
Campuchia vừa ký nghị định thư với Trung Quốc, cho phép nước này xuất khẩu tổ yến, sầu riêng và cá sấu nuôi sang thị trường tỷ dân.
Đây là một phần trong tổng số 37 thỏa thuận hợp tác giữa hai nước được ký kết gần đây, bao gồm các lĩnh vực đầu tư, thương mại, giáo dục, tài chính, y tế và nông nghiệp, theo Khmer Times.
Ngay lập tức, Tổng cục Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (MAFF) đã kêu gọi các chủ đồn điền sầu riêng, cộng đồng nông dân và các đơn vị chế biến, đóng gói sầu riêng tươi đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cục đã ban hành thông báo kêu gọi những người tham gia sản xuất, chế biến và xuất khẩu sầu riêng tươi nộp đơn đăng ký. Sau khi tiếp nhận đơn, các chuyên gia sẽ được phân công hướng dẫn kỹ thuật và tiến hành đánh giá theo quy trình của nghị định thư. “Tổng cục Nông nghiệp có kế hoạch gửi danh sách các đồn điền sầu riêng tươi và các nhà máy chế biến, đóng gói cho phía Trung Quốc vào tháng 5 năm 2025 để xem xét và đánh giá trước khi bắt đầu xuất khẩu chính thức”, cục nêu rõ.
Tổng cục Nông nghiệp, với tư cách là cơ quan kỹ thuật hàng đầu trong các cuộc đàm phán về kiểm dịch thực vật, tạo điều kiện cho các loại cây trồng của Campuchia, bao gồm sầu riêng, tiếp cận thị trường quốc tế như Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao kiêm người phát ngôn của Bộ Khim Finan nhấn mạnh nhu cầu nông dân phải nộp đơn đăng ký cho trang trại và cơ sở của họ. Các chuyên gia sẽ đánh giá những đơn này theo các thông số kỹ thuật của giao thức trước khi chuyển danh sách cho cơ quan hải quan Trung Quốc để kiểm tra cuối cùng.
Finan lưu ý, “Việc xuất khẩu tổ yến và sầu riêng tươi sang Trung Quốc sẽ bắt đầu vào năm nay. Bộ dự đoán rằng hoạt động xuất khẩu này sẽ giúp mở rộng thị trường nông nghiệp của Campuchia, tăng thu nhập cho nông dân và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia thông qua lĩnh vực nông nghiệp”.
Hầu hết sầu riêng được trồng ở Battambang, Kampot, Pursat và một số tỉnh Kampong Cham, Tbong Khmum, Koh Kong và Ratanakkiri. Vùng trồng sầu riêng truyền thống ở tỉnh Kampot với quy mô nhỏ bằng các giống địa phương và áp dụng kỹ thuật canh tác quảng canh, ít sử dụng hóa chất nên giá bán sầu riêng Campuchia thường cao hơn sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam hay Thái Lan khoảng 20%.
Trong khi các vùng trồng mới phát triển những năm gần đây thường trồng giống Monthong và áp dụng kỹ thuật thâm canh để đạt năng suất cao và thu hoạch như sầu riêng Thái Lan.
Hiện Campuchia có tổng cộng 5.289 ha đất trồng sầu, trong đó đã đưa vào sản xuất 3.403 ha, sản lượng hàng năm đạt 36.656 tấn. So với sản lượng của Việt Nam, con số này còn kém xa.
Việc Campuchia chính thức được cấp phép xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc sẽ khiến cuộc đua xuất khẩu vào đất nước tỷ dân này sẽ diễn ra ngày càng khốc liệt.
Theo thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, hai tháng đầu năm nay, quốc gia này chi hơn 120 triệu USD để nhập khẩu 22.980 tấn sầu riêng nguyên quả, giảm mạnh 56,8% về lượng và giảm 57,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines là 4 nhà cung cấp sầu riêng chính cho thị trường Trung Quốc, tăng thêm một thị trường so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam và Thái Lan.
Đọc bài gốc tại đây.