Ai cũng biết tiền mặt luôn mất giá khi so với mức tăng của vàng, nhưng khi so sánh giá trị trong khoảng thời gian đủ dài thì khó mà không xót ruột vì sự chênh lệch quá ghê gớm.
Tôi tốt nghiệp đại học và đi làm đã 19 năm, may mắn là bố mẹ hai bên hỗ trợ tiền mua nhà, con cái cũng dễ nuôi nên áp lực tiền bạc không đến nỗi nặng nề như bạn bè cùng trang lứa đến từ các tỉnh. Không thiếu tiền, cũng chẳng có nhiều tiền nên tôi ít để ý chuyện đầu tư tiền nhàn rỗi.
Đọc báo và nghe mọi người bàn luận, tôi cũng biết rằng để tiền khỏi mất giá thì cần đầu tư vào một kênh nào đó như bất động sản hay vàng. Nhưng thu nhập của hai vợ chồng đều không cao, sau khi trừ các khoản chi tiêu cơ bản thì con số còn lại chẳng đáng bao nhiêu, vì vậy tôi càng không để tâm chuyện đó.
Khi tiền tích lại được một khoản kha khá, tôi thường gửi tiết kiệm cho nhanh gọn đơn giản. Mẹ tôi khuyên nên mua vàng “bỏ ống”, tích tiểu thành đại, nhưng tôi bỏ ngoài tai, vì vài tháng một lần lặn lội ra hiệu vàng mua một chỉ thì chẳng bõ công, trong khi ngân hàng thì ngay cạnh nơi làm việc, sau này thì dịch vụ trực tuyến phát triển thì chỉ vài cú bấm điện thoại là xong.
Nhưng đến nay, khi giá vàng vượt ngưỡng 100 triệu đồng/lượng, tôi thấy tiếc, thấy hối hận vì đã không nghe lời khuyên của mẹ. Nếu nghe lời bà, phần tiền còn lại sau khi chi tiêu được chuyển thành vàng thì giờ này tôi đã có gấp mấy lần con số 2 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm hiện tại.

Tôi từng cười cợt thói quen thỉnh thoảng mua vài chỉ vàng “bỏ ống” của các bà, các mẹ.
So sánh mức tăng của giá vàng và lương là rõ. Năm 2013, lương của tôi là 15 triệu đồng. Giá vàng thời gian đó giảm mạnh sau cơn sốt năm 2011 – 2012. Mức giá cao nhất năm là 47 triệu đồng, tôi nhớ là vào quý 1, sau đó thì giảm và đến giữa năm thì xuống đáy, chỉ còn 35 triệu đồng một lượng, những tháng sau có tăng nhưng cũng chỉ loanh quanh 37 – 39 triệu đồng.
Sở dĩ tôi nhớ rõ vì 2013 là năm giá vàng xuống thấp nhất so với khoảng thời gian dài trước và sau đó, và vì mẹ tôi cứ nhắc suốt để trách móc tôi bỏ lỡ cơ hội. Vài gười bạn của tôi cũng thích nhắc đi nhắc lại cái mốc này, vì đã mua vào khá nhiều, đến nay vẫn chưa bán và lãi đậm.
Hồi đó, nếu muốn trữ vàng thì mỗi tháng vợ chồng tôi có thể mua được 1 – 1,5 chỉ, và nếu tích đến bây giờ thì có thể nói là thời kỳ đó mỗi tháng chúng tôi tiết kiệm được 10 -15 triệu đồng.
Hiện nay lương của tôi là 18 triệu đồng, tăng 3 triệu so với 12 năm trước nhưng nếu so với giá vàng, giá đất và giá tiêu dùng nói chung thì có thể thấy rõ là thu nhập giảm. Giá vàng hiện nay là gần 102 triệu đồng/lượng. Nếu như vào tháng 6/2013 lương của tôi có thể mua gần 4,3 chỉ vàng thì mức lương hiện tại chỉ mua được 1,8 chỉ.
Có điều, với giá cả hiện nay, thu nhập của tôi chỉ đủ để chi tiêu mỗi tháng chứ không thừa để mua dù chỉ là một phân vàng. So với 12 năm trước, giá gạo và giá thịt lợn tăng gần gấp đôi, chai nước rửa tay mà tôi hay dùng hồi đó tầm hơn 30 nghìn đồng, nay đã gần 80 nghìn đồng…
Nhìn lại những gì mình có trong tay, tôi không thể không thốt lên một câu cũ rích: “Các cụ đã nói là cấm có sai”. Từ nay tôi hết dám cười cợt kiểu chắt bóp được đồng nào thì “đi mua nửa chỉ, một chỉ vàng bỏ ống bơ chôn dưới chân giường” như các bà các mẹ nữa mà tự hứa sẽ học theo họ. Chỉ tiếc là với thu nhập và giá cả hiện tại, phải lâu lâu tôi mới mua được một chỉ vàng bỏ ống.
Đọc bài gốc tại đây.