Giá vàng thế giới đã tăng vượt mốc 3.200 USD/ounce lần đầu tiên trong lịch sử, tăng khoảng 119,8 USD/ounce so với đầu tuần, từ mức khoảng 3.095 USD/ounce lên ngưỡng 3.214,3 USD/ounce hiện tại.
Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng 5 triệu đồng sau hai ngày và tăng gần 6 triệu đồng/lượng so với đầu tuần. Từ mức 100,6 triệu đồng/lượng (mua vào) – 103,6 triệu đồng/lượng (bán ra) lên mức 103,4 – 106,4 triệu đồng/lượng hiện tại.
Cụ thể, vào lúc 9h sáng nay (11/4), các doanh nghiệp kinh doanh điều chỉnh giá vàng miếng SJC. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 103,4 – 106,4 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng mạnh 2,8 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng như Bảo Tín Minh Châu cũng tăng mạnh giá vàng miếng SJC lên mốc 106,4 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay.
Vào tháng 3/2025, giá vàng SJC dao động ở mức khoảng 97-98 triệu đồng/lượng (mua vào) và 100-101 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, trong khoảng một tháng qua, giá vàng SJC đã tăng thêm khoảng 6-7 triệu đồng/lượng cả ở chiều mua vào và bán ra, tương ứng với mức tăng trưởng mạnh khoảng 7% so với cuối tháng trước.
So với giá vàng thế giới đã quy đổi, giá vàng SJC hiện tại đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng.

Với đà tăng này, giá vàng miếng SJC ghi nhận mức tăng đột biến, thiết lập các đỉnh mới cả trong nước và quốc tế.
Giá vàng nhẫn cũng có mức tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng nay. Cụ thể, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn 101,4 – 105 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra; Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 102 – 105,8 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu đạt mức 102,5 – 106,4 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua bán lên đến 3,9 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá vàng trong nước biến động mạnh, khoảng cách mua – bán bị đẩy lên mức quá cao, khiến rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân tăng cao. Theo chuyên gia, mức chênh lệch an toàn dao động trong ngưỡng 1,5 triệu đồng/lượng.
Dòng vốn trú ẩn an toàn là các yếu tố chính tạo đà cho giá vàng tăng mạnh.
“Căng thẳng thương mại chưa từng có đã làm sâu sắc thêm sự ngờ vực đối với USD, làm tăng nhu cầu đối với các tài sản an toàn khác”, Liu Yuxuan, một nhà nghiên cứu kim loại quý tại Guotai Jun’an Futures Co. có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
Ông Nikos Tzabouras – chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Tradu.com – cho rằng vàng đang lấy lại vị thế như nơi trú ẩn trong bối cảnh bất ổn và có thể tiếp tục thiết lập đỉnh mới.
“Giá vàng đã lấy lại vị thế là công cụ phòng trừ rủi ro và quay về đà tăng kỷ lục. Tuy nhiên, triển vọng đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác có thể đe dọa đà tăng này”, Nikos Tzabouras – nhà phân tích thị trường cấp cao tại Tradu.com nhận định.
Ông cũng lưu ý rằng nếu Mỹ và các đối tác đạt được thỏa thuận thương mại, sức hút của vàng có thể suy giảm. Ngoài ra, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất trong thời gian tới có thể hỗ trợ đồng USD phục hồi, từ đó gây sức ép lên giá vàng.
Đọc bài gốc tại đây.