Tôi vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy – ngày tòa án tuyên bố tôi sẽ sống với bố sau khi bố mẹ ly hôn. Khi ấy tôi mới 12 tuổi, đôi tay bé nhỏ nắm chặt lấy váy mẹ không chịu buông, nước mắt chảy dài trên gương mặt non nớt. Mẹ ôm tôi khóc nức nở, nhưng luật pháp đã phân xử, đứa con gái nhỏ phải về với người cha giàu có thay vì người mẹ nghèo khó.
Ai ngờ đó chính là bản án khắc nghiệt nhất cuộc đời tôi.
Ngôi nhà lớn của bố lạnh lẽo như mồ chôn. Bà nội là người đàn bà khắc nghiệt với đôi mắt sắc như dao luôn chờ sẵn để “dạy dỗ” tôi. Căn phòng xinh xắn mẹ chuẩn bị cho tôi khi còn sống với bố bị khóa trái, bà thà để nó thành phòng hoàng chứ nhất quyết không cho tôi ở trong đó. Từ ngày mẹ đi, bà bảo tôi xuống ở dưới cái gác xép với mấy cô giúp việc. Cũng may, các cô giúp việc trong nhà chăm tôi từ bé nên thương tôi như con cái trong nhà.
Mỗi sáng thức dậy là một cực hình. Bà đứng chờ sẵn ngoài cửa, miệng không ngừng nhả những lời độc địa: “Nuôi cái loại này cho đúng trách nhiệm thôi chứ cái mặt giống hệt con mẹ thì cũng chả tử tế gì nổi đâu” . Bữa ăn là trận chiến khi bàn đầy cao lương mỹ vị nhưng tôi cấm không dám gắp cái gì vì bà lườm nguýt không ngừng nên thường thì tôi chỉ chan canh ăn cho xong bữa.
Tôi hiểu mình đang trả giá cho mối thù của bà với mẹ. Bà ghét mẹ tôi, đứa con dâu “đỉa đòi đeo chân hạc” làm con bà phải lỡ dở 1 lần. Giờ khi bố mẹ tôi ly dị, tôi trở thành vật thế thân để bà trút giận.

Bà không đánh đập tôi, chưa bao giờ thượng cảng tay hạ cẳng chân nhưng những gì bà làm còn đau đớn hơn cả ngày ăn đòn vài bận. Những buổi tối co ro trong chăn nghe bà rủa xả: “Tao nuôi rắn trong nhà chứ con cháu cái nỗi gì, tao nuôi mày đến năm 18 tuổi thì thôi lượn đi cho đỡ nặng nợ” . Tất cả đều in hằn trong ký ức như những vết sẹo không bao giờ lành.
Đáng sợ nhất là những lần bà bắt tôi quỳ trước bàn thờ tổ tiên, ép tôi nói xấu mẹ mình. Tôi cắn chặt môi đến chảy máu, kiên quyết không hé răng.
Bố tôi biết hết. Ông nghe tiếng khóc đêm của con gái, nhưng luôn chọn cách quay mặt làm ngơ. Có lần tôi van xin: “Bố ơi, cho con về với mẹ đi”, ông chỉ thở dài: “Con thông cảm cho bố, bà già rồi, đừng chấp bà”.
Sự nhu nhược của bố khiến tôi tổn thương gấp bội. Ở trong nhà mình nhưng tôi không có cảm giác như mình có gia đình.
Dần dần mọi chuyện thành quen, những lời nói của bà không còn khiến tôi đau lòng tổn thương nữa. Càng về sau, tôi chỉ có duy nhất 1 suy nghĩ mỗi lần bà “lên cơn” chửi rủa đó là tôi thấy phiền.
Năm 18 tuổi, tôi thi đậu đại học xa nhà với học bổng toàn phần. Ngày rời đi, tôi bước qua ngưỡng cửa nhà bố mà không ngoái lại. Bà nội giờ đã già yếu, ngoài tôi ra chẳng có đứa cháu nội nào. Càng già bà càng bớt cay độc đi, nhiều lần nhờ bố gọi điện xin tôi về thăm. Nhưng có những vết thương quá sâu để có thể hàn gắn.
Giờ đây khi đã trưởng thành, đôi khi tôi tự hỏi điều gì đã khiến một người bà có thể độc ác với đứa cháu ruột như vậy. Rốt cuộc đó là nỗi đau từ quá khứ hay là sự ích kỷ của lòng hận thù?
Sau cùng thì tôi cũng không muốn mang chấp niệm, tôi sang nhà mẹ, rúc vào lòng mẹ.
– Bố gọi điện bảo con về thăm bà nội, bà già yếu rồi…
Tôi nói bỏ lửng, mẹ tôi cười.
– Thì về xem bà thế nào. Nhưng mà tùy con nhé. Mẹ thì mẹ chẳng ghét gì bà nhưng cũng không còn quan hệ gì nữa. Con thì là cháu chắt nên dù sao cũng là máu mủ. Con thấy muốn về thì về không thì thôi, không ai trách gì được con hết.
Bà đối xử với mẹ ác nghiệt như vậy nhưng mẹ chẳng để vào lòng, có lẽ tôi cũng chẳng nên nặng nề thêm làm gì.
Đọc bài gốc tại đây.