Trang chủ Kinh doanhThị trường Việt Nam có hãng hàng không thứ 7, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ: Đảo ngọc đứng trước cơ hội vàng

Việt Nam có hãng hàng không thứ 7, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ: Đảo ngọc đứng trước cơ hội vàng

bởi Admin
0 Lượt xem
Việt Nam có hãng hàng không thứ 7, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ: Đảo ngọc đứng trước cơ hội vàng - Ảnh 1.


Thủ tướng chấp thuận lập hãng bay Sun PhuQuoc Airways

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg, chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways.

Theo Quyết định, nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty TNHH Hàng không Mặt trời Phú Quốc. Được biết đây là một công ty thuộc Tập đoàn Sun Group. Tên dự án là “Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways – SPA”.

Theo chủ trương được phê duyệt, SPA sẽ có tổng quy mô đội bay dự kiến đến năm 2030 là 31 tàu bay. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 98,81 triệu USD).

Sân bay căn cứ của Sun PhuQuoc Airways đặt tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), cũng là dự án sân bay BOT thuộc sở hữu của Sun Group. Ngoài ra, hãng sẽ sử dụng các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phù Cát và Cam Ranh để đỗ máy bay qua đêm.

Việt Nam có hãng hàng không thứ 7, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ: Đảo ngọc đứng trước cơ hội vàng - Ảnh 2.

Sun PhuQuoc Airways – SPA sẽ đưa du khách từ các nước trên thế giới và các địa phương Việt Nam đến với đảo ngọc Phú Quốc.

Mục tiêu của dự án là thành lập một hãng hàng không mới với mô hình kinh doanh chính là vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thương mại, kết hợp khai thác mô hình charter phục vụ khách du lịch đi đến các trung tâm du lịch, kinh doanh của Việt Nam và thế giới, điển hình là các vùng biển đảo du lịch nổi tiếng, các trung tâm tài chính thương mại nhộn nhịp.

Đặc biệt, SPA được mở ra với sứ mệnh đưa du khách từ các nước trên thế giới đến với đảo ngọc Phú Quốc. Và việc có thêm một hãng bay tới đảo ngọc cũng sẽ tạo điều kiện để người Việt Nam có thể đến với Phú Quốc dễ dàng, thuận tiện hơn.

Dự kiến, quý IV/2025, SPA sẽ chính thức khai thác các chuyến bay đầu tiên, kết nối Phú Quốc với các trung tâm kinh tế – du lịch trọng điểm trong và ngoài nước.

Cùng với Sun PhuQuoc Airways, Sun Group vẫn đang vận hành hãng hàng không chung cao cấp Sun Air, cung cấp các dịch vụ bay private jet được cá nhân và chuyên biệt hóa, dành cho khách hạng sang.

Việt Nam đang có 6 hãng hàng không đang hoạt động bay thương mại thường lệ gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines và Vasco.


Hàng loạt dự án tầm cỡ tại Phú Quốc

Phú Quốc đang đứng trước nhiều cơ hội bứt phá nhờ sự xuất hiện của cảng hàng không, các hãng bay và hàng loạt dự án tầm cỡ đưa du khách từ các nước trên thế giới và các địa phương Việt Nam đến với đảo ngọc. 

Ngày 18/5, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Thủ tướng đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị điều kiện và triển khai một số biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027 tại TP. Phú Quốc.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 70% vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho các dự án đầu tư công phục vụ APEC 2027 tại Phú Quốc, phần vốn còn lại Kiên Giang cân đối từ ngân sách tỉnh. Các dự án được trung ương hỗ trợ vốn gồm: Dự án hồ chứa nước ngọt (các hồ Cửa Cạn, Dương Đông), tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng, thực hiện tới tháng 6/2027.

Dự án Trung tâm Hội nghị APEC, trên diện tích 57ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Thời gian triển khai từ tháng 5/2025 đến tháng 6/2026.

Việt Nam có hãng hàng không thứ 7, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ: Đảo ngọc đứng trước cơ hội vàng - Ảnh 3.

Phối cảnh khu chức năng phục vụ APEC năm 2027 tại Phú Quốc, trong đó có trung tâm hội nghị.

Dự án tuyến tàu điện đô thị đoạn 1 (Cảng hàng không Phú Quốc – Trung tâm hội nghị – ĐT.973), dài hơn 20km, đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP), tổng vốn khoảng 9.000 tỷ đồng.

Đầu tư nâng cấp, mở rộng, kéo dài đường tỉnh 975, dài khoảng 20km, rộng 60m, tổng kinh phí khoảng 2.500 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có dự án chỉnh trang đô thị và chuyển đổi số xây dựng đô thị thông minh, với tổng vốn hơn 1.400 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư cho các dự án nói trên ước tính hơn 20.100 tỷ đồng (ngân sách trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách địa phương tham gia 30%).

Riêng với Dự án Đại lộ APEC (dài khoảng 3km, rộng 68m), tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ 50%, phần còn lại do ngân sách địa phương và nhà đầu tư cùng tham gia.

Thủ tướng cũng cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù triển khai các dự án phục vụ APEC 2027, như: Cấp phép khai các mỏ cát biển tại TP. Phú Quốc phục vụ thi công dự án xây dựng kè, san lấp mặt bằng Trung tâm tổ chức Hội nghị APEC và các công trình chức năng…

Phú Quốc là nơi được nhiều tập đoàn lớn như Vin Group, Sun Group… đầu tư mạnh mẽ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bất động sản cao cấp gắn với du lịch, thu hút gần 6 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến vui chơi và có tổng thu du lịch trên 21.000 tỷ đồng vào năm 2024.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan