Trang chủ Nhịp sống mớiChuyện cuộc sống Tiểu thương ở chợ Phùng Khoang bức xúc vì bị ‘vạ lây’ vụ thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Tiểu thương ở chợ Phùng Khoang bức xúc vì bị ‘vạ lây’ vụ thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi

bởi Admin
0 Lượt xem

Chợ Phùng Khoang.

Vừa qua, Công an TP Hà Nội bắt giữ 4 đối tượng liên quan đến đường dây giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi . Đáng chú ý, theo thông tin cơ quan công an cung cấp, cơ quan chức năng thu giữ tại 4 kiot ở chợ Phùng Khoang 977kg thịt lợn không có giấy tờ kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trị giá hơn 97 triệu đồng. Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Ghi nhận của phóng viên tại chợ Phùng Khoang, nhiều tiểu thương buôn bán ở đây xôn xao về vụ việc kể trên. Các tiểu thương chỉ tận nơi những đối tượng bán thịt lợn bệnh nằm ở phía ngoài cổng sau chợ. Họ phản ánh việc buôn bán hàng không rõ nguồn gốc phía sau chợ diễn ra thời gian dài nhưng chưa được xử lý quyết liệt.

cảnh nhếch nhác tại khu vực tự phát bên ngoài cổng sau chợ Phùng Khoang.

Một tiểu thương buôn bán gần đó xin được giấu tên cho biết, cứ khoảng 21 – 22 giờ hằng ngày, hoặc 1-2 giờ sáng là thời điểm giao thoa chợ đêm, xe tải lại lén lút tập kết thịt, mỡ, nội tạng lợn nghi nhiễm bệnh từ nhiều nơi về đây.

“Họ vứt từng tảng thịt xuống đất, giẫm cả chân lên. Mùi hôi nồng nặc. Cả chợ này không ai dám ăn thịt ở đó” – tiểu thương này nói.

Dù cảnh tượng nhếch nhác và mất vệ sinh diễn ra ngay sau chợ, nhưng lại ít người để ý hoặc can thiệp vì sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh và gia đình.

“Nhiều nhà hàng vẫn âm thầm đến lấy hàng vì giá quá rẻ, còn người dân ở đây chẳng ai dám ăn thịt lợn đó đâu” – một tiểu thương ở chợ thông tin.

Cô X., người bán thịt hơn 30 năm tại chợ Phùng Khoang bức xúc: “Đáng lẽ ra cơ quan chức năng phải xử lý các đối tượng này từ lâu rồi. Thịt ở chợ tôi bán giá 150 nghìn đồng/kg, còn ngoài kia chỉ 40 – 50 nghìn đồng thì sao bảo đảm được? Thịt tôi bán, nhà mình còn ăn thì không thể bán thịt lợn bệnh cho người khác được”.

Kiot tự phát bán thực phẩm ngay bên ngoài cổng sau chợ Phùng Khoang.

Còn cô T. – một người bán hàng gần khu vực đó nói: “Sườn ngon ở đây bán 130 nghìn đồng/kg, nhưng hàng ngoài kia chỉ 50 nghìn đồng 1 kg, đen xì, ô tô chở về từng xe. “Có cho chúng tôi cũng không dám ăn” – cô T. nói.

Không ít người tiêu dùng dù thu nhập không cao nhưng vẫn nói “không” với thực phẩm không rõ nguồn gốc. Chị Th., một công nhân cho biết: “Tôi ăn quen thịt ở trong chợ rồi. Về muộn vẫn phải cố tìm hàng tươi. Thịt bệnh giá rẻ nhưng nấu lên mùi hôi không ăn nổi, lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Ông Bạch Đình Nam – Phó Ban quản lý chợ Phùng Khoang cho biết, đây là khu vực tự phát, không thuộc quản lý của chợ.

Ông Bạch Đình Nam – Phó Ban quản lý chợ Phùng Khoang thông tin, ngày 1/7, đoàn liên ngành kiểm tra nhưng tất cả các hộ kinh doanh đều xuất trình được giấy tờ liên quan và không vi phạm.

Theo ông Nam, khu vực cơ quan chức năng thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc không thuộc chợ Phùng Khoang. Đây là khu vực tự phát của các hộ kinh doanh bán hàng – gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tiểu thương trong chợ.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tới các tiểu thương trong chợ buôn bán phải có nguồn gốc. Kể cả việc mua con lợn của người dân thì cũng phải biết họ là ai, ở đâu…” – ông Nam nói.

Hàng năm Ban quản lý chợ Phùng Khoang cho các hộ kinh doanh ký cam kết. Đối với các hộ kinh doanh thực phẩm không bảo đảm, chúng tôi cương quyết không cho bán hàng trong chợ.

Ông Nam cho biết thêm, trước đó có nhiều lần họp và trao đổi với chính quyền địa phương nhưng chưa được xử lý dứt điểm khu vực tự phát trên. “Thời gian tới đơn vị sẽ báo cáo cấp trên phối hợp với cơ quan liên ngành có biện pháp xử lý dứt điểm khu vực tự phát bên ngoài chợ để không làm ảnh hưởng đến bà con buôn bán chân chính trong chợ Phùng Khoang” – ông Nam nhấn mạnh.

Tiểu thương buôn bán bên trong chợ Phùng Khoang.

Thực phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn tác động tiêu cực tới những tiểu thương làm ăn chân chính tại chợ Phùng Khoang. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để chấm dứt tình trạng này.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan