Nếu phải kể tên một nhà văn vừa tài hoa, vừa “khó tính” bậc nhất trong văn học Việt Nam hiện đại, thì chắc chắn không thể bỏ qua Nguyễn Tuân. Là một người suốt đời đi tìm cái đẹp, ông tự nhận mình “sinh ra để thờ phụng cái đẹp” và sống với một nguyên tắc rất riêng: tuyệt kĩ chính là tuyệt mĩ.
Phong cách ấy thấm đẫm vào từng trang văn của Nguyễn Tuân, từ Vang Bóng Một Thời – nơi ông dựng lại những con người tài tử, phong lưu của một thời vang bóng, đến Chùa Đàn – một thế giới huyền ảo đẫm màu sắc tâm linh, hay Tùy bút Ng ười Lái Đò Sông Đà – nơi mỗi câu chữ như một lát cắt kỳ công tạc khắc hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ. Nguyễn Tuân yêu tiếng Việt như yêu một báu vật, mỗi từ ngữ đều được ông chọn lựa, gọt giũa như người thợ bạc rèn ngọc. Vì vậy, không ngạc nhiên khi con người ngoài đời của ông cũng mang một vẻ “ngông”, khó chiều và kỹ tính đến cực đoan.

Nguyễn Tuân là nhà văn cả đời đi tìm cái đẹp
Theo báo Giáo Dục Và Thời Đại , sự khó tính của Nguyễn Tuân không chỉ thể hiện trong văn chương mà còn nổi tiếng qua giai thoại chọn chồng cho con gái – một câu chuyện vừa buồn cười, vừa khiến người đời thầm nể phục khí chất “không chịu dễ dãi” của ông.
Hôm ấy, cô con gái của Nguyễn Tuân hẹn người yêu đến nhà ra mắt. Cậu trai trẻ, vì lo sợ trễ hẹn với bố vợ tương lai – một cây đại thụ trong giới văn chương, người nổi tiếng “thét ra lửa, nói ra vàng”, nên cố gắng đến sớm. Nhưng có lẽ vì hồi hộp, hoặc vì quá gấp gáp, mà khi bước vào ngôi nhà với chiếc cầu thang gỗ, anh chàng nhảy ba bước một lên thềm, làm cầu thang kêu rầm rầm như sắp long cả đinh vít. Đến cửa, mồ hôi vã ra như tắm, anh vừa thở hổn hển vừa gõ cửa. Người mở cửa lại không ai khác chính là Nguyễn Tuân.
Vẫn dáng vẻ ung dung, phong thái như đang bước ra từ một trang tùy bút cổ, nhà văn từ tốn nhìn chàng trai một lượt từ đầu xuống chân bằng ánh mắt sắc lẹm. Không một lời chào hỏi xã giao, ông lững thững quay người, chắp tay sau lưng, vừa đi vào nhà vừa buông một câu, giọng đều đều: ” Đi với đứng, cứ rầm rầm như thằng ăn cướp”. Nguyên một câu nói, giáng cho chàng rể tương lai một đòn choáng váng…
Quyết tâm sửa sai, lần thứ hai anh chàng cẩn thận chuẩn bị chu đáo hơn. Hôm ấy, anh đến sớm trước giờ hẹn cả nửa tiếng, từng bước chân đặt lên cầu thang gỗ để tránh gây tiếng động. Khi tới cửa, anh đứng thở nhịp nhàng, chỉnh trang lại áo quần rồi gõ cửa một cách lễ phép, nhẹ nhàng. Thế nhưng, người ra mở cửa lần này vẫn là nhà văn Nguyễn Tuân.
Ông lại liếc xéo anh từ đầu đến chân rồi lẳng lặng đi vào, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Đi với đứng, cứ rón ra rón rén như thằng ăn trộm” . Nghe nói sau lần ấy, anh chàng sợ không dám đến nữa.
Chuyện kể trên vừa buồn cười, vừa thấm thía. Bởi hơn cả sự khó tính, câu chuyện ấy còn cho thấy cái khí chất Nguyễn Tuân: ông không chấp nhận sự tầm thường, dù là trong cuộc sống đời thường. Đối với ông, một con người không chỉ cần yêu thương chân thành mà còn phải giữ được phong thái, bản lĩnh và vẻ đẹp trong từng cử chỉ nhỏ nhất.

Họa Sĩ Bùi Xuân Phái (bên trái), nhà văn Nguyễn Tuân (ở giữa) và nhạc sĩ Văn Cao (ngoài cùng bên phải)
Có lẽ trong mắt người thường, Nguyễn Tuân quá khắt khe. Nhưng với những ai hiểu sâu về ông, đó lại là một chuẩn mực sống: đã sống là phải đẹp, phải đàng hoàng. Văn Nguyễn Tuân sắc sảo, kỹ lưỡng bao nhiêu, con người ông cũng đòi hỏi cuộc sống xung quanh mình phải tinh tế và cao nhã bấy nhiêu. Không có chỗ cho sự vụng về, cẩu thả, hay bất kỳ biểu hiện nào của sự hời hợt.
Thế mới thấy, khi một nhà văn cả đời thờ phụng cái đẹp ra tay “chọn rể”, thì một cái liếc mắt thôi cũng đủ khiến “người ấy” chạy mất dép. Câu chuyện nhỏ ấy như một nét chấm phá sống động về con người Nguyễn Tuân – một nhà văn tài hoa, khí phách, vừa ngông, vừa đáng kính, và mãi mãi là một tượng đài bất biến trong lòng người yêu văn chương Việt Nam.
Tổng hợp
Đọc bài gốc tại đây.