cho thế hệ tương lai. Trẻ em được ăn ngon, chăm sóc y tế tốt và đến trường không còn là gánh nặng, mà là quyền được bảo đảm. Từ học phí tới suất ăn, giờ đây phụ huynh được giảm bớt gánh nặng khi có con đi học.
Chúng ta vẫn thường nói “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, nhưng để câu nói ấy không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành hiện thực, cần những chính sách cụ thể như thế này. Khi bữa ăn được đảm bảo, khi chi phí y tế được san sẻ, trẻ em mới có thể học tập trong sự an tâm, phát triển trong sự chăm sóc đầy đủ.
Những hỗ trợ ấy không chỉ giúp phụ huynh nhẹ gánh kinh tế, mà còn thể hiện sự đầu tư đúng chỗ, đúng lúc của Nhà nước vào thế hệ tương lai. Mong rằng đây sẽ là khởi đầu cho nhiều chính sách thiết thực khác, đặt trẻ em vào vị trí trung tâm trong mọi hoạch định phát triển bền vững. Bởi đầu tư cho trẻ em hôm nay chính là đặt nền móng cho một xã hội văn minh và nhân ái trong tương lai.
Hiểu Đan
Đọc bài gốc tại đây.