Ngày 2/4, tại Hội sở chính của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), một chương trình đặc biệt đã được phát động – “HiGreen Trường Sa”.
Được khởi xướng với mục tiêu trồng một triệu cây xanh tại một trong những vùng đảo xa xôi của Việt Nam, chương trình này không đơn thuần là một chiến dịch bảo vệ môi trường mà còn là một biểu tượng của tinh thần trách nhiệm và sự gắn kết cộng đồng.
Tuy nhiên, ngay từ khi khởi động, câu hỏi lớn đặt ra là liệu một dự án quy mô lớn như vậy có thể thực hiện được hay không, nhất là khi khu vực Trường Sa vẫn còn đối mặt với những khó khăn về địa lý và điều kiện khí hậu. Nhưng MB đã có một giải pháp rõ ràng : cam kết đóng góp 160 tỷ đồng cho chương trình . Trong đó, 50 tỷ đồng sẽ được MB bank huy động từ các hành động tài chính xanh và những hoạt động lan tỏa tích cực. Phần còn lại sẽ được huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Đại tá Lưu Trung Thái, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT MB, đã khẳng định: “Không có đóng góp nào là nhỏ bé khi được cộng hưởng vì một mục tiêu lớn. Chúng tôi trân trọng sự đồng hành của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, đã và sẽ cùng MB hiện thực hóa mục tiêu trồng một triệu cây xanh tại huyện đảo Trường Sa.” Thông điệp mạnh mẽ này giải đáp những thắc mắc về tính khả thi của dự án đồng thời cũng khơi dậy niềm tin và sự tham gia rộng rãi từ cộng đồng.
Với cam kết vững chắc từ MB và sự đồng lòng của các tổ chức, cá nhân, chương trình “HiGreen Trường Sa” hứa hẹn sẽ tạo nên một không gian xanh mới cho Trường Sa, góp phần thúc đẩy tinh thần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho toàn quốc.

160 tỷ đồng của HiGreen Trường Sa là con số lớn nhất từ trước tới nay cho một chiến dịch xã hội đơn lẻ.
Ngay trong buổi lễ phát động, ông Lưu Trung Thái đã chuyển ngay 51.115.555 đồng vào số tài khoản 5555 của HiGreen Trường Sa. Theo vị lãnh đạo chia sẻ, con số này có ý nghĩa đặc biệt. Các số lẻ như 115.555 hay số tài khoản của chương trình là 5555, chính là số trùng với kinh độ Trường Sa: 111°55′55″Đ.
Cũng theo vị lãnh đạo, 160 tỷ đồng – con số lớn nhất từ trước tới nay cho một chiến dịch xã hội đơn lẻ, và đây mới chỉ là chi phí để mua một triệu cây xanh. Còn để che chắn, chăm sóc cho cây trưởng thành sẽ cần nhiều tâm sức, mồ hôi của các chiến sĩ hải quân.
“Tuy con số 160 tỷ đồng là rất lớn, nhưng tôi tin, chỉ cần hai từ Trường Sa vang lên thì tất cả chúng ta đều làm được, đều chung sức chung lòng vì biển đảo”, ông Thái nhấn mạnh.

Đại tá Lưu Trung Thái, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT MB Bank.
Chắt chiu từng giọt nước, từng chuyến tàu chở cây ra đảo
Việc trồng cây ở Trường Sa không phải là một nhiệm vụ đơn giản, mà là một thử thách lớn đòi hỏi sự kiên trì và sáng tạo trong mỗi bước thực hiện. Đại tá Cao Văn Sơn, Phó chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật Quân chủng Hải quân, đã chỉ ra rằng điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại Trường Sa đặc biệt khó khăn đối với sự phát triển của cây trồng.
Đất đá san hô cứng như bê tông và ảnh hưởng của nước biển khiến việc đào hố để trồng cây trở nên vô cùng vất vả. Chính vì thế, mỗi cây xanh được trồng tại đây vừa là biểu tượng của sự nỗ lực vừa là kết quả của sự sáng tạo trong phương pháp chăm sóc, như việc sử dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt và chậu kén nước dạng phễu, vừa tiết kiệm nước ngọt vừa tận dụng sương để cung cấp dưỡng chất cho cây.
Sự phối hợp giữa các tổ chức, doanh nghiệp và quân đội trong việc vận chuyển cây giống và chăm sóc cây trồng giúp giảm thiểu chi phí, tạo ra những giải pháp sáng tạo, nâng cao hiệu quả của chương trình. Bởi nếu tính phí vận tải biển thì giá thành rất cao, “có doanh nghiệp báo giá tới 7 triệu đồng một cây”, theo đại tá Sơn.
Về nguồn giống, với cây từ đất liền chuyển ra, một phần còn lại lấy từ vườn ươm tại đảo với chủng loại bàng vuông, tra, phong ba, mù u… do quân dân trên đảo phụ trách.
Như chia sẻ của Đại tá Sơn, việc tiết kiệm chi phí vận tải biển đã giúp giảm gánh nặng tài chính, đồng thời giúp chương trình ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Đây là một câu chuyện điển hình về cách thức CSR có thể góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và môi trường.
Mỗi cây xanh trồng tại Trường Sa đã mang lại lợi ích về mặt môi trường, tác động lâu dài đến sự phát triển của cộng đồng và đời sống của người dân trên đảo. Đại tá Sơn đã nhấn mạnh mục tiêu quan trọng của Quân chủng Hải quân: đến năm 2027, sẽ phủ xanh toàn bộ quần đảo Trường Sa với một triệu cây .
“Những đóng góp cho Trường Sa đều được công khai, minh bạch”, đại tá Sơn cam kết.
Đọc bài gốc tại đây.