Việt Nam hiện có đến hơn 500.000 ha các loại cây gia vị, với khoảng 400 doanh nghiệp và hàng trăm nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ tham gia vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh hạt tiêu, quế, hồi,…nước ta còn sở hữu một sản vật đắt đỏ khác là quả bạch đậu khấu, nhục đậu khấu.
Quả bạch đậu khấu là một loại gia vị được xếp hạng đắt thứ 3trên thế giới, đứng sau nhụy hoa nghệ tây và vani. Loại quả này cũng được bán với giá siêu đắt đỏ tại nhiều quốc gia, thậm chí có thời điểm có giá lên đến 90 USD cho 1kg.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu nhóm bạch đậu khấu – nhục đậu khấu (BĐK-NĐK) đã thu về hơn 6,7 triệu USD với 760 tấn trong quý 1, tăng mạnh 39,2% về lượng và tăng 37% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Hà Lan, Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu chủ đạo của nước ta với sản lượng lần lượt là 240 tấn và 125 tấn.

Tại Việt Nam, bạch đậu khấu mọc ở các vùng núi cao và có khí hậu mát mẻ như Cao Bằng, Lào Cai… Thông thường, bạch đậu khấu cao khoảng 2 – 3 m và là loài cây sống lâu năm. Hoa của loài cây này màu trắng tím, thường mọc thành cụm ở gốc của thân mang lá. Hoa và quả bạch đậu khấu là những bộ phận được sử dụng làm dược liệu. Trong đó, quả được thu hái ở những cây có tuổi đời ít nhất 3 năm tuổi trở lên.
Anh em của bạch đậu khấu là quả nhục đậu khấu, có nguồn gốc từ quần đảo Maluku (Indonesia) và được trồng rộng rãi ở các nước vùng nhiệt đới như ở Campuchia, Ấn Độ và Malaysia.
Tại Trung Quốc, cây được trồng thử nghiệm và phát triển tốt ở các tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Ở nước ta, cây nhục đậu khấu thường sẽ phổ biến ở các tỉnh miền Nam. Cây có thể thu hoạch sau 7-8 năm, mỗi năm có thể thu hoạch 2 lần vào các tháng 11-12 và tháng 4-6.
Theo Modor Intelligence, quy mô thị trường hạt nhục đậu khấu ước tính đạt 2,74 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 3,59 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,5% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).
Hiện có khoảng 30 thị trường nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, trong đó Hà Lan, Mỹ và Anh là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng này của Việt Nam với thị phần lần lượt là 31%, 15% và 11,2% (tính đến năm 2024). Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia vị của Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt khoảng 2 tỷ USD, với khối lượng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn.
Mặc dù tiềm năng của ngành gia vị Việt Nam còn rất lớn, nhưng các doanh nghiệp và nông dân vẫn đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế, và yêu cầu khắt khe về chất lượng từ các thị trường nhập khẩu. Hiện tại, chỉ khoảng 40-50% tiềm năng sản xuất gia vị được khai thác hiệu quả.
Để vượt qua các khó khăn này, Việt Nam đang thúc đẩy quy hoạch sản xuất tại các vùng trồng trọng điểm, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đọc bài gốc tại đây.