Nội dung chính
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024, được áp dụng từ ngày 1/7/2025, lao động nữ sinh con được hưởng nhiều quyền lợi tài chính nhằm hỗ trợ thu nhập và sức khỏe trong giai đoạn mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ. Dưới đây là chi tiết về các khoản tiền mà lao động nữ có thể nhận được khi sinh con từ ngày 1/7.
Trợ cấp một lần
Theo quy định tại Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, số 41/2024/QH15, người lao động được trợ cấp một lần khi sinh con trong các trường hợp sau:
*Trường hợp 1: Lao động nữ sinh con
Nếu lao động nữ có đủ điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 5 Điều 50 của Luật BHXH 2024 thì được trợ cấp một lần.
Nếu lao động nữ không đủ điều kiện, nhưng người chồng có đủ điều kiện tại khoản 2 Điều 50, thì người chồng sẽ được nhận trợ cấp một lần.
*Trường hợp 2: Mang thai hộ và nhờ mang thai hộ
– Lao động nữ mang thai hộ có đủ điều kiện tại khoản 2 hoặc 3 Điều 50 được nhận trợ cấp một lần khi sinh con.
– Trường hợp người mang thai hộ không đủ điều kiện, thì:
+ Người mẹ nhờ mang thai hộ được nhận trợ cấp nếu có đủ điều kiện.
+ Nếu mẹ nhờ mang thai hộ không đủ điều kiện, thì người chồng của mẹ nhờ mang thai hộ được nhận trợ cấp nếu có đủ điều kiện.
+ Nếu cả ba người trên không đủ điều kiện thì người chồng của người mang thai hộ sẽ được nhận trợ cấp nếu có đủ điều kiện.

* Trường hợp 3: Nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi
Người lao động nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi có đủ điều kiện cũng được trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức tham chiếu tại thời điểm:
+ Lao động nữ sinh con.
+ Nhận con do nhờ mang thai hộ.
+ Nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi.
Mức trợ cấp một lần
Mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức tham chiếu tại tháng lao động nữ sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi.
Theo khoản 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
Hiện nay, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng (theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP)
Như vậy, trợ cấp 1 lần/con = 2,34 triệu đồng x 2 = 4,68 triệu đồng.
Trợ cấp thai sản
Theo Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (số 41/2024/QH15), mức trợ cấp thai sản một tháng được tính như sau:
Mức trợ cấp = 100% mức bình quân tiền lương đóng BHXH bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp người lao động chưa đóng đủ 06 tháng thì mức bình quân sẽ tính theo các tháng đã đóng.
Ví dụ: Nếu người lao động có mức lương đóng BHXH 6 tháng gần nhất lần lượt là là 5.5 triệu đồng thì trợ cấp thai sản mỗi tháng là 5.500.000 đồng x 6 tháng = 33.000.000 đồng.
Cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ được tính trợ cấp theo công thức trên, dựa trên mức bình quân tiền lương đã đóng BHXH.
Lưu ý: Trợ cấp thai sản không được điều chỉnh tăng nếu trong thời gian người lao động đang hưởng trợ cấp mà Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mức tham chiếu hoặc lương tối thiểu vùng.

Dưỡng sức sau sinh
Căn cứ Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
– Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe liên tục bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
– Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa được quy định như sau:
+ 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên.
+ 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.
+ 05 ngày đối với trường hợp khác.
Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức tham chiếu.
Mức trợ cấp một ngày = 30% mức tham chiếu tại thời điểm nghỉ
Ví dụ: Mức tham chiếu hiện tại là 2.340.000 đồng/tháng, thì 30% = 702.000 đồng/ngày.
Không áp dụng chế độ này nếu người lao động trở lại làm việc trước thời hạn nghỉ chế độ thai sản.
Ngoài ra, lao động nữ được hưởng trợ cấp theo ngày trong trường hợp:
+ Nghỉ khám thai (Điều 51).
+ Nghỉ do bị sảy thai, nạo phá thai, thai chết lưu, phá thai y tế, thai ngoài tử cung (khoản 2 Điều 53).
+ Trợ cấp theo ngày = Mức trợ cấp một tháng chia cho 24 ngày.
Đọc bài gốc tại đây.