Tôi là con dâu út trong nhà. Bao năm nay sống cùng mẹ chồng, tôi luôn cố gắng làm tròn bổn phận. Không than vãn, không so đo, nhẫn nhịn từng câu nói, từng ánh mắt xét nét của mẹ chồng dành cho tôi. Nhưng có lẽ, sự im lặng quá lâu khiến người ta nghĩ mình cam chịu được mãi.
Mẹ chồng tôi là người sắc sảo, nói năng thâm thúy, nhưng lại có thói quen đem các con dâu ra so sánh. Và người mẹ luôn khen hết lời, chưa một lần phàn nàn – là chị dâu cả. Mỗi tháng chị gửi về biếu mẹ 20 triệu, sống cách cả trăm cây số, thi thoảng mới ghé về nhà được vài tiếng rồi đi. Ấy vậy mà trong mắt mẹ, chị dâu là hình mẫu lý tưởng của một người con dâu biết điều, biết đối nhân xử thế.

Ảnh minh hoạ
Còn tôi? Tôi sống cùng mẹ, ngày nào cũng cơm nước, thuốc men, những lúc mẹ đau yếu hay nằm viện đều một tay tôi lo. Chồng tôi – con trai út – không phải người giỏi giang, nhiều tiền như anh cả, nhưng anh là người con có trách nhiệm. Dù thu nhập không cao, vợ chồng tôi chưa một lần để mẹ thiếu thốn. Vậy mà mẹ chưa từng công nhận. Lúc nào cũng nghe mẹ chê trách: “Không bằng vợ chồng thằng cả”, “Con dâu người ta biết nghĩ, biết thương mẹ, chứ không như cô”.
Tôi nhịn. Vì nghĩ, mình sống cùng mẹ, mình hiểu mẹ hơn, thôi thì thiệt một chút cũng không sao.
Cho đến một ngày, mẹ lại nói câu cũ: “Chị dâu mày mỗi tháng biếu mẹ 20 triệu, còn cô thì có gì đâu, chỉ ăn bám nhà này là giỏi”. Tôi nghe mà nghẹn họng. Nhìn mẹ nói câu đó, không một chút do dự hay xấu hổ, tôi mới thấy những năm tháng mình cố gắng, thực sự là vô nghĩa.
Tôi không chịu được nữa. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ có nhớ mảnh đất rộng hơn 300m2 ở mặt đường mẹ cho anh chị không? Mấy năm trước chỉ tầm vài tỷ, giờ giá lên gần hai chục tỷ rồi. Con chưa từng một lần đòi hỏi hay trách mẹ thiên vị. Rồi còn cuốn sổ tiết kiệm 3 tỷ mẹ đưa anh chị vay? Mẹ có cần con kể tiếp không? Họ vay mà chẳng ký giấy tờ, cũng chẳng hẹn ngày trả. Mẹ có bao giờ nhắc đến?”
Mẹ lặng thinh. Mặt bắt đầu tái đi, nhưng tôi chưa dừng lại. “Hai đứa con của anh chị, mẹ chăm gần chục năm. Cơm bưng nước rót, bế bồng đi học, đưa đón không thiếu ngày nào. Vợ chồng anh chị yên tâm đi làm, gửi tiền cho mẹ thì chẳng khác gì thuê bảo mẫu. Còn vợ chồng con – chăm mẹ từng viên thuốc, từng bữa ăn, từng lần nằm viện. Mẹ chưa từng hỏi chúng con có mệt không, có đủ sức không. Nhưng mỗi lần chị dâu gửi tiền, mẹ lại nhắc cả tháng. Vậy, tình cảm của mẹ là mua bằng tiền ư? Vài chục triệu mỗi tháng có thể phủ sạch tất cả những hy sinh không tên mà con dành cho mẹ?”
Tôi không biết lúc ấy mẹ nghĩ gì, chỉ thấy mặt bà chuyển từ tái sang tím, đôi mắt tránh ánh nhìn của tôi, miệng lắp bắp không thành câu. Bà không ngờ tôi – đứa con dâu bao năm ngoan hiền, cam chịu – lại dám nói ra tất cả một cách đanh thép đến vậy.
Tôi không nói để đòi công, cũng không để kể lể. Tôi nói vì tôi đã quá mệt mỏi. Sự thiên vị của mẹ không còn là sự thiếu công bằng nữa, nó đã trở thành sự xúc phạm. Một người sống bên cạnh mẹ từng ngày, chưa từng bỏ rơi mẹ một phút nào, lại bị đánh giá thấp hơn một người chỉ gửi tiền rồi biệt tăm.
Tiền rất quan trọng, nhưng tình nghĩa và trách nhiệm mới là thứ không thể đong đếm. Chị dâu có thể giỏi kiếm tiền, có thể biết gửi mẹ 20 triệu mỗi tháng – nhưng tiền không thể thay thế tình thân. Và con, không thể sống mãi trong cảnh bị đem ra so sánh như món hàng kém chất lượng.
Sau hôm ấy, mẹ ít nói hơn. Không còn ca ngợi chị dâu trước mặt tôi nữa, cũng không còn mỉa mai. Nhưng khoảng cách giữa tôi và mẹ… hình như đã vỡ rồi. Một khi niềm tin và tình cảm bị tổn thương quá lâu, thì khó mà hàn gắn lại được.
Tôi chỉ mong, những ai đang làm mẹ chồng – xin hãy công bằng. Đừng lấy vật chất ra làm thước đo tình cảm. Đừng để một người con dâu chỉ biết cúi đầu nhẫn nhịn suốt bao năm cuối cùng lại phải thốt lên trong nghẹn ngào: “Con không còn chịu đựng nổi nữa rồi…”
Đọc bài gốc tại đây.