Ngày 5/5, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh chủ một quán ăn tại Hà Nội khoe cỗ lòng se điếu dài tới 40m, nặng 5,8 kg từ heo cái nặng hơn 100 kg. Ngay sau khi đoạn clip trên được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến nhiều người xôn xao và gây tranh cãi, nhiều người bày tỏ hoài nghi về tính xác thực, cho rằng đây chỉ là chiêu trò “câu khách”.
Theo tìm hiểu đoạn clip nói trên đã được một chủ cửa hàng đăng tải lên mạng xã hội từ cuối năm 2024, tuy nhiên vài ngày trở lại đây được cộng đồng mạng chia sẻ trở lại khi từ khóa “lòng se điếu” đang được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, một số thông tin về nguồn gốc và chất lượng của lòng se điếu đã khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng có thể gây mối nguy hại với sức khỏe.

Tranh luận về lòng se điếu đang thu hút rất nhiều sự quan tâm và thảo luận của cư dân mạng
Liên quan đến vụ việc trên, chia sẻ với Tạp chí Tri Thức – Znews, GS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết việc quảng cáo lòng se điếu dài tới 40 mét là hành vi gian lận thương mại trong chế biến – thủ đoạn nhằm nâng giá một món ăn vốn hiếm và đắt đỏ.
Bà Lan khẳng định Sở đang tiến hành kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu để kiểm nghiệm, làm rõ liệu sản phẩm có sử dụng phụ gia hay chứa chất độc hại hay không.
“Trước đây, việc giám sát mặt hàng này chưa được đặt thành trọng tâm do Sở ưu tiên kiểm tra thịt heo và các sản phẩm phổ biến hơn”, bà Lan chia sẻ.
Trước đó, trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), xác nhận lòng se điếu là một món ăn yêu thích của nhiều người, tuy nhiên lại rất ít và hiếm dẫn đến giá cả khá đắt đỏ.
Nếu sử dụng các hóa chất để “phù phép” thành lòng se điếu sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Đặc biệt, nếu có sử dụng các chất nêu trên với nồng độ cao có thể tích tụ lâu ngày gây ung thư hoặc ngộ độc cấp dẫn đến tử vong.
Điển hình như một số chất khi ngâm có thể làm cho bề mặt thực phẩm trở nên co lại, cứng lên và trắng hơn như oxy già, phèn chua.
Chỉ được sử dụng oxy già vào thực phẩm với nồng độ rất nhỏ, không được phép ngâm với liều cao và thời gian dài vì có thể gây các bệnh liên quan đến đường ruột.
Đặc biệt, nếu sử dụng formol để ngâm với mục đích tiêu diệt một số vi sinh vật làm hư hỏng thực phẩm, kéo dài thời gian bảo quản sẽ rất nguy hiểm, vì đây là chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Formol có độc tính cao, khi nuốt phải có thể gây đau bụng dữ dội, nôn ói, viêm dạ dày, ruột cấp tính, hoặc lâu dần có khả năng gây ung thư.
Trước đó, chia sẻ với báo Người lao động, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi, TP HCM), nơi giết mổ 1.000 con heo/ngày, khẳng định lòng se điếu tự nhiên cực hiếm.
“Ngay tại nhà máy chúng tôi, vài năm nhân viên mới phát hiện được một bộ lòng se điếu tự nhiên trong quá trình giết mổ và thường sẽ dùng biếu tặng, không bán ra thị trường” – đại diện nhà máy này tiết lộ.
Tiền thân của doanh nghiệp này là cơ sở giết mổ Xuyên Á, từng có công suất giết mổ hơn 5.000 con/ngày và “lòng se điếu” không được thị trường TP HCM quan tâm.
“Lòng se điếu cũng chỉ là phần đầu của phèo, không ngon bằng dồi trường và không phải là thực phẩm khuyến khích dùng do có nhiều cholesterol” – ông này khẳng định.
Về hình ảnh lòng se điếu trên mạng, người này phán đoán có thể đã bị can thiệp, không phải hàng tự nhiên.
Đọc bài gốc tại đây.